Bước tiến từ một ý tưởng còn dang dở
Ý tưởng sản xuất thịt từ không khí bắt nguồn từ một số nghiên cứu còn đang dang dở của NASA vào những năm 1960. Tài liệu ghi lại năm 1967, các nhà khoa học tìm cách cung cấp thức ăn cho phi hành gia trong chuyến du hành vũ trụ dài ngày. Một ý tưởng cho rằng có thể kết hợp các vi sinh vật với CO2 (carbon dioxide) từ hơi thở của phi hành gia để chế thành thức ăn. Tuy nhiên, dự án đưa con người lên sao Hỏa vẫn chưa từng được hiện thực hóa, vậy nên ý tưởng này đành bị bỏ ngỏ.
Lisa Dyson và John Reed – hai nhà khoa học trước đây làm việc cùng nhau tại phòng thí nghiệm Berkeley (Mỹ) đã nắm lấy cơ hội để biến ý tưởng trên thành sự thật. Dyson chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ở nơi mà họ đã dừng lại”.
Năm 2008, ý tưởng này truyền cảm hứng cho cả hai thành lập nên Kiverdi – công ty công nghệ sinh học. Công ty này sử dụng quá trình tương tự để biến CO2 thành thực phẩm gốc vi sinh vật thay thế cho dầu cọ. Năm 2019, công ty con mang tên Air Protein ra đời. Đây là công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Califonia hoạt động nhằm mục đích tạo ra thịt từ không khí.
Air Protein sẽ thu thập CO2 – loại khí nhà kính độc hại đang khiến trái đất nóng lên và biến nó thành miếng bít tết ngon lành, hoặc một miếng cá hồi phi lê hấp dẫn. Nghe như chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng Lisa Dyson cùng các cộng sự của cô biết cách để tạo ra nó!
Về cơ bản, quy trình làm thịt từ không khí tương tự như làm sữa chua men sống. Air Protein nuôi cấy các vi khuẩn hydrogenotrophic bên trong các thùng lên men và cung cấp cho chúng hỗn hợp CO2, oxy, khoáng chất, nước và nitơ. Kết quả cuối cùng là một loại bột giàu protein, có thành phần axit amin tương tự như protein thịt. Để giúp protein sản xuất từ không khí có hương vị, kết cấu hệt như miếng thịt gà, thịt lợn hoặc thịt bò bình thường… Air Protein sẽ kết hợp các kỹ thuật nấu nướng bao gồm sử dụng áp suất và nhiệt độ.
Thịt làm từ không khí đã sẵn sàng lên kệ hay chưa?
Sản xuất thịt từ không khí đang cạnh tranh với ngành công nghiệp thịt, cũng như với các lựa chọn thay thế khác như thịt từ đậu nành. Lisa Dyson cho biết công nghệ của công ty cô không đòi hỏi đất đai. Hơn thế, nó còn sử dụng nguồn tài nguyên tối thiểu và hoạt động dựa trên năng lượng tái tạo, vốn hóa cũng ngày càng rẻ hơn. Từ góc nhìn kinh tế, đây rõ ràng là một lĩnh vực đầy tiềm năng khi có thể tiết kiệm chi phí ngay lúc đầu. Cũng bởi vậy mà công ty khởi nghiệp này đã thu hút được sự chú ý của các nhà tài trợ. Vào đầu năm 2021, Air Protein đã huy động thành công 30 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư. Tại Mỹ, thịt gà làm từ không khí sẽ lên kệ vào năm sau ngay khi nhận được sự chấp thuận từ Bộ Nông nghiệp. Khi ấy, việc nhân rộng quy trình sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm thịt từ không khí sang các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam sẽ chẳng còn xa xôi. Bạn sẵn sàng thưởng thức một khi nó lên kệ chứ?
Tiếp Thi Gia Đình