Muốn củng cố độ bền của sợi dây tình thân cũng như thắp lại ngọn lửa yêu thương cho mái ấm, trước tiên phải tìm cách tái thiết lập mối quan hệ gia đình. Khi áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng, khi cuộc sống mưu sinh biến chúng ta thành những con người bận rộn, thứ khiến chúng ta quan tâm hàng đầu là công việc và các mối quan hệ ngoài xã hội.
Nhưng rồi giữa nhịp sống hối hả đó, có bao giờ bạn dừng lại một chút và tự hỏi: “Bao lâu rồi mình chưa ngồi ăn bữa cơm chung với bố mẹ? Mấy tháng rồi mình chưa gặp cô em gái mà thuở nhỏ chị em chẳng rời nhau nửa bước? Và, lần cuối cùng mình dẫn lũ trẻ đi chơi công viên là khi nào?”.
Nếu bạn đưa ra được một con số chỉ thời gian, dù con số ấy có hơi cách xa với hiện tại, thì bạn vẫn còn may mắn. Ít ra, hai chữ “tình thân” vẫn tồn tại trong bộ nhớ của bạn. Ngược lại, nếu bạn chẳng thể nhớ nổi những mốc thời gian đơn giản đó, hãy hành động ngay để cứu vãn các mối quan hệ đang đứng bên bờ vực tan vỡ.
Muốn tái thiết lập điều gì, nguyên tắc là bắt đầu từ chỗ rạn nứt. Đây là những bí quyết đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu, giúp bạn sớm cải thiện mối quan hệ gia đình.
Cải thiện quan hệ gia đình với bố mẹ
Tìm hiểu lý do
Thử nghĩ xem, đâu là nguyên nhân khiến khoảng cách giữa bạn và bố mẹ ngày càng xa? Có phải đó là lúc bạn nhận dự án mới, bận rộn đến mức không thể về nhà trước 7 giờ tối nên “quên” luôn bữa cơm gia đình? Hay sự khác biệt trong quan niệm kết hôn/sinh con của hai thế hệ đã tạo ra mâu thuẫn lớn, khiến bạn không muốn (hoặc ngại) nói chuyện?… Chỉ khi tìm được lý do tạo nên hố sâu khoảng cách, bạn mới lấp đầy được nó.
Một cuộc đối thoại thân tình
Trong quan hệ gia đình, tìm được nguyên nhân ở đâu, sửa sai ở đó. Bạn hãy ngồi xuống và nói chuyện với bố mẹ để tháo gỡ khúc mắc. Cần nhận sai về mình, nói lời xin lỗi chân thành kèm theo lời hứa hẹn: “Con sẽ về ăn tối thường xuyên hơn”, “Con sẽ nói chuyện với ba mẹ nhiều hơn”… Chẳng bậc phụ huynh nào không mềm lòng trước tình cảm chân thành của con cái. Đây chính là bước đầu tiên, đặt nền móng để bạn xây lại “ngôi nhà tình thân” trong tương lai gần.
Thể hiện sự quan tâm
Trong quan hệ gia đình, sự quan tâm mang lại giá trị to lớn gấp nhiều lần so với những món quà vật chất. Mỗi ngày, bạn hãy thể hiện sự quan tâm tới đấng sinh thành bằng những lời hỏi han chân tình: “Dạo này mẹ đỡ đau khớp chưa? Ba có hay sang nhà hàng xóm đánh cờ? Ba mẹ thích đi du lịch miền núi hay miền biển, để con đặt tour?…”.
Tình thân cần được bồi đắp hàng ngày bằng những câu hỏi tưởng như đơn giản ấy. Chúng cho thấy bạn rất quan tâm tới sở thích của bố mẹ, và sẵn sàng lắng nghe bố mẹ chia sẻ tâm tư.
Nhắc lại những kỷ niệm đẹp
Trong mỗi cuộc nói chuyện bên mâm cơm gia đình, bạn hãy khơi gợi lại những ký ức đẹp của gia đình mình. Chẳng hạn như lúc nhỏ, bạn được ba dẫn đi mua kem sau khi kiếm vòng vòng khắp các con phố, hay khoảnh khắc đầu tiên khi bạn mặc chiếc áo dài trắng do chính tay mẹ may… Những kỷ niệm đó có sức mạnh gắn kết hơn bất kỳ lời hứa hẹn nào. Thông qua mỗi kỷ niệm, từng thành viên trong gia đình sẽ thêm nâng niu, trân trọng và có ý thức bồi đắp mối quan hệ mà mình đang có.
Tổ chức những buổi đi chơi
Những chuyến đi là phương tiện kết nối người với người hiệu quả nhất, củng cố quan hệ gia đình. Bên cạnh những buổi nói chuyện và những bữa cơm gia đình, bạn nên sắp xếp thời gian đưa bố mẹ đi du lịch, tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ bên nhau. Nếu không thể đi chơi xa thường xuyên, hãy thay thế bằng những buổi xem phim, đi ăn bên ngoài… Bạn hãy luôn tâm niệm: “Bố mẹ còn khỏe thì còn cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo. Đừng để đến lúc chẳng còn cơ hội mới thốt lên: “Giá như…”.
