Có người lên lịch với chuyến hành hương. Có người dành thời gian viếng thăm hết những ngôi chùa trong địa phương… Dù cách hành lễ khác nhau nhưng tất cả đều hướng về một năm mới bình an và tràn đầy may mắn
Mỗi một con người đều có nhu cầu tìm hiểu về nguồn cội và đi tìm lại chính mình. Cũng bởi vậy mà ngay thời xa xưa, người Việt Nam đã chọn ngày Tết để tìm về nơi có thể mang lại sự thanh thản trong tâm hồn, cầu may mắn và hạnh phúc. Theo thời gian, nó đã trở thành nét văn hóa hành hương lễ Phật đầu năm của mọi người.
Hành hương nơi đất Phật chùa Hương
Cách Hà Nội khoảng 60km, chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức là một quần thể văn hóa tâm linh rộng lớn với rất nhiều ngôi chùa và đền đình khác nhau. Để đến đây, bạn sẽ có 2 phương tiện di chuyển chính là thuyền và cáp treo. Giá vé là 130.000 đồng/người, bao gồm phí tham quan và vé đò 2 lượt. Giá cho cáp treo khứ hồi là 160.000 đồng/vé cho người lớn và 100.000 đồng/vé cho trẻ em.
Khi di chuyển bằng thuyền, bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng để đến nơi. Xuôi thuyền theo dòng suối Yến, bạn sẽ được ngắm cảnh nước non Hương Sơn hữu tình với làn nước trong xanh, hai bên là những ngọn núi nhấp nhô. Khi thuyền cập bến Đục, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của chùa Thiên Trù. Đây cũng là nơi an cư và tu thiền nhập định của các nhà sư.
Sau đó, bạn sẽ lựa chọn giữa leo núi hoặc đi cáp treo để thăm động Hương Tích. Nơi từng được chúa Trịnh Sâm đặt tên là “Nam Thiên đệ nhất động”. Ở đây còn tọa lạc pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh được tạc thời từ Tây Sơn. Và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù và tên gọi kỳ lạ.
Hằng năm, lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất của Hà Nội và là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam. Hành hương chùa Hương dịp này, bạn có thể tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa của lễ hội. Có thể kể đến như: hội bơi thuyền, leo núi, hát chèo đò, hát văn,…
Thăm thú vùng đất Yên Tử linh thiêng
Khu du lịch tâm linh Yên Tử cách Hà Nội khoảng 110km. Vì vậy, nếu đi xe và xuất phát sớm, bạn có thể đi về trong ngày. Tuy nhiên, để chuyến tham quan được thảnh thơi, bạn nên nghỉ qua đêm ở đó. Điều này thực sự cần thiết đối với những gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ.
Để hành hương đến đỉnh núi Yên Tử, bạn có thể đi cáp treo hoặc đi bộ. Những người ưa thích mạo hiểm, khám phá thường chọn leo núi đường bộ với đoạn đường dài hơn 6km cùng hàng nghìn bậc đá. Đây cũng là cách các tín đồ hành hương lựa chọn. Vì họ luôn tâm niệm một lòng hướng Phật thì đức Phật sẽ gia hộ cho đôi chân của họ vượt mọi gian nan. Tuy nhiên, leo núi thường rất dễ mất sức. Thế nên bạn cần chuẩn bị cho mình nước uống và một chút đồ ăn nhẹ.
Trong khi đó, cũng có nhiều người chọn lựa cách đi cáp treo từ chân lên đỉnh núi Yên Tử. Khi lên đến đỉnh núi, điểm đến đầu tiên chính là chùa Đồng. Với ở độ cao 1.068m, nơi đây được coi là ngôi chùa cao nhất Việt Nam. Ngôi chùa này được đúc bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng hơn 70 tấn. Khi đứng trên đỉnh núi, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng Đông Bắc rộng lớn. Nhiều người truyền tai nhau rằng, nếu xát tiền vào cột, chuông hay các khánh ở chùa Đồng thì người xát sẽ gặp may mắn cả năm.
Những điển tích hấp dẫn tại Yên Tử
Sau khi tham quan chùa Đồng, bạn nên leo bộ xuống để tha hồ thăm viếng những địa danh còn lại như Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam. Và cũng là mái nhà học tập của các nhà sư, cư sĩ. Ở Yên Tử có rất nhiều chùa đền với các điển tích thú vị. Tháp Huệ Quang là nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông. Chùa Hoa Yên với diện tích lớn nhất trong khu di tích Yên Tử. Khi xưa từng là nơi Phật hoàng giảng đạo. Chùa Bảo Sái là nơi Phật hoàng niết bàn…
Lễ hội Xuân Yên Tử thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 (Âm lịch). Lúc này, hàng ngàn người đổ từ mọi nơi trên khắp cả nước về Yên Tử. Họ đến để du xuân, cầu nguyện cho gia đình, người thân gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Lưu ý:
– Khi hành hương viếng chùa bạn nên lưu ý cách ăn mặc. Tránh những trang phục phản cảm hoặc quá ngắn vì sẽ gây bất tiện và không phù hợp với chốn tâm linh.
– Dịp đầu năm, do nhiều gia đình hành hương nên sẽ rất đông đúc. Vì thế, bạn phải cẩn thận bảo quản tài sản và tư trang.
– Đến chùa bạn nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài. Hạn chế thắp hương bên trong chùa vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí.
– Không sắm vàng mã, tiền âm phủ để cúng Phật. Tiền thật không nên đặt ở bàn chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.
Tiếp Thị Gia Đình