Ngày Tết tìm hiểu về phong tục Tết cổ truyền ở các quốc gia châu Á

Một số quốc gia khu vực châu Á vẫn chọn Tết Âm lịch làm thời điểm sum vầy, gắn kết tình thân để thay cho dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Tùy vào văn hóa và phong tục tập quán khác nhau mà mỗi nơi đều có cách đón Tết riêng

Đối với nhiều quốc gia châu Á khác, Tết Âm lịch hay còn gọi là Tết cổ truyền cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm như Việt Nam chúng ta. Đặc biệt tại mỗi nước lại mang những phong tục, văn hóa đặc sắc riêng mà không đâu có được. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau và thưởng thức các món ăn truyền thống.

Trung Quốc

Đối với người dân Trung Quốc, Tết cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Ngay từ mấy tháng trước Tết, những người dân xa quê đã đặt vé máy bay, tàu xe để về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Trong những ngày trước 30 Tết, cũng như người Việt, người Trung Quốc thường có truyền thống dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới. Những món đồ cũ được bỏ đi. Cách làm này để rũ bỏ điều xui xẻo trong năm cũ và đón chờ điều tốt lành sẽ đến. Đặc biệt, họ sẽ treo khắp nơi đèn lồng đỏ để mang lại may mắn. Và đánh đuổi quỷ dữ khỏi quấy rối.

Ba món sủi cảo, bánh nếp và bánh trôi nước là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Trung Quốc. Theo người xưa, sủi cảo có hình dáng trông như một thỏi bạc. Ăn món này vào đầu năm sẽ mang đến nhiều tài lộc. Bánh nếp theo phiên âm của người Hoa mang hàm ý thăng tiến. Bánh trôi nước lại tượng trưng cho sự đoàn viên, gắn kết của các thế hệ trong gia đình.

Malaysia

Là một quốc gia đa sắc tộc với lực lượng người Hoa chiếm 1/4 dân số nên Malaysia cũng ăn Tết theo Âm lịch giống như Trung Quốc. Những nét tương đồng như lì xì, đoàn tụ gia đình hay lễ hội múa lân, sư, rồng…

Tết cổ truyền là dịp người dân Malaysia ghé thăm các công trình tôn giáo để thắp hương cầu nguyện; đồng thời chào đón lễ giao thừa. Trong đó, chùa bà Thiên Hậu là ngôi chùa đón nhận lượt viếng thăm nhiều nhất. Nơi đây luôn được trang hoàng lộng lẫy với hàng trăm ngàn chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ treo trên không trung. Theo người dân Malaysia quan niệm, đèn lồng và những thứ màu đỏ đều có tác dụng xua ma quỷ cũng như mang đến may mắn cho năm mới.

Ngày Tết khi đến thăm nhà người Malaysia, khách sẽ thết đãi khách nhiều món ăn đặc trưng như otak otak, xiên que satay hoặc những món ăn theo truyền thống.

Singapore

Quốc gia có tỷ lệ người Hoa nhập cư chiếm đến 80% dân số nên người dân “đảo quốc sư tử” rất coi trọng việc đón Tết cổ truyền. Ngày Tết của người dân nơi đây thường kéo dài đến 15 ngày. Trong thời gian này, khắp nơi đều diễn ra các hoạt động vui xuân với các lễ hội lớn. Có thể kể đến như lễ hội hoa đăng; lễ hội River Hongbao; lễ hội đường phố Chingay.

Trong ngày Tết, người dân Singapore thường ăn bánh tang yuan (chè trôi nước) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Ngoài ra, mâm cỗ của họ cũng không thể thiếu các món ăn khác như yusheng (salad); chang shou mian (mỳ trường thọ),… Đặc biệt, điều thú vị trong dịpTết cổ truyền của người Singapore đó là họ rất thích ăn quýt và cá. Nguyên do là trong tiếng Hoa chữ “quýt” đọc gần với chữ “cát” trong “đại cát đại lợi”. Vì thế, ăn quýt có thể mang lại hạnh phúc, may mắn. Còn “cá” gần với chữ “dư” thể hiện sự dồi dào, dư dả.

Hàn Quốc

Tết cổ truyền của người Hàn được gọi là Seollal. Ngày xua đuổi những điều xui xẻo trong năm cũ để chào đón năm mới tốt lành. Vào sáng mùng 1 tháng Giêng, người Hàn Quốc thường có phong tục tắm rửa sạch sẽ. Sau đó họ sẽ mặc hanbok, uống rượu Gui Balki sool cho người tinh thông. Tiếp đến, họ sẽ thực hiện các nghi thức cúng tổ tiên.

Có hai nghi thức là Charye và Sebae. Charye là nghi lễ cúng tổ tiên do trưởng nam đứng ra làm lễ. Sebae là phong tục các con cháu bái lạy, mừng năm mới ông bà, cha mẹ. Sau đó, những người lớn sẽ thưởng tiền vàng, ngọc hay một món quà quý.

Mâm cỗ người Hàn thường bày biện đến 20 món. Món ăn không thể thiếu là tteokguk jeon (canh bánh gạo) và kim chi. Theo người Hàn, ăn món ăn này trong ngày Tết sẽ đem lại may mắn.

Mông Cổ

Ở Mông Cổ, người ta thường gọi Tết cổ truyền là Tết Bạch Nguyệt (Tsagaan Sar), kéo dài từ mùng 1 đến mùng 3. Đây là ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông và đón chào mùa xuân mới.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, từ ngày 23 tháng Chạp, người Mông Cổ đã dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại. Sau đó, họ sẽ tổ chức nghi thức cúng tế thần lửa. Vị thần tối cao trong tín ngưỡng Mông Cổ. Trong ngày đầu năm mới, tất cả nam giới sẽ lên ngọn đồi gần đó để cầu nguyện. Sau khi thực hiện xong, mỗi người sẽ chọn một hướng đi dựa theo tử vi để xuất hành. Vào những ngày Tết, họ sẽ mặc trang phục màu trắng bởi nó là biểu tượng của sự may mắn.

Ẩm thực ngày Tết của người Mông Cổ sẽ có những món đậm hương vị thảo nguyên. Những món này gồm cơm sữa đông, cơm nho khô và thịt cừu nướng. Một số nơi còn uống trà và ăn những món ăn từ sữa ngựa để tẩy sạch những tội lỗi của năm cũ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua