SARS-CoV-2 không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có mà còn giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam dĩ nhiên là không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.
Gián đoạn chuỗi cung ứng trong kinh tế toàn cầu
Nền kinh tế của các nước đều phụ thuộc lẫn nhau trong thời buổi toàn cầu hoá. Trung Quốc chiếm đến 17% GDP toàn cầu và 30% sản lượng thế giới trong năm 2018. Do đó, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc – “công xưởng của thế giới” khiến cho nền kinh tế cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn và gián đoạn nghiêm trọng. Từ công nghệ đến xuất nhập khẩu dầu, khí đốt.
Bloomberg đưa tin, các thương hiệu lớn như Hasbro, Michael Kors, Versace, Jimmy Choo.. đều đang phải đối mặt với tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hàng chục chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến châu Âu và Mỹ đang bị ách lại các cảng biển. Các hãng xe hơi như Hyundai và Fiat Chrysler phải ngừng hoạt động sản xuất dây chuyền. Bởi đa số nguồn phụ tùng đến từ Trung Quốc. Trang bán lẻ trực tuyến Amazon cho biết, 50% hàng hoá của hãng như quần áo, hàng điện tử, đồ chơi… đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Và hiện tại hàng tồn kho đang sắp cạn.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cũng bị gián đoạn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Bởi đa số sản phẩm công nghệ đều được lắp ráp hoặc dùng phụ kiện được sản xuất ở Trung Quốc.
Chứng khoán Mỹ tuột dốc
Những ngày qua, thị trường chứng khoán phố Wall chấn động mạnh bởi dịch Covid-19. Chỉ số Dow Jones đã sụt giảm 2,043 điểm, tương đương 7.9%. Đây là mức giảm cao nhất kể từ mức đỉnh vào ngày 19/2. Chỉ số S&P 500 cũng sụt giảm tới 7.5%.
Lần sụt giảm gần nhất là kết quả của động thái cấm tất cả việc di chuyển từ châu Âu đến Mỹ của Tổng thống Donald Trump để đối phó với Covid-19. Chứng khoán châu Âu, giá vàng và dầu thô hôm qua cũng đồng loạt lao dốc.
Giới đầu tư tài chính đang hết sức lo ngại. Bởi viễn cảnh kinh tế toàn cầu sụp đổ có thể xảy ra nếu dịch Covid-19 kéo dài. Cùng với đó là nguy cơ cuộc chiến giá dầu mỏ giữa các nước trong và ngoài OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ).
Tại Việt Nam
Kinh tế toàn cầu bị chao đảo và Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Không trực tiếp thì cũng giáng tiếp. Mặc cho tỉ lệ tử vong ở nước ta hiện nay là 0%. Ngành hàng không, du lịch và giáo dục ngoài công lập bị thất thoát nặng. Theo khảo sát, 73.8% doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bị phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài hơn 6 tháng. Lương cho người lao động không phải là vấn đề duy nhất. Mà còn có chi phí hoạt động, thuê mặt bằng, thuế và nhiều khoản chi trả khác.
Bên cạnh đó, các ngành sản xuất như may mặc, da giày, điện tử, ô tô… cũng đang chịu áp lực lớn . Vì hầu hết các nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Không chỉ có nhập khẩu mà việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Bởi các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản của nước ta phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tiếp Thị Gia Đình