Tôi không quên lần đầu tiên trò chuyện cùng chuyên gia pha chế Phạm Đình Song cách đây 5 năm. Khi đó, anh mới thành lập Pha Chế Education. Anh chia sẻ với tôi về hoài bão xây dựng một môi trường đào tạo barista và bartender chuyên nghiệp tại Việt Nam. Gặp lại anh vào một chiều cuối tháng 3 vừa qua, tôi thấy lửa nhiệt huyết với nghề lẫn niềm đam mê đào tạo vẫn cháy trong anh dù phải trải qua giai đoạn sóng gió tưởng chừng nhưng đã buông bỏ.
Không từ bỏ đam mê giảng dạy
Chào chuyên gia pha chế Phạm Đình Song. Công việc giảng dạy của anh hiện giờ thế nào?
Tôi vừa xong một lớp pha chế vào buổi trưa. Thật mừng là bây giờ mình đã có thể trở lại guồng làm việc, tiếp tục đứng lớp sau một thời gian dài thất nghiệp. Thời gian này tôi dạy 2 khóa barista và bartender. Hiện Pha Chế Education đang chiêu sinh cho những khóa pha chế tổng hợp, Latte Art, setup menu… trong thời gian tới.
Anh có thể chia sẻ một chút về quãng thời gian “thất nghiệp” được không?
Ai cũng gặp khó khăn trong giai đoạn bùng dịch, không riêng gì tôi. Tôi đã chịu lỗ cho các khoản chi phí của trường trong thời gian đầu. Nhưng càng về sau, mình không biết phải tiếp tục “gồng” đến khi nào. Lúc đó tôi cũng suy nghĩ đến việc, khi dịch qua đi, liệu rằng phụ huynh lẫn học viên có còn tiền để đầu tư cho việc đi học không. Thêm nữa, ngành dịch vụ nói chung và ngành ăn uống nói riêng gần như đóng băng và phải cần thêm một khoảng thời gian nữa mới có thể rục rịch trở lại.
Nhân sự ngành này mất việc làm, nhu cầu đi học không có, tôi quyết định ngừng giảng dạy. Khi biết tin này, các hãng rượu lớn đã ngỏ lời mời tôi về làm chuyên gia sáng tạo và pha chế đồ uống.
Vậy điều gì khiến anh tiếp tục đứng lớp?
Từ lâu, tôi vừa dạy vừa đồng hành nhiều dự án của các nhãn đồ uống. Lời mời làm việc chính thức cho hãng rượu ngay giai đoạn nghỉ dạy vô cùng hấp dẫn. Nếu đồng ý, tôi sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ giống như thời kỳ đầu mới vào nghề pha chế. Tôi không sợ làm lại việc cũ nhưng nó không đúng với con đường mà mình đã vạch ra và đã đi suốt mấy năm qua.
Trong giai đoạn đầu giãn cách, tôi đã nhiều lần dời khóa học. Lệnh phong tỏa áp đặt, tôi hoàn học phí. Từ giai đoạn bình thường mới đến đầu năm nay, nhiều học viên liên tục nhắn tin hỏi: “Thầy ơi, chừng nào thầy mở lớp lại? Tụi em chờ để đi học”. Tôi vô cùng xúc động khi biết nhiều người đang mong được học lớp của mình. Sau khi đắn đo rất nhiều, tôi quyết định tiếp tục với đam mê giảng dạy.
Việc dạy đã vào guồng như trước chưa?
Lúc trước dịch, tôi đứng lớp đều đặn một ngày ba ca: sáng, trưa và tối. Bây giờ cũng mong sớm được chạy hết công suất như vậy. (Cười)
Từ khi trở lại giảng dạy, tôi cũng đã linh động thay đổi để phù hợp với thời thế hơn. Địa điểm dạy học chính là quầy pha chế của quán bar, quán cafe thực sự, chứ không phải là mô hình lớp học như trước đây. Tôi chọn hợp tác với các quán để học viên có được cảm giác như đang ở nơi làm việc mà họ sẽ gắn bó trong tương lai.
Bên cạnh đó, tôi thay đổi lộ trình học. Cùng một thời lượng 12-14 buổi, tôi sẽ dạy liên tục 6 buổi/tuần. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí ăn ở đối với những học viên ở tỉnh lên Sài Gòn học. Ngoài ra, việc thực hành xuyên suốt và không bị gián đoạn cũng giúp nhanh nâng cao kỹ năng.
Học ở lớp không bao giờ là đủ
Giảng dạy những năm qua, anh thấy nhu cầu nhân lực cho ngành này thế nào?
Ngành dịch vụ nói chung và ngành F&B nói riêng không ngừng phát triển. Nhu cầu ăn uống, thưởng thức của mọi người ngày càng nhiều. Thế nên, nhân sự cho ngành pha chế cũng rất cần. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn không trụ lâu với nghề càng khiến nhu cầu nhân lực tăng cao.
Vì sao người ta không trụ lâu với nghề?
Khi dõi theo hành trình của học trò, tôi cũng có chút chạnh lòng. Không ít bạn đã bỏ nghề sau quãng thời gian làm việc vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan.
Chủ quan vẫn là do các bạn làm biếng, ngại khó, sợ cực. Nghề nào cũng phải làm việc cật lực, phải nỗ lực hoàn thiện bản thân. Không nghề nào sướng cả. Làm bartender mà không thích về khuya, không muốn rửa ly, không chịu đi đổ rác, không thân thiện với khách, không biết tự trau dồi ngoại ngữ… Như vậy mau chán nản và bỏ nghề là phải.
Lý do khách quan có thể kể đến là bùng dịch. Nhiều người đã phải xoay sở kiếm sống bằng các công việc khác. Ngoài ra, người làm nghề pha chế vẫn chưa được tôn trọng đúng mức. Họ vẫn thường nhận lấy những thái độ thiếu lịch sự từ phía khách hàng. Điều đó ít nhiều cũng khiến họ cảm thấy tự ái, bị tổn thương. Một lý do nữa là tiền lương không cao trong khi người pha chế phải đứng làm việc liên tục.
Những lý do trên chắc là đã được anh chia sẻ kỹ càng trong quá trình giảng dạy. Vậy làm sao để anh truyền lửa yêu nghề đến học viên?
Đối tượng học viên tìm đến Pha Chế Education khá phong phú. 50% là học để làm việc tại các nhà hàng, quán cafe, quán bar. 25% là nhóm có ý định hoặc đang kinh doanh ngành F&B. 25% còn lại nhóm đang làm việc liên quan đến ngành F&B. Đó có thể là chuyên viên kinh doanh, marketing, phát triển sản phẩm… Họ đi học để có thêm kiến thức về ngành đồ uống nói chung, phục vụ cho công việc hiện tại.
Với nhóm học để đi làm nghề, tôi luôn dặn các bạn điều này. Hành trang của một bartender bên cạnh kiến thức và tay nghề, còn có sự chỉn chu diện mạo khi làm việc, sức khỏe tốt, chịu áp lực từ khách hàng. Đồng thời luôn tự giác nâng cao tay nghề lẫn hiểu biết trong quá trình làm việc. Để thành công với nghề, việc học ở trường lớp không bao giờ là đủ.
Cảm ơn chuyên gia pha chế Phạm Đình Song đã chia sẻ. Chúc anh luôn nhiệt huyết với đam mê đứng lớp của mình.
Thông tin thêm:
Chuyên gia pha chế Phạm Đình Song sinh năm 1989. Anh từng đạt nhiều giải thưởng pha chế mang tầm vóc quốc tế như vô địch Việt Nam Barpro Flair 2011, giải nhất Asia Mixologist and FLair 2012 tại Malaysia, vô địch Asia Bacardi Mixologist and Quick Mix Open 2013 tại Thái Lan, vô địch International F4 Flair Bartending Champion 2013 tại Thái Lan…
Pha Chế Education đào tạo chuyên nghiệp ngành barista (cơ bản & nâng cao), bartender (cơ bản & nâng cao), pha chế tổng hợp, cà phê thủ công & Latte Art, lớp set up menu, set up quán.
Fanpage: Pha Chế Education.
Bài: Trung Võ
Tiếp Thị Gia Đình