Năm 2009, Bad Romance của Lady Gaga được phát ở khắp nơi. Người yêu điện ảnh đổ xô ra rạp để xem siêu phẩm Avatar của James Cameron. Thời điểm đó, âm nhạc, điện ảnh, truyền hình Âu Mỹ gần như thống trị. Nhưng dần về sau đã có sự thay đổi đáng chú ý: sự trỗi dậy của văn hoá đại chúng Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sự ảnh hưởng của văn hoá đại chúng Đông Á
Một thập kỷ trước, những bộ phim hoạt hình Nhật Bản như Pokémon và Digimon đã có được vị thế ở phương Tây. Lý Tiểu Long, Thành Long là những ngôi sao võ thuật được hàng triệu người hâm mộ. Các chuyên gia còn dùng từ “hallyu” để chỉ “sự lan truyền của văn hoá Hàn Quốc”. Bao gồm thời trang, mỹ phẩm, các bộ phim truyền hình và âm nhạc ở các nước khác, đặc biệt là ở châu Á.
Người ta hay nói “phương Đông đang đến”. Nhưng nó đã hiện diện từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, văn hoá đại chúng Đông Á mới thật sự cất cánh. Không chỉ còn một ngôi sao kung fu hay một bộ anime nữa, mà giờ đây là hàng loạt các sản phẩm khác của Đông Á. Phần lớn là nhờ sự phát triển của Internet và mạng xã hội.
Vũ đạo cuốn hút và thời trang bắt mắt của âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) là những yếu tố chính thu hút khán giả phương Tây. Nhưng không phải chỉ có vậy.
Văn hoá đại chúng Đông Á mang đến một thứ khác cho khán giả phương Tây, đó là sự đa dạng. Nhận thức văn hoá ở Mỹ cũng ngày càng thay đổi. K-pop là sản phẩm của Hàn Quốc, nhưng vẫn chứa đầy những ảnh hưởng của phương Tây. Vì vậy, khán giả phương Tây cảm thấy vừa quen vừa lạ, đa dạng hơn các sản phẩm trước đây.
Ảnh hưởng của văn hoá đại chúng Đông Á lan rộng
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại Mỹ, số lượng ghi danh vào các chương trình tiếng Nhật và tiếng Hàn tại Mỹ đã tăng nhanh trong giai đoạn 2013 – 2016. Thậm chí khi những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh đã giảm.
K-pop cũng giúp thúc đẩy lượng khách du lịch đến Hàn Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Hyundai, cứ 13 du khách thì có 1 du khách được nhóm BTS thu hút. Nếu nhóm nhạc này duy trì được phong độ thì họ sẽ đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc 56.16 nghìn tỷ won (khoảng 48 triệu đô) trước năm 2023.
Với dân số 51 triệu người, Hàn Quốc không có thị trường đủ lớn cho ngành công nghiệp giải trí. Do đó, chính phủ Hàn đã ủng hộ việc lan truyền văn hoá đại chúng đất nước. Họ xem đây là phương tiện để có được sức mạnh mềm và nâng cao danh tiếng quốc gia.
Tương lai sẽ ra sao?
Các chuyên gia dự đoán rằng các sản phẩm văn hoá của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong thập kỷ tới. Câu hỏi lớn nhất hiện giờ là dành cho Trung Quốc.
Một thập kỷ trước, nền kinh tế và chính trị của Trung Quốc ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới. Nhưng những năm gần đây, nó hiếm khi xuất hiện trong văn hoá đại chúng phương Tây.
Chẳng hạn như, Wolf Warrior 2 (Chiến Lang 2) là bộ phim hành động có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc vào năm 2017 (854 triệu đô). Nhưng khi công chiếu tại các nước khác trên thế giới nó chỉ mang về 16 triệu đô.
Nguyên nhân chính là do chính các công ty giải trí ở Trung Quốc cũng không có nhu cầu tìm kiếm khách hàng nước ngoài. Bởi Trung Quốc là đất nước đông dân nhất thế giới. Và nó vốn dĩ đã là thị trường lớn và tiềm năng nhất.
Một nguyên nhân khác chính là sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với truyền thông, văn hoá và báo chí. Diễn viên có hình xăm không được xuất hiện trên màn ảnh. Lời bài hát bị kiểm duyệt. Nam nghệ sĩ xuất hiện với vẻ ngoài nữ tính cũng sẽ bị chỉ trích. Chính vì thế, thật khó để tưởng tượng được ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc có được sức ảnh hưởng như văn hoá đại chúng Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: CNN