Các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado, Mỹ đã thực hiện cuộc nghiên cứu về các vi sinh vật (bioaresol) trong không khí ở Nam Đại Dương. Kết quả đã được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ vào ngày 1/6.
Nam Đại Dương là nơi có không khí sạch nhất Trái Đất
Các nhà khoa học đã đi bằng tàu nghiên cứu từ Tasmania đến sông băng ở Nam Cực. Họ lấy mẫu không khí trên đường đi đồng thời nghiên cứu về các vi khuẩn. Từ đó, họ có thể xác định tính chất của khí quyển ở các độ cao khác nhau.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những tầng mây thấp gần như không chứa các sol khí (aerosol). Sol khí là hệ keo của các hạt chất rắn hay giọt chất lỏng trong không khí. Chúng có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc do con người. Sol khí nhân tạo gây nên ô nhiễm, bụi, khói… Chúng được sinh ra từ hoạt động sản xuất như đốt nhiên liệu hóa thạch, dùng thuốc trừ sâu….
Tiến sĩ Thomas Hill – đồng tác giả nghiên cứu, cho biết họ đã dành nhiều công sức để xác định nguồn gốc các sol khí dựa vào phương pháp phân tích các vi khuẩn trong không khí. Họ phát hiện hầu hết các sol khí ở Nam Đại Dương đều có nguồn gốc tự nhiên. Chúng chủ yếu đến từ đại dương. Cho đến hiện tại, đây là nơi có không khí sạch nhất được tìm thấy.
Ngoài tầng mây, các nhà khoa học còn tìm hiểu thêm lớp không khí thấp sát mực nước biển. Trong vùng biển từ Tasmania (Úc) xuôi về phía nam đến rìa Nam Cực, họ liên tục phân tích các vi khuẩn trong không khí. Và họ xác định phần lớn chúng đều xuất phát từ đại dương.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối
Mặc cho các nhà khoa học đã tìm được nơi có không khí sạch nhất, ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 7 triệu người chết mỗi năm vì loại ô nhiễm này. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi.
Các luồng không khí toàn cầu vốn có liên kết với nhau. Nên thật sự rất khó để tìm được một nơi “thoát” khỏi khí thải công nghiệp. Việc tìm ra được nơi có không khí sạch nhất cũng là một điều bất ngờ. Bởi trước đây các nhà khoa học cho rằng không khí khu vực cận Nam Cực cũng không thoát khỏi khói bụi từ những lục địa gần kề thổi tới.
WHO cho biết hơn 80% người dân sống trong các khu vực thành thị phải hít thở không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Con số này vượt quá mức an toàn được khuyến cáo. Trong đó, những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thường phải chịu sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, một số nơi trên thế giới đã có không khí trong lành hơn. Tuy nhiên, sau khi các hoạt động sản xuất trở lại, ô nhiễm không khí lại tăng theo. Điển hình là ở Trung Quốc. Theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 18/5, nồng độ một số chất gây ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã tăng trở lại. Thậm chí mức ô nhiễm này còn cao hơn năm ngoái.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: CNN