Cây có thể sống không cần đất, nhưng ánh sáng và nước luôn là hai yếu tố không thể thiếu. Ngày nay, con người đã có thể tạo ra ánh sáng nhân tạo từ đèn với quang phổ thích hợp để thay thế cho ánh sáng mặt tự nhiên.
Tuy nhiên, cho dù bạn trồng cây bằng ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo, bạn vẫn nên tìm hiểu một số kiến thức liên quan đến ánh sáng dưới đây để cây trồng phát triển tốt nhất.
Vai trò của ánh sáng trong quang hợp
Cây xanh quang hợp qua thân, lá nhờ có các diệp lục tố. Chúng sử dụng CO2 và nước để tạo nên các hợp chất hữu cơ cung cấp năng lượng cho cây phát triển. Ánh sáng chính là điều kiện cần thiết cho phản ứng sinh hóa này xảy ra.
Ánh sáng còn tác động đến toàn bộ vòng đời của cây trồng. Từ lúc cây bắt đầu nảy mầm, phát triển, đơm hoa kết trái rồi chết đi. Bên cạnh đó, ánh sáng ảnh hưởng đến cây trồng về mặt sinh khối. Tùy thuộc vào đặc điểm thực vật mà mỗi loại cây có khả năng tiếp nhận cường độ ánh sáng khác nhau. Dựa vào điều này, người ta có thể phân loại cây trồng để tạo điều kiện ánh sáng phù hợp cho chúng phát triển.
Yếu tố liên quan đến ánh sáng ảnh hưởng đến cây trồng
Không phải chỉ cần có ánh sáng là cây sẽ tự động sinh trưởng tốt. Có nhiều yếu tố của ánh sáng ảnh hưởng đến cây trồng mà người trồng cần xem xét kỹ lưỡng. Đó là bước sóng ánh sáng, quang chu kỳ, cường độ và hướng trồng cây.
Bước sóng ánh sáng
Bước sóng ánh sáng thích hợp cho sự phát triển của thực vật là từ 400 nm – 700 nm. Phạm vi bước sóng này thường được gọi là bức xạ quang hợp. Tuy nhiên, quá trình quang hợp chỉ xảy ra tại hai miền ánh sáng chính. Đó là miền ánh sáng xanh tím và miền ánh sáng đỏ. Trong đó, ánh sáng có bước sóng ngắn như tím và xanh lam giúp cho cây phát triển về chiều cao và sinh khối. Bởi chúng kích thích sản sinh axit amin và protein. Còn ánh sáng có bước sóng dài như đỏ, cam, vàng thúc đẩy quá trình hình thành carbohydrate. Nhờ đó, chúng giúp cây trồng ra hoa, đậu quả.
Quang chu kỳ
Quang chu kỳ là yếu tố của ánh sáng ảnh hưởng đến cây trồng qua sự ra hoa, rụng lá, tạo củ; di chuyển các hợp chất quang hợp của cây. Thuật ngữ này dùng để chỉ thời gian chiếu sáng xen kẽ với bóng tối.
Cường độ
Cường độ là mức độ mạnh, yếu của ánh sáng. Yếu tố này thường đi đôi với quang chu kỳ. Nếu ánh sáng ảnh hưởng đến cây trồng quá mạnh, chúng sẽ bị thiêu đốt và héo úa. Còn khi ánh sáng không đủ mạnh thì cây cũng không thể phát triển bình thường được.
Hướng trồng cây
Khi trồng cây, cho dù là ở vườn rộng, ban công hay sân thượng thì bạn vẫn cần xác định các hướng ánh sáng phù hợp. Hướng Nam là hướng cung cấp nhiều ánh sáng nhất cả ngày. Hướng Đông có nắng đẹp vào vài tiếng đầu của buổi sáng. Hướng Tây thì ngược lại hoàn toàn với hướng Đông. Hướng này có ánh sáng rất tốt vào đầu giờ chiều và có nhiệt độ nóng hơn nhiều. Còn hướng Bắc nhận được ít ánh sáng nhất. Nếu bạn trồng cây ở hướng này thì nên chọn những loại cây ưa bóng. Hoặc bạn có thể dùng thêm ánh sáng nhân tạo.
