Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng. Trong tâm thế bước vào “bình thường mới”, chuyển từ “zero Covid” sang “sống chung với dịch”, các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp đã có những phương án linh động thay thế nhằm ứng phó với các sự cố, kiên trì giải quyết nhiều vấn đề, đồng thời ưu tiên an toàn và lợi ích của khách hàng. TTGĐ đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú và Nguyễn Thị Thu Trang – hai nữ thủ lĩnh của tập đoàn bất động sản TLM về chủ đề vượt qua khó khăn và tiến lên phía trước.
Linh hoạt ứng phó trước khó khăn
Xin chào doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú và Nguyễn Thị Thu Trang. Hai năm qua quả thật là khoảng thời gian đen tối bao trùm lên tất cả. Về phía doanh nghiệp, hai chị đã gặp những khó khăn lẫn thách thức gì?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Xin chào độc giả của TTGĐ. Thời gian qua, tình hình kinh tế Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung đã trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng và rơi vào thế bị động theo diễn biến của tình hình chung. Đây cũng là lần đầu tiên toàn thể doanh nghiệp Việt phải chuyển mình theo những phương thức đổi mới, sáng tạo tốt nhất để có thể trụ vững qua con sóng dữ mang tên Covid-19.
Tại tập đoàn TLM, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự, triển khai dự án… Và đặc biệt là yếu tố “chăm và giữ” khách hàng cũng như đối tác. Ngoài ra, làm sao để có thể điều tiết dòng tài chính cho ổn thoả nhất cũng là vấn đề đau đầu.
Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía nhà nước. Đó sẽ là giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Trang: Bên cạnh việc đồng hành cùng chị Thanh Tú tại tập đoàn TLM, tôi còn có một đứa con riêng là T.A.F Media. Hơn 15 năm hoạt động, tôi cùng T.A.F Media đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế. Tuy nhiên, 2020 là năm đầu tiên lĩnh vực truyền thông tổ chức sự kiện biểu diễn bị dừng lại và mất hoàn toàn 100% doanh thu. Thậm chí, công ty đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.
Nhưng rất may, T.A.F Media đã nhanh chóng nhận định thị trường và chuyển hướng hoạt động. Chúng tôi quyết định bổ sung lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế và sản phẩm phòng dịch để thích ứng với nhu cầu của xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thị trường hỗn loạn, hàng giả hàng nhái không đủ chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn lan. Người tiêu dùng chưa kịp tiếp nhận các thông tin chính thống. T.A.F nổi lên như một doanh nghiệp gương mẫu chỉn chu trong việc chọn lọc và phân phối các sản phẩm tốt, có nguồn gốc hóa đơn chứng từ để phục vụ thị trường.
Vậy thiệt hại sau cơn bão dịch vừa qua như thế nào?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Nếu nói không bị ảnh hưởng thì chắc chắn là thiếu trung thực. Thế nhưng, nó không đến mức kinh khủng. Tập đoàn TLM may mắn đã có sự trù bị trước một số phương án trong kế hoạch kinh doanh dài hạn. Chúng tôi linh hoạt ứng phó và xử lý các phát sinh làm sao duy trì hoạt động ở mức cơ bản.
Làm sao để doanh nghiệp trụ vững đến hôm nay?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Tập đoàn TLM đứng vững được đến thời điểm này là nhờ vào hai yếu tố. Thứ nhất là sự đồng lòng và đồng cam cộng khổ của toàn thể cán bộ nhân viên. Với cương vị là thuyền trưởng của tập đoàn, tôi vô cùng trân trọng điều này. Thứ nhì là may mắn trời thương.
Ngoài ra, tập đoàn còn được sự chia sẻ và ủng hộ từ các đối tác lâu năm cũng như các khách hàng thân quen. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi phải cố gắng cũng như tiếp tục phát triển. Như vậy mới không phụ lòng kỳ vọng những tấm chân tình.
Tạo đà cho những bứt phá trong năm 2022
Trong bối cảnh bình thường mới, thay đổi để thích nghi là điều cần thiết. Vậy doanh nghiệp lẫn cá nhân hai chị đã có những thay đổi nào để phù hợp với tình hình mới?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Để có thể hội nhập thời kỳ bình thường mới, chúng tôi đã áp dụng chuyển đổi số vào công việc. Đồng thời tinh gọn mọi quy trình cũng như số hóa các giai đoạn làm việc với khách hàng lẫn đối tác. Công nghệ số có thể nhanh chóng hoàn tất mọi việc mà không phụ thuộc vào “giờ hành chính” như trước đây.
Sau một thời gian áp dụng, tập đoàn TLM cũng đã gặt hái được một số thành quả khả quan nhất định.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Trang: Như lúc nãy tôi có chia sẻ. Dù chỉ là một doanh nghiệp mới chuyển hướng kinh doanh nhưng năm 2020, T.A.F đã mang về doanh thu gần 50 tỷ đồng. Con số ấn tượng, vượt qua doanh thu của ngành truyền thông những năm trước.
Những mục tiêu cũ đã đặt ra liệu có còn phù hợp trong tình hình mới? Hai chị vẫn đi theo kế hoạch đề ra hay thay đổi hoàn toàn mới?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Để doanh nghiệp có thể trụ vững trong tình hình mới thì chúng ta cần phải có sự chuẩn bị trước những phương thức cũng như kế hoạch. Như vậy mới đảm bảo được việc hoàn thành mục tiêu. Trong tình hình mới, có thể sẽ phải đi đường vòng hoặc sẽ phải điều chỉnh đôi chút trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn sẽ hướng về mục tiêu mà doanh nghiệp đã nhắm đến.
Cá nhân tôi thấy chiến lược thì chắc chắn là không thay đổi nhưng chiến thuật thì có. Tất cả mục tiêu từ ngắn hạn đến dài hạn đều phải được hình thành từ những nền móng vững chắc. Theo kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh của tôi, sau khi mọi thứ “chạm đáy” thì theo quy luật ắt sẽ phải đi lên. Tại thời điểm này, doanh nghiệp nào còn trụ vững thì cơ hội sẽ luôn chào đón họ.
Tình hình vừa mới “mở cửa” trở lại, hai chị sẽ chạy đua hay thận trọng từng bước để bù đắp những gì đã mất?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Trang: Theo 3 giai đoạn dự kiến mà Tp. HCM đã đề ra từ tháng 8/2021, yếu tố thận trọng chắc chắn là vô cùng cần thiết đối với tập đoàn TLM. Thị trường đóng băng hơn 6 tháng qua như lò xo đang bị nén lâu ngày. Do đó, khi có tín hiệu kinh tế khởi sắc trở lại, chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ xảy ra.
Hiểu được điều đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng những quyết sách mang tính đẩy mạnh. Chúng tôi tin sẽ tạo đà cho những cú bứt phá mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
Năm 2022, doanh nghiệp của hai chị sẽ có những cải tổ và chuyển đổi gì khi cả thế giới đang đứng trước nhiều biến động lớn?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Trang: Như chị Thanh Tú đã đề cập ở trên, năm 2022, tập đoàn TLM sẽ đẩy mạnh hơn việc số hóa doanh nghiệp để có thể gia tăng “sức khỏe” cũng như sẽ có thêm quỹ dự phòng rủi ro. Cùng với đó là triển khai các chiến lược kinh doanh mới để có thể nhanh chóng hoàn tất những công việc bị đình trệ do tình hình chung vừa qua.
Luôn hướng về những điều tích cực
Cuộc sống cá nhân hai chị đã thay đổi ra sao trong thời gian qua? Những kế hoạch, dự định của bản thân bị “đóng băng” đã đến lúc “rã đông” chưa?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Không chỉ chúng tôi mà tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng nhất định. Thế nhưng, may mắn là xã hội đã bắt đầu có góc nhìn mới theo tiêu chí “không phải sợ mà phải sống cùng” với Covid. Tôi thấy đây là tín hiệu mang tính tích cực cao và tôi ủng hộ điều đó.
Hiện tại, tôi và gia đình cũng đã nghĩ đến việc hoàn thành những dự định trong năm cũ. Đó là những chuyến đi cùng nhau, thư giãn, gắn kết và cân bằng lại mọi thứ. Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố sức khỏe cũng như tuân thủ quy định 5K thì chúng tôi sẽ cân nhắc thêm một thời gian nữa rồi mới quyết định mức độ “rã đông” như thế nào cho phù hợp nhất. (Cười)
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Trang: Ngoài kinh doanh, tôi còn có đam mê ca hát và làm thiện nguyện. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tôi sẽ tổ chức liveshow tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng và dùng toàn bộ doanh thu của đêm nhạc phục vụ cho hoạt động thiện nguyện.
Bên cạnh đó, tôi còn là phó chủ tịch Mạng lưới nữ lãnh đạo quốc tế WLIN và đại diện ở khu vực miền Bắc. Tôi mong muốn sớm trở lại công việc để có thể tiếp tục giúp nhiều phụ nữ trở nên độc lập, mạnh mẽ và đảm nhận nhiều vai trò trong xã hội.
Người ta nói Covid-19 đã dạy cho con người nhiều bài học. Với hai chị, đó là bài học gì?
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú: Cá nhân tôi luôn hướng về những điều tích cực. Vì thế, tôi nghĩ nếu tạm gác lại câu chuyện kinh doanh mà chỉ nói về yếu tố cá nhân, Covid đã mở ra khái niệm “sống chậm” cho thế hệ doanh nhân. Hay nói khác hơn là cho những con người vốn dày đặc với các lịch họp, gặp gỡ đối tác. Tôi có thêm thời gian dành cho bản thân cùng với gia đình, tăng cường tập thể thao rèn luyện sức khỏe, cũng như tham gia các khóa học nâng cao trí tuệ và tâm thức.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời gian giúp cho tôi chia sẻ khó khăn và gieo hạt yêu thương thông qua các hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho xã hội. Tôi luôn tâm niệm rằng “cho đi là còn mãi”.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi cũng có cùng suy nghĩ với chị Thanh Tú. Xét về một góc độ nào đó, tôi trân trọng thời gian khó khăn vừa qua. Cuộc đời đâu chỉ có những ngày bình yên. Sóng gió, bão tố kéo đến chỉ để thử thách chúng ta. Bình yên là khi ngoảnh lại nhìn những năm tháng đã qua, thấy gập ghềnh chông gai thế mà mình vẫn vượt qua được.
Cảm ơn doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tú và Thu Trang đã chia sẻ. Chúc hai chị Giáng sinh an lành, hạnh phúc.
Bài: Alex Vo
Ảnh: Huy Trần
Trang phục: Tuyết Lê
Trang điểm: Benny Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình