Amazon bước vào mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong một thập kỷ
Qua phân tích số liệu của chính phủ Brazil, tổ chức phi chính phủ Greenpeace cho biết các đám cháy rừng ở Amazon đã tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Viện Nghiên cứu Không gian của Brazil (INPE) cũng cho biết tỷ lệ phá rừng từ tháng 8/2019 – 7/2020 đã tăng 34%. Các vụ cháy rừng vào tháng 7 năm nay cũng tăng 28% so với năm ngoái.
Các số liệu này dấy lên lo ngại rằng Amazon bước vào mùa cháy rừng còn tồi tệ hơn năm 2019.
Romulo Batista, chuyên gia cấp cao của tổ chức Greenpeace tại Brazil, cho biết:
“Đây là kết quả trực tiếp của việc chính phủ nước này thiếu chính sách về môi trường. Đã có nhiều vụ cháy rừng hơn năm ngoái.”
Những con số này là hồi chuông cảnh báo giới lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư về tác động tiêu cực từ việc rừng Amazon đang bị tàn phá.
Candido Bacher, Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất Brazil Itaú Unibanco, nói hôm 12/8:
“Đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Rõ ràng, chính sách môi trường của chính phủ đối với rừng Amazon không hiệu quả.”
Không thể kiểm soát nạn phá rừng
Vào tháng 7, chính phủ Brazil đã cấm đốt lửa trong 120 ngày ở các vùng rừng Amazon và Pantanal. Đây là hai nơi các đám cháy đang hoành hành nhiều nhất.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro đã không thể kiểm soát nạn phá rừng và tình trạng các đám cháy lan rộng. Dù từ tháng 5 nước này đã triển khai chiến dịch với sự tham gia của quân đội. Tổng thống Jair Bolsonaro còn khẳng định số liệu về các đám cháy rừng ở Amazon là “giả dối”.
Các vụ cháy rừng ở Amazon chủ yếu là do con người phá rừng để lấy gỗ quý. Sau đó họ dùng đất đai để canh tác. Khoảng 80% diện tích rừng bị phá trở thành bãi chăn nuôi gia súc. Nền công nghiệp sản xuất thịt ở Brazil cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Bởi việc phá rừng để lấy bãi chăn nuôi gia súc chủ yếu là để đáp ứng được nguồn cung cho nền công nghiệp sản xuất thịt.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: The Guardian