Phân loại cây trồng theo đặc điểm thích nghi và quang chu kỳ
Ánh sáng ảnh hưởng đến cây trồng theo yếu tố cường độ ánh sáng và quang chu kỳ. Mỗi loại cây có nhu cầu ánh sáng khác nhau tùy thuộc vào 2 yếu tố này. Dựa vào đó, người trồng xen canh các loại cây khác nhau để tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên.
Phân loại cây trồng theo cường độ ánh sáng
Nhóm cây trồng thích nghi với ánh sáng mạnh là các loại sinh trưởng và phát triển trong vụ Xuân Hè. Đó là dưa hấu, dưa gang, bí đỏ, đậu, cà tím, cà chua… Nhóm thích nghi với cường độ ánh sáng trung bình là các loại thuộc vụ Đông Xuân như cải củ, rau ăn lá, cải bắp, hành, tỏi, su hào… Còn nhóm thích nghi với ánh sáng yếu là các loại rau có hình thái thấp, bộ rễ phát triển ở tầng đất nông, dùng để trồng xen như đậu, xà lách, rau diếp, cải thìa, tần ô, gừng…
Phân loại cây trồng theo quang chu kỳ
Đối với yếu tố quang chu kỳ, cây trồng cũng được chia thành 3 nhóm. Nhóm cây ngày dài chỉ ra hoa lúc ngày dài hơn 12 giờ. Nếu thời gian chiếu sáng càng dài thì lượng carbohydrate hình thành trong quá trình quang hợp sẽ càng nhiều. Chúng cần đến 18 giờ ánh sáng mặt trời mỗi ngày. Nhóm này bao gồm bắp cải, xà lách, khoai tây, cà rốt, cải thảo, su hào, cải bông, các loại cải củ, rau diếp, hành tỏi…
Nhóm cây ngày ngắn chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 10 – 12 giờ/ ngày. Nếu chúng tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn 12 giờ/ngày thì sẽ không thể ra hoa. Các cây điển hình trong nhóm này là loại đậu ăn trái non, rau ăn lá, cà tím, thược dược, đậu nành, vừng,…
Còn nhóm cây trung tính (cây không có quang chu kỳ) là những cây có thể ra hoa bất cứ lúc nào. Đây là nhóm cây trồng linh hoạt nhất. Chúng có thể ra hoa và quả mà không phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với ánh sáng. Đó là cà chua, ớt, các loại đậu ăn hạt, bắp, hoa hồng, hướng dương…
Lưu ý khi chọn đèn LED để trồng cây
- Khi trồng cây trong nhà, bạn nên dùng đèn LED có màu nhiệt độ ấm, khoảng 3.000 – 4.000 K (K: đơn vị nhiệt độ màu).
- Cự ly tốt nhất để đặt đèn LED là 1m. Với vườn đứng trồng rau, bạn có thể đặt đèn xa hơn một chút, từ 1,3m – 1,5m. Thời lượng chiếu sáng linh hoạt từ 10 giờ – 12 giờ/ngày hoặc 12 giờ – 14 giờ/ngày.
- Nếu có thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên thì bạn nên điều chỉnh lượng chiếu sáng cho phù hợp.
- Nếu khu vực đó hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời, bạn nên sử dụng đèn có đủ hai bước sóng cố định thông thường (ánh sáng xanh 460 nm và ánh sáng đỏ 660 nm) để cây có thể phát triển toàn diện.
- Đối với cây trồng thủy canh, bạn nên dùng đèn LED RGB có 3 nguồn ánh sáng cơ bản (đỏ, xanh lá cây và xanh dương).
Bài: Duyên Trần
Tiếp Thị Gia Đình