10 điều kỳ thú về nước (phần 2): Nước nóng đông đá nhanh hơn nước lạnh

Nước ấm đông đá hơn nước lạnh, nước bề mặt và nước ngầm, tầm quan trọng của nước đối với hành tinh và cơ thể con người... là những điều kỳ thú về nước trong phần 2 này

những điều kỳ thú về nước p2

(Ảnh: Shutterstock)

phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc của nước và tỷ lệ nước trên bề mặt hành tinh. Đến với phần 2, hãy cùng TTGĐ tìm hiểu những điều kỳ thú khác của nước nhé!

Nuớc nóng đông đá nhanh hơn nước lạnh

Đây là một trong những điều kỳ thú về nước ít người biết. Thông thường, chúng ta đều nghĩ rằng nước nóng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đóng băng, vì nó còn phải nguội đi.

Tuy nhiên, năm 1963, một học sinh trung học người Tanzania tên là Erasto Mpemba lần đầu tiên phát hiện hiện tượng ngược lại. Khi đặt nước nóng và nước lạnh trong cùng điều kiện nhiệt độ dưới 0C, cậu học sinh trung học nhận thấy nước nóng lại đóng băng nhanh hơn. Do đó, hiện tượng này được đặt tên là hiệu ứng Mpemba. Phát hiện này đã củng cố những giả thuyết của các nhà khoa học Aristotle, Rene Descartes và Francis Bacon – những người trước đó cũng tin rằng nước nóng đóng băng nhanh hơn.

Các nhà vật lý học đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích hiện tượng này. Bao gồm sự bay hơi, đối lưu, quá trình đóng tuyết, hiện tượng siêu lạnh (supercool) và các tạp chất hòa tan. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có giả thuyết nào đủ bằng chứng xác thực.

Nước bề mặt và nước ngầm

Hệ thống cung cấp nước cho con người lấy nước từ hai nguồn: nước bề mặt và nước ngầm. Nước bề mặt là nước ở sông, suối, hồ tự nhiên, đập chứa nước hoặc đại dương. Nước bề mặt được bổ sung bởi giáng thủy (tên gọi chung của các hiện tượng nước thoát ra khỏi mây dưới dạng mưa hoặc tuyết). Nước bề mặt hao hụt đi khi chảy vào đại dương, bốc hơi và thấm xuống đất. Nước bề mặt được sử dụng làm nguồn nước uống, sinh hoạt, tưới tiêu và thủy điện.

điều kỳ thú về nước nước mặt và nước ngầm

(Ảnh: Shutterstock)

Nước ngầm là một dạng nước dưới đất, là nước ngọt được chứa trong các lỗ rỗng của đất hoặc khe nứt của đá. Nước mưa và nước bề mặt thấm xuống, từ từ len lỏi qua đất cho đến khi nó chạm đến vật chất đá đã bão hoà với nước.

Nước ngầm thường rẻ tiền và ít bị ảnh hưởng do ô nhiễm hơn nước bề mặt. Tuy nhiên, nước ngầm khi bị ô nhiễm thì khó phát hiện và khó làm sạch hơn so với nước bị ô nhiễm ở sông, hồ. Tình trạng ô nhiễm nước ngầm thường do hệ thống thải nước không hợp lý. Nước ngầm được khai thác cho mục đích nông nghiệp, xây dựng và công nghiệp. Khoan giếng là cách khai thác nước ngầm phổ biến nhất để cung cấp nước cho đô thị.

Tốc độ luân chuyển của nước ngầm rất chậm. Nhưng con người ngày càng khai thác thiếu kiểm soát, mật độ giếng dày đặc, công suất khai thác lớn khiến cho nguồn nước cạn kiệt, gây sụt lún đất.

Mưa là một phần quan trọng trong vòng đời của nước

Nước bay hơi, ngưng tụ thành mây, mây gặp lạnh tạo thành mưa. Mưa lại cung cấp nước cho nước bề mặt và nước ngầm. Nước ngầm ngấm qua nhiều tầng đất rồi đổ ra sông, suối.

Nước mưa tạo độ ẩm cho không khí, giúp cây cối tốt tươi. Nước mưa cũng có thể làm sạch không khí. Trước khi rơi xuống đất, một hạt mưa có thể hút hàng trăm phân tử aerosol. Vì thế, sau mỗi cơn mưa, không khí thường trở nên trong lành hơn.

Tuy nhiên, cũng có những cơn mưa gây hại, chẳng hạn như mưa đá. Mưa đá được tạo ra khi những hạt mưa nhỏ bị kẹt lại trong luồng khí bốc lên cao của cơn giông. Những hạt mưa này được đưa cao lên trời, tới điểm đông và biến thành đá. Khi chúng quá nặng tới mức luồng khí không thể nâng lên được nữa, chúng sẽ bắt đầu rơi xuống thành cơn mưa đá.

Tầm quan trọng của nước

điều kỳ thú về nước

(Ảnh: Shutterstock)

Nếu trái đất không có nước, thì nó sẽ giống như sao Hỏa, mặt trăng hay các hành tinh “chết” khác. Khi ấy, trái đất của chúng ta sẽ chỉ có đất, cát và đá. Sẽ không có hơi nước nên cũng chẳng có mây. Trái đất sẽ chịu toàn bộ sức nóng từ mặt trời. Không khí khô nóng bao trùm khắp mọi nơi. Không có sự sống trên hành tinh này.

Nước cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cho các tế bào. Nước sạch là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể. Nó tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đổi chất nhằm cấu tạo và nuôi dưỡng tế bào. Các tế bào có thể hoạt động là nhờ được hòa tan trong dung môi.

Bên cạnh đó, nước còn đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu.

Một điều kỳ thú khác về nước chính là nước có thể hòa tan nhiều chất tốt hơn các chất lỏng khác. Thậm chí nó còn hoà tan tốt hơn cả axit sulfuric. Bất kỳ nơi nào nước đi qua, nó đều mang theo hóa chất, khoáng chất và chất dinh dưỡng.

(Còn tiếp)

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: BẠN NÊN UỐNG BAO NHIÊU NƯỚC KHI ĐANG ĐI MÁY BAY?

Đừng bỏ qua