Ngay từ lúc nhỏ, chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện ma từ người thân, bạn bè và trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả luồng thông tin đó khiến đa số trẻ em và không ít người lớn tin rằng ma quỷ tồn tại. Niềm tin này chuyển thành một chứng ám ảnh sợ hãi, khiến nhiều trẻ lẫn người lớn lo âu, không dám ngủ một mình. Vậy, ma có thật hay không? Ma từ đâu ra và liệu chúng có hại cho con người đến mức ai ai cũng phải khiếp sợ?
Trả lời cho câu ma có thật hay không, đó là chưa chắc có thật…
Một số ý kiến cho rằng ma là linh hồn người chết đi lạc trên đường tới thế giới bên kia. Số khác lại cho rằng ma là hiện tượng ngoại cảm được trí não con người đưa vào thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng thuyết phục nào về sự tồn tại của ma.
Mặc dù không phải tất cả, nhưng hầu hết các xã hội đều có khái niệm về hồn ma. Ở Đài Loan chẳng hạn, khoảng 90% người dân tại đây nói rằng họ đã từng thấy ma. Nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đều có tháng cô hồn. Đó là thời điểm mà người ta tin rằng các hồn ma được thả khỏi địa ngục và lai vãng trên dương thế.
Theo các nhà khoa học, lý do con người tin về linh hồn, ma quỷ một phần vì kinh nghiệm cá nhân, chẳng hạn như được nuôi nấng trong gia đình mà quan niệm về linh hồn được công nhận hiển nhiên, hay ký ức rùng rợn về chuyến phiêu lưu trong các địa danh bị “ma ám”.
… nhưng hội chứng sợ ma là có thật!
Phasmophobia là một hội chứng sợ ma mãnh liệt. Người mắc phải hội chứng này chỉ cần nghe đến các vấn đề tâm linh, ma quỷ hay kinh dị đều cảm thấy khiếp đảm. Đôi khi sự sợ hãi cứ mãi ám ảnh và khiến họ luôn nghĩ tới nó. Điều này càng làm cho tình trạng sợ ma thêm nghiêm trọng. Trẻ em là đối tượng dễ có cảm giác sợ ma nhất.
Các biểu hiện sợ ma thường gặp là cảm giác như bị tấn công về mặt tâm lý; sợ hãi khi ngủ một mình; thường xuyên xuất hiện cảm giác lo âu; không dám đi vệ sinh khi trời tối; sợ phải ở một mình; thiếu ngủ và đảo lộn múi giờ… Ngoài ra, cơn hoảng sợ là một triệu chứng cho thấy bạn đang bị ám ảnh sợ ma. Nó sẽ làm gián đoạn cuộc sống của bạn trong những nỗi sợ vô căn cứ.
Gốc rễ của nỗi sợ hãi là gì?
Dù đã biết câu trả lời của ma có thật hay không, song dưới góc độ khoa học, có 5 yếu tố chính giải thích việc chúng ta sợ ma:
Thứ nhất: nỗi sợ ma có thể bắt nguồn từ tác động của sóng hạ âm. Đây là những âm thanh có tần số dưới 20Hz và con người không thể nghe được. Dù vậy, chúng ta có thể cảm nhận được. Những tần số âm thanh này sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý đặc trưng, bao gồm cảm giác rờn rợn, hoảng loạn về một thứ gì đó không xuất hiện. Những nơi được cho là có sự tồn tại của ma tình cờ xuất hiện các vật có khả năng tạo ra sóng hạ âm. Khi loại bỏ các vật này, việc cảm thấy ma cũng không còn.
Thứ hai: trường điện từ cũng được xem là nguyên nhân khiến một số người nhìn thấy ma. Các nhà nghiên cứu cho rằng trường điện từ có thể tác động đến nhận thức con người về môi trường xung quanh. Nói cách khác, nó có thể khiến bạn bị ảo giác và nhìn thấy những thứ giống như ma.
Thứ ba: chứng sợ ma bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của chúng ta về những điều chưa biết. Từ xa xưa, khi tổ tiên loài người còn sống trong hang động, não bộ của họ đã hình thành thói quen “chạy trốn”. Tức là khi nghe/nhìn thấy bất kỳ âm thanh/hình ảnh nào có tính chất đe dọa, ngay lập tức cơ thể họ sẽ tiết ra một chất tên là adrenaline, khiến họ hoặc sẵn sàng chiến đấu, hoặc chạy trốn. Nhưng khi mối đe dọa đó là một thứ không xác định, xuất hiện từ trong bóng tối, họ sẽ nhanh chóng tháo chạy.
Ngày nay, chúng ta được di truyền bộ gen sợ hãi đó, khiến bất kể thứ gì mà chúng ta chưa biết (chẳng hạn như ma) đều có thể tạo ra nỗi sợ vô hình.
Thứ tư: chứng sợ ma bắt nguồn từ niềm tin văn hóa vào những linh hồn ma quỷ, rằng ma là “những người đã khuất tìm cách báo thù, hoặc bị giam cầm trên trái đất vì những điều tồi tệ mà họ từng làm khi còn sống”.
Lý do cuối cùng là văn hóa đại chúng đã tạo điều kiện cho chứng sợ ma trỗi dậy. Hầu như cả sách, phim và các chương trình truyền hình đều miêu tả những hồn ma là ác quỷ, có khả năng đe dọa, gây thương tích và thậm chí là chết chóc. Thêm nữa, chúng ta sợ ma vì chúng đại diện cho trạng thái cuối cùng của con người: cái chết. Trạng thái mà chẳng ai muốn nghĩ tới. Chúng ta coi ma là sự phản chiếu bệnh tật của bản thân.
Phải làm gì khi vẫn sợ ma?
Bạn có thể gia tăng nỗi ám ảnh sợ hãi khi ở trong nhà với những đồ đạc dễ làm bạn tăng sự tưởng tượng. Vì thế, bạn nên giữ không gian sống tinh giản, gọn gàng. Loại bỏ những vật dụng gây tiếng ồn lạ bởi tiếng động hay âm thanh lạ trong nhà cũng có thể khiến bạn sợ hãi. Bạn không nên treo chậu hoa, chuông gió trên cửa sổ hay treo đèn trên trần nhà. Nếu bạn có chứng sợ bóng tối thì nên bật đèn ngủ với ánh sáng dịu dàng để an tâm ngủ.
Tập thể dục không chỉ khiến bạn khỏe mạnh hơn mà còn giúp bạn tăng hạnh phúc và thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực, lạc quan.
Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ vô hình
Nếu có con nhỏ, hẳn bạn đã từng nghe bé than: “Con sợ ma” ít nhất một lần. Hãy giải thích cho trẻ biết ma có thật hay không. Sau đó nhanh chóng giúp trẻ xua tan nỗi sợ vô hình:
Đầu tiên, hãy trấn an trẻ rằng ma không có thật và chẳng việc gì phải sợ hãi. Bất cứ khi nào con sợ, bạn hãy ở bên con và kiên nhẫn hướng dẫn bé cách vượt qua. Bạn giải thích với bé rằng ngay cả khi có một con ma thật sự thì nó cũng chỉ đi loanh quanh chứ không thể làm bé bị thương. Vì thế, đừng tỏ ra sợ nó.
Đưa cho trẻ đèn pin, thú bông, búp bê hoặc bất cứ vật gì gần gũi với bé. Mở một bản nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc một mẩu chuyện vui để giúp bé bình tâm, thư thái trước khi ngủ. Nếu cần, hãy ôm bé và nằm cạnh bé một lát để bé thêm an tâm.
Không cho trẻ tiếp cận các nhân vật đáng sợ trong những bộ phim kinh dị hoặc những cuốn sách về ma quỷ, tâm linh. Nếu chẳng may trẻ xem được, hãy giải thích rằng phim ảnh/sách báo luôn khác biệt với thực tại, và ngoài đời chẳng có con ma nào.
Cho bé xem những bộ phim hoạt hình có những con ma thân thiện. Khi đó, bé sẽ xem những chú ma thân thiết như bạn bè. Và nỗi sợ sẽ biến thành niềm vui.
Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình