Ở phần 1 và phần 2 của 10 điều kỳ thú về nước, chúng ta đã tìm hiểu về rất nhiều điều thú vị như các giả thuyết về nguồn gốc của nước, lượng nước trên bề mặt trái đất, tầm quan trọng của nước đối với sự sống. Đến với phần cuối, hãy cùng TTGĐ khám phá về tính chất vật lý kỳ lạ của nước và phát hiện của NASA trên mặt trăng nhé!
Nước giãn nỡ đến 9% khi lạnh
Giãn nở khi lạnh là một trong những nghịch lý kỳ lạ khác về tính chất vật lý của nước. Với hầu hết các chất, thể rắn luôn đặc hơn thể lỏng. Bởi khi đó phân tử chất rắn sắp xếp chặt hơn. Nhưng nước ở thể rắn lại giãn nở ra khoảng 9%, nên mật độ phân tử thấp hơn ở thể lỏng. Điều này cũng giải thích vì sao các viên đá hay các tảng băng khổng lồ có thể nổi trên mặt nước. Nguyên nhân của sự giãn nở là do cấu trúc lục giác mở trong các tinh thể băng. Khoảng trống tăng khiến cho thể tích của nước tăng theo. Chính vì thế, luôn có một vùng gồ lên ở giữa các viên đá trong tủ lạnh – đó chính là phần thể tích tăng lên.
Ngoài ra, cấu trúc lục giác còn xuất hiện ở bông tuyết. Sáu cạnh của một bông tuyết đồng bộ hoàn hảo với nhau, tạo ra sự đối xứng lục giác. Điều thú vị là, mỗi bông tuyết có một hình dạng đối xứng duy nhất. Không có bông nào giống hệt nhau. Mỗi bông tuyết khi rơi xuống trải qua các điều kiện khác nhau, từ nhiệt độ, độ ẩm cho đến áp suất không khí. Những biến số này không bao giờ lặp lại. Do đó, sẽ không bao giờ có hai bông tuyết giống hệt nhau.
Canada có số hồ nước ngọt lớn nhất thế giới
Canada có tổng cộng 31.752 hồ, chiếm 20% nguồn nước ngọt trên trái đất. 9% diện tích Canada được bao phủ bởi nguồn nước ngọt. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Canada nhiều hồ nước ngọt tuyệt đẹp như hồ Superior (hồ Thượng) – hồ lớn và sâu nhất trong Great Lakes (Ngũ Đại Hồ) ở Bắc Mỹ, hồ Emerald, hồ Huron, hồ Ontario, hồ Moraine…
Ngoài ra, Canada còn sở hữu đường bờ biển dài nhất thế giới. Với tổng chiều dài là 243.042 km. Đường bờ biển này tiếp giáp Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
Tuy nhiên, hồ nước ngọt lớn nhất về thể tích trên thế giới là hồ Baikal, chiếm 20% nước ngọt bề mặt trái đất. Thể tích nước của nó tương đương toàn bộ Ngũ Đại Hồ cộng lại. Đây cũng là hồ sâu nhất thế giới.
NASA phát hiện nước trên mặt trăng
Năm 2009, NASA đã phát hiện nước trên mặt trăng dưới dạng băng đá. Theo đó, 3 tàu vũ trụ của NASA là Chandrayaan-1, Cassini và Deep Impact đều phát hiện dấu hiệu của nước hoặc các phân tử gốc hydroxyl trên mặt trăng. Qua các lần quan sát, các nhà khoa học cho rằng quá trình hình thành nước trên mặt trăng là nhờ vào sự thay đổi bức xạ mặt trời khi tiếp xúc với bề mặt của hành tinh này mỗi ngày. Đá và lớp đất bề mặt ở mặt trăng chứa đến 45% oxy. Còn gió mặt trời chứa các phân tử hydro. Sự kết hợp của cả hai nguyên tố này có thể đã tạo ra nước trên mặt trăng.
Phát hiện này đã thay đổi quan niệm từ xưa cho rằng mặt trăng chỉ là một khối đá trơ trụi và khô cằn. Tuy các nhà khoa học vẫn chưa biết được chính xác có bao nhiêu nước trên mặt trăng. Nhưng phát hiện này đã mở ra cánh cửa để tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Nó còn cho thấy “vệ tinh” hơn 4 tỷ năm tuổi này hoàn toàn xứng đáng để con người tiếp tục khám phá. Đây là niềm hy vọng để biến mặt trăng thành ngôi nhà mới của loài người trong tương lai.
Các phi hành gia còn có thể khai thác nước từ mặt trăng để tách thành hydro và oxy. Hydro có thể được dùng làm nhiên liệu. Oxy sẽ dùng để thở. Nếu NASA thành công trong việc khai thác này thì các nhiệm vụ khám phá vũ trụ trong tương lai sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguyên liệu, thời gian lẫn chi phí.
Nước trên sao Hoả
Ngoài xác nhận nước trên mặt trăng, năm 2015, NASA còn xác nhận có dòng nước chảy trên bề mặt sao Hỏa. Tàu thăm dò vũ trụ Reconnaissance đã phát hiện những đường rãnh sẫm màu xuất hiện theo mùa tại nhiều điểm trên bề mặt sao Hỏa. Sự tồn tại của nước hy vọng khả năng có sự sống trên hành tinh này.
Tiếp Thị Gia Đình