Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020

Bước sang tháng 4, hàng loạt chính sách mới tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống sẽ bắt đầu có hiệu lực

chính sách mới từ tháng 4

Những chính sách mới dưới đây sẽ có hiệu lực từ tháng 4 (Ảnh: Shutterstock)

Hôm nay là ngày đầu tiên cả nước Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội để đối phó với dịch Covid-19. Ngoài biện pháp này, nhiều chính sách mới cũng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4.

Chính sách mới – Doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn

Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động sẽ bị phạt tiền như sau:

  • Từ 5 – 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 – 10 người lao động.
  • Từ 10 – 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 – 50 người lao động.
  • Từ 20 – 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 – 100 người lao động.
  • Từ 30 – 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 – 300 người lao động.
  • Từ 40 – 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt trên được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.

Ngoài ra, chính sách mới trên còn được áp dụng với hành vi:

  • Không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo thoả thuận trong hợp đồng. Hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo nghề.
  • Không trả hoặc trả không đủ lương làm thêm giờ, lương ngừng việc.
  • Khấu trừ tiền lương không đúng quy định.
  • Trả lương không đúng quy định khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động; trong thời gian tạm đình chỉ công việc; trong thời gian đình công; những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm.

Phạt đến 20 triệu đồng cho người đăng tin đồn thất thiệt

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Theo chính sách mới này, sẽ phạt từ 10 – 20 triệu đồng cho cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi:

  • Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo; thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.
  • Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Kích động bạo lực, tội ác, miêu tả hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
  • Chia sẻ tác phẩm bị cấm lưu hành hoặc chưa được lưu hành.
  • Quảng cáo, chia sẻ thông tin về hàng hoá, dịch vụ bị cấm.
  • Chia sẻ link dẫn đến thông tin có nội dung bị cấm.

Bên cạnh đó, chính sách mới này sẽ phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu tiết lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước; bí mật đời tư và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu hình sự.

Phạt 10 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo rác

Cũng có hiệu lực từ 15/4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt liên quan đến vi phạm về thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; gắn nhãn thư điện tử, tin nhắn quảng cáo không đúng; hoặc không đầy đủ theo quy định… sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.

Chính sách mới này cũng nêu mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định; không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo; thông tin yêu cầu từ chối; và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.

Phạt đến 15 triệu đồng nếu chủ nhà không đóng bảo hiểm cho người giúp việc

Nghị định 28/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội… Theo đó, đây là lần đầu tiên bắt buộc chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc.

Ngoài ra, gia chủ cũng phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc. Trong trường hợp không thực hiện những quy định trên, chủ nhà có thể bị phạt đến 15 triệu đồng.

Chính sách mới này cũng tăng mức xử phạt hành chính từ 5 – 7 triệu đồng lên 10 – 15 triệu đồng với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc. Hoặc không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú.

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: TRUNG QUỐC BAN HÀNH ĐIỀU LUẬT CẮT GIẢM THỜI LƯỢNG PHIM TRUYỀN HÌNH

Đừng bỏ qua