Hội thảo thời trang và nhan sắc Việt trong giai đoạn mới do tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam tổ chức vừa diễn ra vào ngày 16/7/2020 tại Hotel Grand Saigon. Sự kiện có sự tham gia của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; bà Trang Lê – CEO Multimedia; nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà – Giám đốc sáng tạo mỹ phẩm M.O.I cùng Nicky Vũ – Giảng viên trường London College for Design & Fashion.
Ngoài sự góp mặt của các diễn giả, hội thảo thời trang còn có sự tham gia trò chuyện, chia sẻ ý kiến từ các tên tuổi trong làng thời trang Việt như đạo diễn Long Kan; NTK Chung Thanh Phong, Đỗ Long, Tuyết Lê; Lâm Gia Khang, Hoàng Minh Hà, Nguyễn Tiến Truyển; Lý Giám Tiền, Huy Võ… Những nhân vật này đã thể hiện quan điểm lẫn tư duy làm nghề trong giai đoạn phát triển mới của ngành Thời trang – Nhan sắc trong nước.
Đề xuất thành lập Hiệp hội thời trang Việt Nam
Mở đầu buổi hội thảo thời trang, ông Vũ Đức Giang cho biết nước ta hiện nay có hơn 6.000 doanh nghiệp. Vào năm 2019, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 36.4 tỷ USD. Trong đó có các mặt hàng chính như quần áo các loại, vải thô, sợi vải và nguyên phụ liệu ngành may mặc. Mục tiêu cho năm 2020 là xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vào đầu năm đã làm sức mua toàn cầu giảm mạnh. Từ đó, kéo theo tình trạng sản xuất của nước ta đang bị tồn kho. Dự tính 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc chỉ đạt khoảng 15 tỷ. Theo ông Giang, mục tiêu trong năm 2020 rất khó để đạt được.
Cũng theo ông Giang đánh giá, tình hình dệt may và ngành thời trang Việt Nam chưa thống nhất được định hướng phát triển. Bên cạnh đó, nguồn lực sản xuất nguyên phụ liệu và bán hàng online ở những đơn vị vừa và nhỏ không làm được. Đặc biệt, khả năng và tầm nhìn của những nhà thiết kế trước thời đại công nghệ 4.0 đang còn khá manh mún.
Là một người kinh doanh thời trang và vẫn “sống khoẻ” trong giai đoạn dịch vừa qua, NTK Chung Thanh Phong chia sẻ những nhà sản xuất hay nhà thiết kế cần hiểu rõ khách hàng của mình. Theo anh, để có được doanh thu bình ổn như hiện tại là nhờ vào định hướng phát triển dựa trên việc nắm bắt thị hiếu khách hàng và sự linh hoạt khi tình hình thế giới thay đổi.
Để liên kết đẩy mạnh ngành thời trang trong nước, bà Trần Nguyễn Thiên Hương – CEO Sun Flower Media đã đề xuất 1 phương án mới. Đó là việc nên thành lập Hiệp hội thời trang Việt Nam. Hiệp hội này sẽ là sân chơi cho các NTK trong tương lai; tạo đà cho ngành thời trang Việt Nam phát triển và vươn ra thế giới. Mặc dù chỉ mới là ý tưởng sơ khởi nhưng rất nhiều người tham dự hội thảo; trong đó có nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong nước, đã tán thành và sẵn sàng tham gia.
Nhà thiết kế thời trang đòi hỏi phải có sự sáng tạo trong công việc và nhạy bén tư duy trong kinh doanh
Là diễn giả chính trong phần 2 của cuộc hội thảo thời trang; bà Trang Lê – CEO Multimedia đã đề cập đến vấn đề: Vì sao thời trang thiết kế Việt chưa thể vươn xa ra khỏi biên giới? Nhiều năm làm việc trong ngành thời trang, bà Trang Lê có cơ hội làm việc cùng các nhà thiết kế quốc tế. Từ đó, bà chỉ ra 2 điểm cần phải có của một nhà thiết kế: sáng tạo trong công việc và nhạy bén tư duy trong kinh doanh.
Bà nói: “Nhà thiết kế không phải là thợ may. Công việc của nhà thiết kế không phải chỉ có ngồi vẽ ra những mẫu thiết kế. Ở tất cả các trường đào tạo về ngành thời trang ở quốc tế, ngoài những kỹ năng, kiến thức đặc thù về ngành, sinh viên bắt buộc phải học về business. Đó là kinh doanh thương hiệu của chính mình. Sở dĩ các nhà thiết kế ở quốc tế tiến xa khỏi biên giới của họ vì họ có tư duy kinh doanh. Họ biết làm chiến lược để đưa thương hiệu của mình lan rộng hơn”.
Cũng theo bà Trang Lê, các nhà thiết kế Việt Nam đang hoạt động theo kiểu hữu xạ tự nhiên hương, loay hoay với cách làm việc cũ kỹ. Hầu hết mọi người thiếu sự năng động nắm bắt, không lan tỏa tầm ảnh hưởng và độ phổ biến của các thiết kế do mình thực hiện. Đặc biệt, vẫn còn tồn tại suy nghĩ tên tuổi “thương hiệu” của một nhà thiết kế chỉ nằm ở một nơi duy nhất, cố định nào đó. Khách hàng nào muốn tiếp cận cũng khá khó khăn.
Bà Trang Lê nói thêm: “NTK người Hàn Quốc Lie Sang Bong thành lập thương hiệu thời trang riêng. Hiện nay ông đã có hơn 100 cửa hàng mang tên của mình tại quê nhà. Không chỉ vậy, ông còn có cửa hàng đặt tại Pháp, Anh, Mỹ… Đó là ví dụ cho một hình mẫu nhà thiết kế có tư duy kinh doanh. Một nhà thiết kế thời trang không thể ngồi một chỗ và đợi khách hàng tìm tới mình”.
Thông qua những chia sẻ rất thân tình, bà Trang Lê có lời khuyên cho các nhà thiết kế Việt rằng hãy năng động hơn nữa. Cơ hội do mình chủ động tự đi tìm, chứ nó không chủ động đến với mình.
Mỹ phẩm tự nhiên cần được các nhà sản xuất trong nước chú trọng
Thời trang và làm đẹp luôn song hành. Ở mảng nhan sắc, hội thảo có sự góp mặt của bà Trần Nguyễn Phương Nhung – Giám đốc thương hiệu Cle de Peau Beauté tại Việt Nam; ca sĩ Hồ Ngọc Hà – Giám đốc sáng tạo mỹ phẩm M.O.I; cùng người bạn đồng hành Lâm Thành Kim – CEO mỹ phẩm M.O.I; và Emmi Hoàng – CEO thương hiệu Happy Skin. Trong “địa hạt”này, mọi người đều nhận thấy ngành mỹ phẩm tại Việt Nam đang rất tiềm năng.
Cụ thể, doanh thu ngành mỹ phẩm tại Việt Nam đã đạt 700 triệu USD/năm. Trong khi đó, theo các chuyên gia, ngành mỹ phẩm Việt Nam đang được định giá 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, các thương hiệu mỹ phẩm nội địa lại rất ít khi được người tiêu dùng lựa chọn. Đó là thử thách của tất cả nhà sản xuất trong nước.
Giải pháp nào cho các thương hiệu nội địa là đề tài khiến các diễn giả và khách mời tranh luận sôi nổi. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà chia sẻ câu chuyện thật của chính doanh nghiệp mà cô đang giữ vai trò giám đốc sáng tạo. Theo cô, sản phẩm mặt nạ gạo đã giúp thương hiệu M.O.I vượt qua khủng hoảng. Đây là một sản phẩm nguyên liệu thuần Việt, lành tính. Hơn hết là nó rất phù hợp với thị hiếu khách hàng của cô. Hồ Ngọc Hà tin rằng những gì lành tính nhất thì sẽ được mọi người yên tâm sử dụng.
Ngày càng nhiều người tìm đến sản phẩm có nguồn gốc hoặc thành phần tự nhiên. Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu, dược liệu tốt. Do đó, các hãng nội địa nên tập trung vào các giá trị tự nhiên gần gũi với người Việt. Như vậy dễ tiếp cận khách hàng; và mở ra hướng đi mới song song với các loại mỹ phẩm ngoại nhập.
Xu hướng sáng tạo mới trong ngành công nghiệp thời trang
Tại hội thảo thời trang, diễn giả Nicky Vũ đã có nhiều chia sẻ về ngành thời trang trên thế giới; và xu hướng thời trang trong tương lai. Nhắc đến giáo dục, bà Hà Thị Hằng – CEO trường London College of Design & Fashion cho biết, ngành giáo dục thời trang tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trang Lê chia sẻ thêm về việc; bản thân bà đã làm việc với rất nhiều doanh nghiệp thời trang tại Việt Nam. Nhu cầu về các nhà thiết kế rất cao, nhưng đội ngũ nhân lực lại khan hiếm. Trong khi, chất lượng đào tạo của các ngành thời trang trong nước lại rất mơ hồ. Lý thuyết trong trường quá lạc hậu và lỗi thời; chênh lệch quá xa so với thực tế của ngành thời trang. Chính vì vậy, bà mong rằng mình sẽ là chiếc cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Sau chương trình hội thảo thời trang, bà Trần Nguyễn Thiên Hương cùng bà Trang Lê; bà Hà Thị Hằng và Nicky Vũ đưa ra thống nhất. Theo đó, 3 xu hướng thời trang chính có thể thực hiện trong nước là thời trang du lịch; thời trang bền vững và công nghệ. Trong đó, để sống sót và thành công trong lĩnh vực thời trang cần đẩy mạnh 2 yếu tố. Đó là đặt truyền thông và công nghệ lên hàng đầu.
Tiếp Thị Gia Đình