532 tỷ tấn băng ở Greenland “bốc hơi” trong năm 2019
Các nhà khoa học tại Đức đã phân tích dữ liệu thu thập từ vệ tinh để đánh giá tình hình băng tan ở Greenland. Theo đó, 532 tỷ tấn băng ở Greenland đã “bốc hơi” vào năm 2019. Con số này đã phá vỡ kỷ lục trước đó là 464 tỷ tấn vào năm 2012. Lượng băng tan ở Greenland trong năm 2019 khiến mực nước biển toàn cầu tăng 1,5 mm.
Ngoài băng tan, nghiên cứu cũng cho thấy Greenland vào năm 2019 cũng có lượng tuyết rơi thấp hơn những năm trước đó. Do đó, lượng tuyết rơi trong thời gian qua không đủ để bù lại lượng băng đã mất.
Trước đó, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của NASA từ năm 2003 đến năm 2019. Họ phát hiện lượng băng tan chảy thấp bất thường vào năm 2017 và 2018. Nhưng sau đó họ lại nhận thấy băng tan với mức kỷ lục vào năm 2019.
Các chuyên gia cũng cho thấy sự thật đáng buồn rằng quá trình băng tan trước đó đã khiến các tảng băng lớn biến mất. Mà các tảng băng này lại có khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời rất tốt. Điều này khiến những tảng băng sẫm màu, hấp thụ nhiều nhiệt hơn xuất hiện. Và chúng làm cho khu vực này ngày càng ấm lên.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ băng ở Greenland biến mất?
Nếu toàn bộ băng ở Greenland biến mất, mực nước biển sẽ tăng lên ít nhất 6 mét cho đến cuối thế kỷ này. Các thành phố ven biển như New York, Thượng Hải và Luân Đôn sẽ bị xóa sổ. Sẽ có đến 40% dân số trên thế giới mất nhà cửa.
Lượng nước biển dâng cao cũng sẽ khiến các mạch nước ngầm bị nhiễm mặn. Nước mặn có thể đi vào các mạch nước ngầm sâu trong lục địa. Những mạch nước ngầm này chính là nguồn cung cấp nước ngọt cho con người phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và làm mát các nhà máy điện.
Cách duy nhất để làm chậm quá trình băng tan ở Greenland là cắt giảm khí thải CO2. Tuy nhiên, con người chỉ có thể làm chậm quá trình này chứ không thể ngăn chặn nó xảy ra được nữa. Nhưng ít ra, hơn 600 triệu cư dân sống ở vùng ven biển sẽ có đủ thời gian để di cư đến nơi khác.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: The Guardian