Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, TP HCM đang chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới”. Người dân sẽ trở lại guồng quay công việc với tinh thần vừa hồi phục kinh tế, vừa vững tâm chống dịch. Khi hòa nhập với cộng đồng, mỗi chúng ta cần có ý thức tự bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ quy tắc 5K. Trong đó, đeo khẩu trang đúng cách là biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa COVID-19.
Trên thị trường Việt Nam có vô vàn loại khẩu trang với thiết kế khác nhau. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang không biết đâu mới là loại khẩu trang tốt, nên dùng để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19?
4 loại khẩu trang phổ biến nhất hiện nay
Khẩu trang N95 hoặc tương đương
Khẩu trang N95 (N95 Respirator) là loại mặt nạ do NIOSH Mỹ phê chuẩn. Đây là mẫu khẩu trang có khả năng loại được trên 95% các hạt bụi nhỏ hơn 0.3 Micron trong không khí. Được sử dụng cho kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Ngoài ra còn có các loại tiêu chuẩn tương đương phổ biến:
- Châu Âu: FFP2 Respirator (tiêu chuẩn EN 149-2001)
- Úc, Newzealand: P2 Respirator (tiêu chuẩn AS/NZ 1716:2012)
- Trung Quốc: KN95 Respirator (tiêu chuẩn GB2626-20 06)
- Nhật Bản: DS Respirator (tiêu chuẩn JMHLW- Notification 214, 2018)
- Hàn Quốc: KF95 Korea 1st Class Respirator (tiêu chuẩn KMOEL-2017-64)
Khẩu trang y tế
Khẩu trang y tế hay còn gọi là khẩu trang ngoại khoa (surgical mask) với 3 lớp. Lớp ngoài thường có màu sắc xanh, vàng, trắng hoặc đen với đặc tính chống thấm nước. Giúp ngăn các chất lỏng văng ra khi hắt xì hơi, ho, thở mạnh…
Lớp trong tiếp xúc với da nên phải dùng vật liệu tinh khiết và mịn màng. Không có sợi xù lông gây khó chịu. Nó cũng cần có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi, tạo sự thoải mái cho người dùng.
Lớp giữa của khẩu trang y tế ngăn các hạt dịch văng bắn đồng thời lọc bụi và vi khuẩn. Đây là lớp quyết định chất lượng của khẩu trang.
>> Xem thêm: Thắt quai khẩu trang đúng cách giúp ngừa biến chủng COVID-19
Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn
Khẩu trang vải kháng giọt bắn (gọi tắt là khẩu trang 870) được quản lý như hàng hóa thông thường. Sản xuất theo các qui định tại Quyết định 870/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn. Và do các doanh nghiệp sản xuất thuộc Bộ Công thương quản lý (Các Tập đoàn, doanh nghiệp dệt may).
Khẩu trang 3-4 lớp thông thường
Khẩu trang 3-4 lớp thông thường không đủ điều kiện để được xét là trang thiết bị y tế. Chúng được quản lý như hàng hóa thông thường và sản xuất theo tiêu chuẩn cơ sở. Miễn là tuân thủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với sản phẩm theo qui định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Người dân nên dùng khẩu trang nào để ngừa COVID-19?
Theo lời khuyên của bác sĩ, người dân chỉ cần đeo khẩu trang y tế và nhớ áp dụng các quy tắc an toàn khi tháo khẩu trang. Thông thường, khi gỡ khẩu trang thì bàn tay sẽ tiếp xúc với mặt ngoài – nơi tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn, virus. Nếu không rửa sạch tay bằng xà phòng mà chạm lên mắt, mũi, miệng thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
>> Xem thêm: Tại sao phải rửa tay thường xuyên và đúng cách giữa mùa dịch?
Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng khẩu trang trong phòng chống dịch COVID-19 của Sở Y tế TP HCM cho biết, cán bộ y tế, người tiếp xúc trực tiếp và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nên đeo khẩu trang N95. Tuy nhiên phải lưu ý đeo đúng cách, đảm bảo khẩu trang ôm sát mặt và không có khe hở. Nếu không việc sử dụng khẩu trang N95 sẽ chỉ gây lãng phí.
Trong trường hợp không có khẩu trang y tế, người sinh hoạt ở nơi ít có nguy cơ lây lan COVID-19 có thể đeo khẩu trang vải kháng khuẩn 870.
Thông qua bài viết này, hy vọng bạn có thể lựa chọn được chiếc khẩu trang chất lượng để trở lại với cuộc sống “bình thường mới”.
Tiếp Thị Gia Đình