Không chỉ có các hoạt động công nghiệp, phương tiện giao thông thải ra khí CO2 làm hại môi trường. Mà kể cả những việc làm trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi người cũng góp phần vào việc này. Để xác định tác động đó, các chuyên gia đã đặt ra khái niệm dấu chân carbon (carbon footprint).
Dấu chân carbon là gì?
Dấu chân carbon là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do một người tạo ra, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Lượng khí thải này được sinh ra bởi những hành động hàng ngày. Nếu con số này càng lớn thì tác động của bạn vào môi trường càng mạnh.
Phát thải trực tiếp là khi chúng ta lái xe, sử dụng thiết bị điện. Gián tiếp là sử dụng bất kể một thứ gì đó mà dùng năng lượng để sản xuất ra chẳng hạn như quần áo, đồ ăn…
Dấu chân carbon mà mỗi người để lại rất khác nhau. Người dân ở các nước phát triển sẽ để lại dấu chân carbon nhiều hơn các nước đang phát triển. Các hoạt động khác nhau cũng để lại những dấu chân carbon khác nhau. Chẳng hạn, đi máy bay có thể tạo ra dấu chân carbon lớn trong ngắn hạn. Trong khi mua một chiếc ô tô có thể để lại dấu chân carbon qua nhiều năm, phụ thuộc vào tần suất sử dụng chiếc xe.
Những cách để giảm thiểu dấu chân carbon
Sử dụng đồ tái chế
Hãy tái chế mọi thứ có thể, từ giấy, lon kim loại, hộp, chai nhựa… Bạn có thể đi chợ, đi siêu thị bằng túi nilon đã qua sử dụng nhưng còn sạch. Hoặc dùng túi vải, vừa bền, an toàn lại có thể dùng đi dùng lại nhiều lần.
Tiết kiệm nguồn nước và năng lượng
Hãy sử dụng lại nước xám cho những hoạt động không yêu cầu chất lượng nước như xả bồn cầu, tưới cây,… Sử dụng nước xám để tưới cây không chỉ là một cách để tiết kiệm nước sạch mà còn giảm được hoá đơn tiền nước.
Tiết kiệm điện bằng cách sử dụng đèn huỳnh quang compact. Bên cạnh đó, hãy luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho các thiết bị máy móc. Bởi khi bẩn chúng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, đặc biệt là máy điều hoà.
Tắt các thiết bị điện, rút ổ cắm khi không sử dụng cũng là cách giảm thiểu dấu chân carbon. Thực chất một thiết bị sạc pin cắm vào ổ điện nhưng không dùng còn tiêu tốn nhiều điện hơn cả lúc bạn đang sử dụng.
Sống xanh tại nơi làm việc
Tại nơi làm việc, đừng in tài liệu một cách tràn lan khi không sử dụng. Và hãy in hai mặt để tiết kiệm giấy. Nếu có thể, hãy chuẩn bị đồ ăn trưa mang đi làm và ly take-away để giảm thiểu túi nilon, hộp nhựa, ly nhựa khi phải mua từ bên ngoài.
Ngoài ra, lựa chọn phương tiện đi lại đến nơi làm việc một cách phù hợp nhất cũng là cách tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu dấu chân carbon hiệu quả.
Xây dựng chế độ ăn bền vững hơn
Loại thực phẩm gây ra dấu chân carbon lớn nhất là sữa bò và thịt bò. Vì vậy, thay vì ăn các sản phẩm có chứa sữa bò như sữa chua, phô mai, bơ. Bạn có thể thay thế bằng sữa chua từ sữa dừa, sữa hạnh nhân, socola thuần. Bên cạnh đó, những sản phẩm thay thế sữa này còn thích hợp với người ăn kiêng hơn.
Trồng nhiều cây xanh
Và cuối cùng không thể không nhắc đến việc trồng cây. Mỗi một cây xanh tiêu thụ gần 24kg khí CO2/năm. Do đó, mỗi người chỉ cần góp sức nhỏ bé trồng một cây xanh cũng đã gióp phần bảo vệ trái đất khỏi bị ô nhiễm môi trường. Đây chính là cách thiết thực nhất để giảm dấu chân carbon.
Bạn có thể trồng cây ở vườn, trước nhà, hoặc thậm chí là những chậu cây nhỏ ở trên bàn làm việc, phòng khách. Cây xanh không những mang đến bầu không khí trong lành, giúp tinh thần sảng khoái. Mà còn giúp trang trí nhà cửa, bàn làm việc của bạn phong phú hơn.
Tiếp Thị Gia Đình