IQ và EQ là hai yếu tố quan trọng tác động đến thành công của một con người. Trong khi chỉ số thông minh (IQ) được quyết định nhiều bởi yếu tố di truyền thì may thay, trí tuệ xúc cảm (EQ) là thứ mà ta có thể cải thiện nhờ luyện tập.
Thành thật mà nói, ai chẳng thích được khen có EQ cao. Thế nhưng làm sao để trở thành một người thông minh khéo léo? Hãy rèn luyện những thói quen này hàng ngày.
Mỗi khi tức giận, hãy đếm đến 10
Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái này chưa? Phẫn nộ đến mức chỉ muốn lăng mạ thậm chí là “động tay động chân” với đối phương. Song ngay sau khi cơn giận được thoả mãn (bằng một trong hai cách trên), bạn cảm thấy hối hận. Bạn ước rằng mình có thể quay ngược thời gian để ngăn hành động bốc đồng xảy ra.
Trước hết, hãy bàn về hai hệ thống tư duy của con người. Một hệ thống tự động tương ứng với cảm xúc và trực giác. Còn hệ thống có chủ đích phản ánh lý trí.
Bởi hệ thống có chủ đích thường hoạt động chậm hơn. Ta cần cho nó một khoảng thời gian để kích hoạt. Từ đó phương pháp đếm từ 1 đến 10 ra đời. Dành 1 chút thời gian để lý trí kịp phản ứng trước những hành động do cảm xúc điều khiển, bạn sẽ không còn phải hối tiếc nhiều nữa.
Viết nhật kí
Viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bạn một cách thường xuyên giúp phát triển trí tuệ cảm xúc. Đây cũng là hành động chăm sóc bản thân giúp thúc đẩy sự sáng tạo và tự nhận thức.
Phương pháp dùng để viết nhật kí nên nhất quán. Hãy chọn viết bằng tay, nhập văn bản trên thiết bị điện tử hoặc ghi âm giọng nói… và kiên trì với nó đến cuối.
Thiền định
Thiền là một cách hữu hiệu để kiểm soát căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc. Bạn nên bắt đầu thiền hàng ngày với bài tập Toạ thiền và thiền Tâm Từ.
Yoga
Nếu bạn cảm thấy khó khăn với việc thiền, hãy thay bằng Yoga. Đã có quá nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích sức khoẻ của bộ môn này. Bên cạnh đó, nó cũng tác động đáng kể đến trí tuệ cảm xúc. Hãy cố gắng luyện Yoga ít nhất 15 phút mỗi ngày.
Học cách bỏ qua thành kiến với người khác
Chúng ta luôn có nhiều hoặc ít thành kiến đối với người khác. Hãy đánh giá cảm xúc của bạn hàng ngày khi bạn tiếp xúc với mọi người. Xác định những gì bạn có thể học được về bản thân trong những lần tương tác. Tuy nhiên đừng phán xét người khác.
Lắng nghe một cách tích cực
Nhiều người nghe, nhưng không thực sự hiểu những gì mà đối phương đang nói. Nếu bạn không học cách lắng nghe người khác, sẽ chẳng có trí tuệ cảm xúc nào được hình thành.
Khi giải quyết xung đột, việc bạn tích cực tiếp thu ý kiến của người khác giúp mọi chuyện dễ dàng hơn. Những người EQ thấp thường là những đối tượng không chịu lắng nghe người khác và chỉ thích phản ứng theo ý mình.
Quyết đoán
Bạn cần luyện tập để trở nên quyết đoán hơn khi giao tiếp. Quyết đoán chứ không phải hung hăng. Đừng ngại bày tỏ ý kiến của mình, từ đó khuyến khích người khác giao tiếp với bạn một cách rõ ràng.
Tiếp Thị Gia Đình