San hô đổi màu là tín hiệu cho thấy chúng đang cố sống sót

Các rạn san hô được xem là "rừng nhiệt đới dưới đáy biển". Chúng không chỉ mang đến cảnh quan tuyệt đẹp mà còn là nguồn thức ăn, nơi trú ngụ của vô vàn sinh vật ở đại dương. Nhưng các hoạt động của con người đang đe doạ đến sự tồn vong của sinh vật này

hiện tượng san hô đổi màu

Một vài rạn san hô đổi màu như một cơ chế tự vệ khi bị tẩy trắng (Ảnh: Shutterstock)

Khi đại dương ấm dần lên do biến đổi khí hậu, một vài rạn san hô đã bị tàn phá qua các sự kiện tẩy trắng trong những năm gần đây. Bên cạnh hiện tượng tẩy trắng, một vài rạn san hô đổi màu và phát sáng. Các nhà khoa học đã theo dõi hiện tượng san hô đổi màu (colorful bleaching) từ năm 2010 ở các rạn san hô trên toàn cầu. Họ đã nghiên cứu tình trạng các rạn san hô trong nhiều năm, cũng như theo dõi mức độ thiệt hại và quá trình phục hồi của chúng. Họ nhận thấy một điều kỳ lạ. Đó là san hô không chỉ bị tẩy thành màu trắng nhạt như bình thường mà có nhiều rạn còn chuyển thành màu neon.

Nghiên cứu về hiện tượng đổi màu của san hô

Các nhà khoa học ở Đại học Southampton đã thực hiện thí nghiệm về hiện tượng này. Kết quả được đăng trên tạp chí Current Biology vào ngày 21/5. Họ vẫn chưa hiểu rõ được cơ chế và nguyên nhân của hiện tượng này. Nhưng họ tin rằng đây là thông điệp cho thấy chúng cố gắng sống sót. Nó là cơ chế tự bảo vệ và điều chỉnh của các rạn san hô.

Các nhà khoa học đã cho san hô tiếp xúc với nhiều loại ánh sáng và điều kiện môi trường khác nhau. Họ còn tạo ra nhiệt độ tương tự như ở đại dương khi các sự kiện tẩy trắng diễn ra. Sau đó, họ phát hiện ra màu neon thực chất là lớp bảo vệ. Nó giống như lớp kem chống nắng khi tảo đã không còn. Bởi san hô sống nhờ vào sự cộng sinh với các loài tảo nhỏ. Quá trình tổng hợp thành màu neon giống như tín hiệu kêu gọi các loài tảo quay về. Tảo hút ánh mặt trời mà san hô nhận được và tạo nên các sắc tố quang hợp. Khi tảo biến mất, san hô phải tiếp xúc với một lượng lớn ánh nắng mặt trời. Xương đá vôi trắng của chúng bị lộ ra.

Jörg Wiedenmann – tác giả chính của các cuộc nghiên cứu cho biết:

“Tuy nhiên, nếu các tế bào san hô vẫn có thể thực hiện một vài chức năng thông thường khi đã bị tẩy trắng, thì lượng ánh sáng mà chúng hấp thụ được sẽ thúc đẩy sự sản xuất các sắc tố đầy màu sắc. Lớp màu này sẽ thu hút sự chú ý của các loại tảo để quay về. Khi tảo hút lấy ánh sáng và thực hiện quang hợp, lượng ánh sáng bên trong san hô sẽ giảm. Các tế bào san hô cũng giảm sản xuất sắc tố để trở về trạng thái bình thường.”

Niềm hy vọng để phục hồi san hô bị tẩy trắng

Các nhà nghiên cứu còn cho rằng hiện tượng san hô đổi màu thường diễn ra ở các vùng biển ít nóng, có nhiệt độ ôn hoà và dễ chịu hơn. Hoặc nó cũng có thể là phản ứng đối với sự thay đổi chất dinh dưỡng mà chúng nhận được từ môi trường.

Kết quả nghiên cứu mang đến hy vọng rằng san hô có thể phục hồi sau khi bị tẩy trắng. Đặc biệt là sau nhiều sự kiện các rạn san hô bị tẩy trắng dữ dội trong thời gian gần đây. Điển hình là ở rạn Great Barrier vào tháng 3 và tháng 4 năm nay.

Cecilia D’Angelo – đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ:

“Không phải lúc nào tẩy trắng cũng là ‘án tử’ cho san hô. Chúng vẫn còn cơ hội sống sót. Nếu việc tẩy trắng không quá dữ dội, san hô có thể tự thiết lập lại mối quan hệ cộng sinh với tảo. Tuy nhiên, các cuộc tẩy trắng gần đây đều xảy ra khi đại dương ấm lên một cách bất thường. Điều này khiến cho tỷ lệ san hô chết tăng cao hơn. Và chúng phải cố gắng nhiều hơn để tiếp tục sống sót.”

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: CNN

>> Xem thêm: 6 QUỐC GIA CHÂU ÂU NÀY SẮP MỞ CỬA BIÊN GIỚI CHÀO ĐÓN KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ

Đừng bỏ qua