Mỗi khi nghe đến từ “kéo vợ”, tôi lại nhớ đến một đoạn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, miêu tả Mị bị nhà thống lý Pá Tra bắt đi trong đêm:
“Một đêm khuya Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quờ tay lên, gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ. Một ngón đeo nhẫn. Người yêu Mị đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị nhấc tấm ván gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra. Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt cõng Mị đi.”
Lúc bấy giờ, tôi nghĩ rằng tục kéo vợ là một hủ tục, gây ra nhiều bi kịch cho người phụ nữ. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, tôi mới biết rằng tục kéo vợ chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông (H’Mông). Có chăng đó là do nhiều người thiếu hiểu biết, tư duy sai lầm, hay ham mê dục vọng, biến phong tục này thành một hủ tục, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu.
Tục kéo vợ – Phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Mông
Kéo vợ (háy pù) là phong tục lâu đời của đồng bào Mông. Các đôi trai gái thường tự nguyện tìm hiểu, hẹn hò trước khi thực hiện kéo vợ. Chàng trai có thể kéo vợ ở bất cứ đâu như ngoài chợ, trên nương, trong nhà cô gái…
Theo tục lệ, con gái đã sang nhà trai thì xem như hồn đã nhập vào nhà trai. Cô gái sẽ khó có thể quay về. Trong khi người con trai đi kéo vợ, bố mẹ chàng trai ở nhà nhốt trước một con gà mái. Khi thấy con dâu về, chuẩn bị bước qua cửa, họ sẽ cho chân gà mái cào phía sau lưng, từ trên xuống dưới và nói “hồn về”.
Nếu cô gái không đồng ý, cô được tự do trở về nhà. Nếu đồng ý, đến sáng ngày thứ ba, nhà trai cử hai người sang nhà gái báo tin chính thức việc cô gái đã được đón sang nhà trai kết duyên vợ chồng. Nhà trai sẽ xin nhà gái cho làm lễ cưới, định thời gian và thỏa thuận về lễ vật. Lúc này, nhà gái chấp nhận mọi việc đã rồi. Nhà trai cử đoàn sang nhà gái, lần này có cả cô dâu cùng đi. Mọi nghi lễ vẫn được thực hiện đúng theo nghi thức cưới: đón dâu, nhập môn; sau đó là tiệc mừng cô dâu chú rể nên vợ chồng.
Theo quan niệm của người Mông, nếu không thực hiện tục kéo vợ, tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình sẽ không có giá trị. Bởi khi có mâu thuẫn, người vợ sẽ có lý để tranh cãi với chồng. Khi đó người chồng sẽ phải im lặng. Còn nếu cô gái tự nguyện theo chồng về, bố mẹ chàng trai cho rằng đó chỉ là bạn bè về nhà chơi. Người vợ sẽ không bao giờ dám cãi lại chồng và phải sống trong cam chịu suốt đời.
Nét đẹp bị biến dạng
Tục kéo vợ là phong tục mà người Mông tự hào, gìn giữ. Tuy nhiên, nét đẹp này đang bị biến dạng và trở thành hủ tục “bắt vợ”. Thời gian gần đây, nhiều video clip còn cho thấy một số thanh niên có hành vi lôi kéo, bắt ép người con gái lên xe máy, ô tô… Họ không cần biết cô gái đó có tình cảm với mình hay không; hay cô gái đã đến tuổi trưởng thành hay chưa.
Nhiều gia đình chỉ vì muốn có thêm người làm, bất chấp con mình còn ít tuổi, đã tổ chức cướp con gái nhà người khác. Một khi cô gái đã bị bắt đi thì khó có thể quay lại được nữa. Sau 3 ngày, nhà trai mới cử người sang nhà gái chính thức thông báo về chuyện “bắt vợ”.
Hủ tục bắt vợ dẫn đến nhiều hệ lụy như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi. Điều này khiến các bệnh truyền nhiễm dễ bị lây lan. Đặc biệt, các đối tượng xấu còn có thể lợi dụng hủ tục này để thực hiện hành vi mua, bán người.
“Lấy chồng từ tuổi 13”
Hủ tục bắt vợ để lại một số hệ lụy. Phần lớn rơi vào trường hợp kéo nhau về quá sớm. Có khi cô dâu, chú rể chỉ mới 13, 14 tuổi, chưa tìm hiểu rõ nhau. Điều này làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Chỉ qua ánh mắt, nụ cười, một điệu khèn hay, thậm chí một phát vỗ mông… Sau đó hai người đã nên duyên. Mọi chuyện diễn ra quá chóng vánh, dẫn đến nhiều bi kịch. Đối tượng chịu thiệt thòi nhất không ai khác là người con gái.
Tảo hôn còn xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm nương, làm rẫy, cáng đáng những việc trong gia đình. Do đó, việc bắt vợ nên được diễn ra càng sớm càng tốt. Sự hiểu biết về luật pháp của đồng bào thiểu số còn hạn chế. Các cấp, ngành đã thực hiện vận động, công tác tuyên truyền. Nhưng hiện tại vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.
Vì làm vợ, làm mẹ sớm nên nhiều thiếu nữ dân tộc Mông thường sinh nhiều con, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân lẫn con cái. Ngoài ra, họ phải lam lũ làm ăn, gánh vác công việc nương rẫy, phục vụ nhà chồng. Điều này khiến họ không được đi học. Mù chữ khiến họ thiếu hiểu biết. Họ không biết cách nuôi dạy con và cũng không biết cách giải thoát cho chính bản thân mình.
Trong lịch sử dân tộc Mông có rất nhiều trường hợp làm dâu chưa lâu đã tìm đến giải thoát bằng lá ngón. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tiếng hát làm dâu của dân người Mông đều chứa đựng những câu ca thấm đẫm tiếng lòng, day dứt đến lạ lùng, kể những câu chuyện bi ai về kiếp sống của người phụ nữ xưa.
Bài: Lan Anh
Tiếp Thị Gia Đình