Leonardo da Vinci từng nói “Nước là động lực của toàn bộ tự nhiên” (Water is the driving force of all nature). Nhà văn khoa học viễn tưởng Arthur C. Clarke cũng cho rằng hành tinh của chúng ta nên được đặt tên là “trái nước” thay vì “trái đất”. Thật vậy, nước là vật chất có ở khắp nơi xung quanh ta. Nó cung cấp sự sống cho mọi sinh vật trên hành tinh. Bạn uống nước và dùng nước để sinh hoạt hằng ngày. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều thú vị mà bạn có thể chưa biết về vật chất quen thuộc nhưng lại vô cùng bí ẩn này!
Nguồn gốc của nước
Giả thuyết về các sao chổi và tiểu hành tinh mang nước đến trái đất
Nguồn gốc của nước là một trong những điều kỳ thú về nước khiến các nhà khoa học “đau đầu”. Nguồn gốc chính xác của nó vẫn là điều bí ẩn. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nó. Giả thuyết lớn nhất là các sao chổi và tiểu hành tinh đã mang nước đến trái đất. Hệ mặt trời có một nơi gọi là “đường băng tuyết” nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nằm ngoài ranh giới này, năng lượng của mặt trời yếu hơn. Nhiệt độ thấp tạo thành các khối băng. Các sao chổi băng và các thiên thạch băng từ đường băng tuyết có thể đã mang băng đến trái đất và làm cho hành tinh này thành một nơi ẩm ướt.
Giả thuyết về vật chất hữu cơ liên sao bị đốt nóng
Gần đây, giáo sư Akira Kouchi của Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã đặt ra một giả thuyết khác. Đó là vật chất hữu cơ tồn tại trong khoảng không các vì sao bị đốt nóng đã sinh ra nước. Ông giải thích thêm rằng khi đốt nóng vật chất hữu cơ liên sao ở nhiệt độ cực cao sẽ sinh ra rất nhiều nước và dầu.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một hợp chất hữu cơ tương tự. Dựa vào dữ liệu phân tích các vật chất hữu cơ liên sao, họ chiếu tia UV vào hỗn hợp các chất gồm H2O, CO và NH3 để mô phỏng quá trình tổng hợp tự nhiên. Từ đó họ tạo ra vật chất hữu cơ tương tự. Sau đó, họ tăng dần nhiệt độ cho chất tương tự này từ 24 lên 400°C trong điều kiện áp suất cực lớn, bằng với thiết bị đầu đe kim cương. Mẫu vẫn giữ nguyên ở thể thống nhất cho đến 100°C. Nhưng khi đến 200ºC thì nó bắt đầu tách làm hai pha. Ở nhiệt độ xấp xỉ 350°C, sự hình thành các giọt nước trở nên rõ rệt. Nhiệt độ càng tăng thì kích thước các giọt nước càng lớn. Ở 400°C, không chỉ có nước, mà còn xuất hiện cả dầu.
Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống
Đó là lý do vì sao các nền văn minh của loài người được hình thành trên lưu vực các con sông lớn. Ai Cập cổ đại – một trong những nền văn minh cổ xưa nhất trái đất gắn liền hai bờ sông Nile. Đây là con sông thuộc châu Phi, dài nhất thế giới (6.650 km). Văn minh Lưỡng Hà gắn liền với sông Euphrates ở phía Đông và sông Tigris ở phía Tây Á. Cái tên Lưỡng Hà (Mesopotamia) xuất phát từ gốc Hy Lạp cổ, có nghĩa là “giữa” (mesos) và “sông” (potamos). Hiểu nôm na là “vùng đất giữa các dòng sông”.
Còn văn minh lưu vực sông Ấn, hay còn được gọi là văn hóa Harappa gắn liền với con sông Ấn. Đây là con sông ngoại lai (dòng chảy chính của nó không chảy qua quốc gia mà nó mang tên) lớn nhất trên thế giới. Bởi phần lớn dòng chảy của nó là qua đất nước Pakistan. Nó cũng là một trong số rất ít sông trên thế giới có hiện tượng sóng triều khi triều dâng.
Và cuối cùng, nền văn minh Trung Quốc hình thành trên lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang. Trung Quốc có hàng nghìn con sông lớn nhỏ. Nhưng Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông quan trọng nhất.
Hơn 70% bề mặt hành tinh chúng ta là nước
Hơn 70% bề mặt trái đất là nước, nhưng chỉ có một lượng ít nước ngọt là dùng được
Một trong những điều kỳ thú về nước nữa là lượng nước trên trái đất. Nước chiếm đến 70,9% bề mặt của hành tinh chúng ta. Nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt. Có hai nguồn nước ngọt chính. Đó là sông băng và trữ lượng nước ngầm. Trong đó, 68,7% lượng nước ngọt nằm trong các khối băng ở Bắc Cực, Nam Cực và các đỉnh núi cao. Hơn 30% còn lại là nằm trong lòng đất. Chỉ một lượng nhỏ 0,3% là từ hồ và hệ thống sông ngòi. Điều đáng buồn là lượng nước ngọt để con người có thể dùng ăn uống và sinh hoạt chỉ chiếm 0,3%.
Nhu cầu nước ngọt ngày càng tăng
Dân số thế giới và ô nhiễm ngày càng tăng khiến nhiều nơi không có đủ nước ngọt sạch để dùng. Hơn 1/3 dân số thế giới không thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn. Tại Nairobi, người nghèo phải trả gấp 10 lần số tiền ở New York để có được nước sạch. Tính đến năm 2019, khoảng 25% hộ gia đình ở Nairobi không có nước để dùng. Chất lượng nước và ống dẫn nước ở đây cũng cực kỳ tệ. Nước thải từ hệ thống cống ngầm có thể bị rò rỉ và tràn vào ống dẫn nước đã cũ. Điều này khiến cho phần lớn nước không thể uống được. Trong khi đó, Qatar là nước có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước cao nhất. Do quốc gia này quá phụ thuộc vào hệ thống lọc nước mặn để cung cấp nước cho sinh hoạt và hoạt động công nghiệp.
Trong tương lai, nhu cầu nước ngọt tiếp tục tăng cao. Phần lớn là cho hoạt động nông nghiệp để sản xuất đủ lương thực cho dân số toàn cầu và nhu cầu dùng nước để tạo ra thủy điện. Theo dự đoán, đến năm 2050, khoảng 1/2 dân số thế giới có nguy cơ sống trong tình trạng thiếu nước ngọt.
(Còn tiếp)
Tiếp Thị Gia Đình