Sasa Team Marine Animals Rescue (Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa) được thành lập vào năm 2108. Nhóm được thành lập sau sự kiện một chú cá heo có tên là Sasa bị trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng. Kể từ đó, nhóm Sasa đã thực hiện thêm nhiều hoạt động tình nguyện tại các bãi biển Đà Nẵng để bảo tồn sinh vật biển. Trong đó có việc “giải cứu” và bảo tồn những rạn san hô.
Rạn san hô ở Đà Nẵng bị tẩy trắng hàng loạt
Việc cứu hộ các rạn san hô ở Đà Nẵng do anh Lê Chiến (SN 1984, trưởng nhóm Sasa Team) nghiên cứu, tìm hiểu từ các dự án bảo vệ san hô ở khắp nơi. Khi chứng kiến những tác động của con người, của môi trường đang gây ảnh hưởng trầm trọng đến các dải san hô, anh quyết định tự mình thực hiện nhiệm vụ “giải cứu”. Anh liên hệ với những người có cùng tình yêu với sinh vật biển để tạo thành nhóm cứu hộ.
Nhóm Sasa chọn bãi Nam, Bán đảo Sơn Trà để thực hiện công việc này. Vì đây là nơi sở hữu 104,6 ha rạn san hô. Diện tích san hô này đa dạng không kém Nha Trang hay Cù Lao Chàm. Và chúng đang đối diện nguy cơ bị tàn phá do khai thác du lịch tự phát; sự thiếu ý thức bảo vệ của một bộ phận ngư dân, du khách, cũng như biến đổi khí hậu.
Gần đây, nhóm Sasa đưa tin, hiện tượng tẩy trắng hàng loạt đang diễn ra tại các rạn san hô ở Đà Nẵng. Gần như toàn bộ san hô sừng hươu, san hô bàn và san hô khối tại bãi Nam đều bị tẩy trắng, mất màu thấy rõ. Sự kiện này diễn ra cùng lúc với việc rạn san hô Great Barrier ở Úc bị tẩy trắng khi nước biển nóng lên một cách đáng báo động. Đây chính là bằng chứng không thể chối cãi của biến đổi khí hậu.
Nỗ lực tái tạo rạn san hô
Với tình hình rạn san hô ở Đà Nẵng bị tẩy trắng, nhóm Sasa đã và đang ra sức phục hồi; chăm sóc và tái tạo những rạn san hô tại đây. Các thành viên với tình yêu dành cho môi trường và sinh vật biển trong 2 năm qua đã không ngần ngại trầm mình dưới làn nước biển lạnh buốt để dọn dẹp; loại bỏ các mối nguy hại cho san hô. Nhóm còn cố định những cành san hô gãy vào giá thể để san hô tiếp tục phát triển.
Nỗ lực của nhóm Sasa cuối cùng cũng được “đền đáp”. Cũng tại khu vực san hô bị tẩy trắng, khu vườn san hô mà nhóm Sasa trồng vẫn tồn tại. Không chỉ vậy, chúng còn phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Có những quần thể đạt 10cm chỉ trong vòng 3 tháng. Đây là niềm hy vọng để nhóm tiếp tục cứu hộ rạn san hô tại đây.
Tuy nhiên, chỉ những thành viên của Sasa thôi vẫn chưa đủ. Việc bảo tồn san hô cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng và xã hội. Bên cạnh việc tham gia tình nguyện tái tạo san hô, chúng ta cũng có thể bảo tồn chúng bằng cách hạn chế vứt rác thải nhựa xuống sông, biển; đồng thời tham gia du lịch lặn, ngắm san hô một cách có ý thức.
Tiếp Thị Gia Đình