Đừng nói 5 câu này khi an ủi người bị trầm cảm

Bạn có biết rằng nói những câu như "Mọi chuyện rồi sẽ ổn", "Thời gian sẽ chữa lành tất cả", "Rồi bạn sẽ ổn thôi"... với người bị bệnh trầm cảm thực chất là vô nghĩa, thậm chí còn có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn

những câu nói nên tránh trầm cảm

5 câu nói quen thuộc dưới đây là những câu nói nên tránh khi bạn muốn an ủi ai đó đang gặp vấn đề tâm lý hay trầm cảm (Ảnh: Shutterstock)

Người bị trầm cảm hay đang gặp phải những vấn đề về mặt tâm lý có thể trông vẫn khoẻ mạnh bình thường ở bên ngoài. Song suy nghĩ của họ thường nhạy cảm và bạn có thể vô tình tổn thương họ nếu không đủ tinh tế. Ngay cả khi bạn đang cố giúp đỡ, bày tỏ sự quan tâm và an ủi vẫn có thể làm họ tổn thương đấy. Theo tiến sĩ, trợ lý giáo sư Sonyia Richardson từ Đại học North Carolina, bạn nên tránh nói 5 câu sau khi an ủi những người đang bị trầm cảm hoặc chịu đựng một nỗi đau tinh thần nào đó.

“Thời gian sẽ giúp mọi thứ tốt hơn thôi”

Câu nói kinh điển “Thời gian sẽ chữa lành” có thể đúng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nếu ai đó đang phải chịu đựng một nỗi đau về tinh thần thì bạn không nên nói câu này với người đó. Bởi nó chứa đựng hàm ý chỉ có thời gian mới là giải pháp cho vấn đề. Và người đó chẳng thể làm gì ngay lúc này ngoài chịu đựng nỗi đau đó. Không chỉ vậy, có những vấn đề còn có thể trở nên tệ hơn theo thời gian.

“Tất cả chỉ là những suy nghĩ trong đầu bạn mà thôi”

Một vài vấn đề tinh thần là kết quả của việc suy nghĩ quá nhiều và theo hướng bi quan. Nhiều bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp có thể dựa vào điều này để giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ hoặc suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Thế nhưng, những vấn đề tâm lý nghiêm trọng còn có thể ảnh hưởng đến cả thể chất. Những người đang phải chịu nỗi đau về tinh thần còn cảm nhận nó về mặt thể xác nữa. Vì vậy, nói ra câu này giống như xem nhẹ vấn đề của họ và khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.

“Cứ cầu nguyện, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”

Cầu nguyện có thể là một trong những cách để giúp những người đang phải chịu nỗi đau tinh thần cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Họ sẽ có được một thứ gì đó để “bấu víu” về mặt tinh thần. Tuy nhiên, nếu chỉ làm mỗi điều này mà không có sự giúp đỡ cần thiết từ chuyên gia thì tình trạng của họ không thể khá lên được.

“Không tệ đến mức đó đâu”

Mỗi người có cách nhìn nhận vấn đề và nhân sinh quan khác nhau. Bạn cảm thấy tình huống này không có gì nghiêm trọng với mình. Nhưng nó không có nghĩa rằng người khác cũng thấy như vậy. Đừng áp đặt quan điểm, cảm xúc của mình vào vấn đề của người khác.

“Chỉ là bạn đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn thôi”

Nhiều người nghĩ rằng trầm cảm, lo âu hay căng thẳng chỉ diễn ra ở một thời điểm nhất định. Họ cũng nghĩ rằng nó không liên quan gì đến mặt sinh học. Thực tế, trầm cảm có thể theo một người suốt đời. Và nó có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Không ai có thể chắc chắn rằng bệnh trầm cảm có thể tốt hơn trong một sớm một chiều. Câu nói khẳng định như thế này có thể khiến họ thất vọng sau một thời gian.

Thay vì nói những câu trên, bạn hãy an ủi người bị trầm cảm hoặc căng thẳng bằng những câu này:

“Mình nghĩ nếu bạn trải lòng với ai đó về vấn đề bạn đang gặp phải biết đâu sẽ giúp ích được rất nhiều đấy.”

“Bạn có muốn nói về chuyện đó không? Mình sẽ luôn sẵn sàng nghe bạn chia sẻ.”

“Mình có thể làm gì để giúp bạn?”

Và sau đó, hãy yên lặng, kiên nhẫn và lắng nghe họ chia sẻ vấn đề. Đôi khi thứ mà họ cần chỉ là một người chịu lắng nghe họ trải lòng thôi đấy.

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: Well & Good

>> Xem thêm: CHỨNG RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC (BIPOLAR) LÀ GÌ MÀ CHIA RẼ HẠNH PHÚC CỦA KIM KARDASHIAN VÀ KANYE WEST?

Đừng bỏ qua