Với người thân
Quan tâm và chia sẻ
Bạn có nằm trong số đông người trẻ hiện nay, giao tiếp với đồng nghiệp và bạn bè nhiều hơn với người thân của mình? Thậm chí, có những người cả năm chỉ gặp mặt anh em họ hàng vào dịp lễ Tết. Quan hệ gia đình người thân vì thế mà nhạt nhoà.
Nếu muốn cải thiện mối quan hệ không mấy “thắm thiết” này, việc đầu tiên bạn cần làm là năng kết nối. Giữ liên lạc với nhau thường xuyên, thỉnh thoảng hẹn cà-phê, ăn uống, shopping, cuối tuần đưa lũ trẻ sang nhà nhau chơi… là những việc rất dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả lớn không ngờ.
Tôn trọng lẫn nhau
Để hàn gắn mối quan hệ gia đình, người thân, sự tôn trọng là điều kiện tiên quyết. Bạn không muốn ai sắp đặt cuộc đời mình, vậy thì đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của anh chị em mình. Đừng bao giờ bắt ai làm theo ý bạn nếu không muốn tình cảm đôi bên rạn nứt.
Sum họp đại gia đình
Đâu phải chỉ ngày Tết, đám cưới hay giỗ chạp mới đoàn tụ gia đình. Vào những ngày cuối tuần, sao bạn không khởi xướng một buổi tụ hội cùng các thành viên khác? Đây là dịp con cháu quây quần bên bố mẹ/ông bà, là nơi mọi người chia sẻ cùng nhau về cuộc sống và công việc. Nếu có thời gian, bạn có thể tổ chức buổi đi chơi cho đại gia đình. Sau này khi đã lớn tuổi và người thân lần lượt rời đi, nghĩ lại, bạn sẽ thấy những khoảnh khắc gia đình sum họp đông đủ là vô cùng quý giá.
Với con cái
Khi con còn nhỏ, bé là tất cả của bạn. Hầu hết khoảng thời gian ngoài công việc của bạn là dành cho con. Thế giới của con cũng nhỏ bé nên xem bố mẹ là “người bạn lớn” thân thiết nhất. Nhưng rồi khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, thế giới rộng mở hơn. Nếu bố mẹ không tâm lý, sẽ rất khó bước vào thế giới ấy. Đây là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa bạn và con cứ ngày càng nhạt dần. Hãy cứu vãn mối quan hệ ấy bằng cách:
Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để trò chuyện cùng con
Hãy chọn ra khoảng thời gian mà bạn có thể tập trung hoàn toàn cho cuộc nói chuyện, không bị phân tâm bởi tin nhắn điện thoại hay e-mail. Đó có thể là bữa cơm tối cả nhà quây quần, trong lúc kèm trẻ học hoặc trước khi trẻ đi ngủ.
Bạn hãy hỏi han con về những gì diễn ra trong ngày, hỏi con hôm nay có chuyện gì vui, buồn; hỏi thăm cả những người bạn thân thiết của con. Bằng cách khơi gợi con chia sẻ, bạn sẽ dần dần tạo lập được niềm tin nơi con, trở thành người bạn tin cậy, sẵn sàng cùng con tận hưởng niềm vui và tháo gỡ khúc mắc. Cuối tuần, bạn gợi ý con rủ bạn bè về nhà chơi. Gặp gỡ những người bạn của con cũng là cách tìm hiểu sở thích, thói quen và cả mơ ước của trẻ.
Tôn trọng không gian riêng của con
Dù yêu thương con cái đến đâu, bạn cũng đừng mang tư tưởng kiểm soát mọi hành vi của con, áp đặt con sống theo ý mình. Việc làm này không chỉ đẩy con ngày càng rời xa bố mẹ, mà còn thui chột tài năng, dập tắt ước mơ mà trẻ ấp ủ từ bé.
Thay vì kiểm soát, bạn cần tôn trọng thế giới riêng của những đứa trẻ, tìm cơ hội khơi gợi trẻ chia sẻ với bạn về thế giới đó. Lắng nghe con nói nhưng đừng vội phản đối khi thấy con làm sai, mà hãy hướng dẫn con đi đúng đường. Đồng hành cùng trẻ trong suy nghĩ, hành động và cả mơ ước, đó là điều mà một bậc cha mẹ thông minh hướng tới.
Khoan dung và tha thứ
Người lớn không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm. Con trẻ, nhất là trẻ trong độ tuổi tâm sinh lý thay đổi thất thường, càng dễ phạm sai lầm hơn. Chắc chắn bạn sẽ rất tức giận khi phát hiện con trốn học để đi chơi cùng bạn, hay lén bố mẹ cài đặt “chương trình 18+” trên laptop… Nhưng thay vì quát tháo, trút mọi giận dữ lên đầu trẻ, hãy kiên nhẫn nghe con giải thích lý do. Có thể vì một nguyên nhân nhạy cảm nào đó, trẻ mới có những hành vi như vậy.
Bạn hãy cùng con đối mặt với những sai lầm này, giúp con nhận thấy mình làm thế là không đúng, đồng thời tạo cơ hội cho con sửa chữa.
Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình