Buôn bán và tàng trữ sừng tê giác có thể bị kết án 15 năm tù

Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn săn trộm; cũng như nhiều người sử dụng sừng tê giác nhất trên thế giới. Một sự thật đáng buồn khác là người tiêu thụ sừng tê giác không hề quan tâm đến nạn săn trộm tê giác

Sừng tê giác

Ảnh: Shutterstock

Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn săn trộm; cũng như nhiều người sử dụng sừng tê giác nhất trên thế giới. Một sự thật đáng buồn khác là người tiêu thụ sừng tê giác không hề quan tâm đến nạn săn trộm tê giác. Đây là kết quả của một nghiên cứu từ trường đại học ở Đan Mạch về vấn nạn tiêu thụ quá mức sừng tê giác ở Việt Nam. Chính hành vi không quan tâm đã gián tiếp tiếp tay cho những tên tội phạm nguy hiểm. Và cũng chính họ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn tuyệt chủng các loài động vật quý hiếm.

Thế giới chỉ còn khoảng 29.500 con tê giác

Tổ chức Humane Society International Việt Nam (HSI) cho biết; việc Quốc hội Việt Nam ngày 8/6/2020 phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA); đã đánh dấu kỷ nguyên mới trong hợp tác liên chính phủ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về đối xử nhân đạo với động vật và bảo vệ động vật hoang dã. Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc HSI Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị xem là “điểm nóng” cung cấp, tiêu thụ và trung chuyển của nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Việc thực thi các quy định hiện hành ở Việt Nam còn nhiều yếu kém. Các cơ quan ban ngành cần quyết liệt hơn bởi nhiều chợ buôn bán động vật hoang dã vẫn hoạt động công khai; và chưa bị xử lý một cách nghiêm khắc.”

Theo thống kê, trong năm 2018, có tới 1.100 con tê giác đã bị săn trộm và giết chết. Tính tới thời điểm hiện nay, trên thế giới chỉ còn khoảng 29.500 con tê giác. Việt Nam đã đưa ra vô số những biện pháp để giảm thiểu vấn nạn săn trộm đang hoành hành những năm gần đây. Cụ thể, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã quy định mức phạt rất nặng đối với những hành vi này tại Điều 244, Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể, mức phạt cho tội phạm này có thể đến 15 năm tù giam và bị phạt từ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bất chấp mọi chiến dịch, người Việt Nam vẫn không ngừng mua sừng tê giác.

Ảnh: WildAid Viet Nam

Sừng tê giác không phải là thuốc tiên chữa bá bệnh

Theo Hiệp hội cứu trợ động vật hoang dã tại Việt Nam (WildAid Viet Nam), người Việt đang bị lừa. Thông tin mọi người rỉ tai tuyên truyền rằng sừng tê giác là thần dược chữa được ung thư; làm tăng khả năng tình dục nam giới; và giúp mạnh khoẻ sống lâu là vô căn cứ. Tất cả là sự lừa đảo tinh vi của bọn buôn lậu sừng tê. Họ đánh vào tâm lý nhu cầu mua “thần dược” nhằm nâng giá, khai thác bất chấp.

Theo Đông y, ung thư (bệnh nham) do hàn tích lâu ngày mà sinh ra. Sừng tê giác thuộc tính hàn. Nếu dùng điều trị bệnh nham thì hàn gặp hàn nên “tắc tử”. Do đó dùng sừng tê giác để điều trị chứng nham là một việc sai lầm. WildAid Viet Nam cho biết, trường hợp hiếm hoi nào đó lành là do chẩn đoán bệnh sai.

Vậy trong Đông y, sừng tê giác được dùng như thế nào? Căn cứ theo các tài liệu y học phương Đông; sừng tê giác được xếp vào nhóm “Thanh nhiệt lương huyết”, có tính hàn, vị đắng; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần; dùng để điều trị các chứng sốt cao, hôn mê nói nhảm, sốt phát ban…, tương tự các loại thuốc bình thường khác. Như vậy, sừng tê giác không phải là thần dược.

Trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết, có tất cả 17 vị thuốc. Bao gồm ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược… Nhưng vị thuốc này vừa rẻ lại vừa dễ tìm. Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê để chữa bệnh bởi 2 lý do. Đó là vì vừa đắt, vừa hiếm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền dễ kiếm.

Sừng tê giác không có tác dụng bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương. Do đó, nó không làm cho con người khỏe ra và cũng không thể tăng tuổi thọ. Đồng thời, sừng tê giác tính hàn, nó không đi vào kinh thận. Trong Đông y, nếu uống vào dễ làm tổn thương mệnh môn hỏa của thận; làm giảm tinh khí, dễ dẫn đến liệt dương. Nó có thể gây ra chứng tiểu đêm đối với người cao tuổi.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua