Nền công nghệ Nhật Bản phát triển như vũ bão. Thế nhưng, người Nhật vẫn dành tình yêu mãnh liệt cho những giá trị xưa cũ.
Nippori nổi tiếng là “thị trấn cổ xưa” giữa lòng Tokyo sầm uất. Giữa hàng trăm cửa hàng retro ở đây có một tiệm bán máy ảnh từ năm 2016. Trong cửa hàng này, không có chiếc máy ảnh nào thuộc đời mới. Tất cả đều là những chiếc máy ảnh xưa cũ, phảng phất sự hoài cổ một thời.
Công nghệ Nhật Bản hướng đến tương lai, nhưng con người vẫn nhìn về những giá trị trong quá khứ
Nhật Bản thường được xem là một đất nước “hi-tech”. Máy Walkman của Sony, băng game Nintendo, điện thoại di động, mã QR… là vài ví dụ của công nghệ Nhật Bản ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới.
Ngân sách để nghiên cứu và phát triển công nghệ của Nhật đứng thứ 3 trên thế giới. Sau Mỹ và Trung Quốc. Các sản phẩm công nghệ của Nhật có mặt trên khắp toàn cầu. Từ thiết bị điện gia dụng, robot, xe hơi cho đến sự phát triển của công nghệ vũ trụ.
Không có đất nước nào có nền công nghệ phát triển như vũ bão như Nhật Bản. Và cũng không có đất nước nào có những sân chơi đậm chất hoài cổ như đất nước này. Những năm gần đây, giới trẻ Nhật không còn hướng đến công nghệ tiên tiến. Thay vào đó, họ lại trở về với công nghệ analog (dùng tín hiệu tương tự) và nhạc lo-fi (low fidelity).
Tại Nippori có một cửa hàng máy ảnh tên Mitsuba-dou, chuyên về sửa chữa và bán lại những chiếc máy ảnh cũ. Cửa hàng này không hề có chiếc máy ảnh mới nào. Chủ cửa hàng là chàng trai trẻ Shinichiro Inada. Anh chia sẻ, khách hàng ở đây bao gồm những nhiếp ảnh gia đã chụp máy film với số năm bằng phân nửa đời người, cho đến những người chưa từng chạm vào máy film bao giờ. Nhưng đa số là những người trẻ từ 10 – 20 tuổi. Những bức ảnh với màu sắc thơ mộng trên Instagram dường như đã khiến giới trẻ ngày càng chuộng máy film hơn.
Thiên đường dành cho những người yêu công nghệ analog
“Nhật Bản là thiên đường dành cho những ai yêu công nghệ analog.” Bellamy Hunt – chủ cửa hàng của Japan Camera Hunter nói.
Hunt là một người đến từ Anh và đam mê máy ảnh film. Anh đã chuyển đến sống tại khu phố Kichijoji, Tokyo và mở tiệm máy ảnh của riêng mình. Trước đó, anh đã dành 2 năm làm việc tại một cửa hàng máy ảnh nổi tiếng. Anh nhận ra, chính sự cầu toàn và kĩ tính của người Nhật mà chất lượng máy film ở đây rất khác. Hầu hết những người đam mê máy film ngày nay đều mua lại từ những cửa hàng second-hand. So với các máy film có sẵn trên thế giới, những chiếc máy film second-hand ở Nhật đều còn rất mới và hiếm khi bị thiếu linh kiện.
Hunt nói rằng “khả năng tiếp cận” chính là nét đặc trưng trong văn hoá chơi máy film của Nhật. Trong vài thập kỉ qua, máy film không chỉ được ưa chuộng bởi giới nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mà còn lan rộng trong giới trẻ thông thường. Cả cheki (biệt danh của máy film lấy liền theo phong cách Polaroid) và utsurundesu (máy film chỉ dùng một lần) đều có giá cả phải chăng. Và chúng đã được bán rất chạy từ khi có mặt trên thị trường 20 năm về trước. Tại những thành phố lớn, máy film có mặt ở cả những siêu thị điện máy lẫn những cửa hàng second-hand, tạo điều kiện cho bất cứ du khách nào cũng có thể mua được.
Băng cassette “tái sinh” giữa thời đại số hoá trong công nghệ Nhật Bản
Không chỉ có máy film, mà đĩa băng cassette cũng là một nét văn hoá đặc trưng của Nhật. Nằm giữa những con đường trong khu phố Nakameguro, Tokyo là một cửa hàng bán băng cassette tên Waltz. Khai trương từ năm 2015, Waltz có hơn 6,000 băng cassette. Trái ngược với nội thất bằng gỗ độc đáo, những chiếc bìa băng cassette đầy màu sắc và sáng bóng lại không có chút retro hay hoài cổ nào. Waltz cũng có bán những chiếc băng cassette second-hand, nhưng mặt hàng chính của cửa hàng vẫn là những chiếc băng mới.
Taro Tsunoda – chủ cửa hàng của Waltz chia sẻ:
“Băng cassette không phải là vật dụng cũ từ quá khứ. Nó là một phần của nền văn hoá âm nhạc mới và đang ngày càng được lan rộng.”
Tsunoda nói, từ năm 2010, một lượng lớn nghệ sĩ, chủ yếu đến từ Bờ Tây Hoa Kỳ, đã cho ra mắt lại những tác phẩm ở hình thức băng cassette. Nhờ đó, băng cassette trở nên phổ biến và lại được trân trọng.
Hơn phân nửa khách hàng đến Waltz là người nước ngoài. Không chỉ có những người làm trong nền công nghiệp âm nhạc, khách hàng đến đây còn có những chuyên gia trong giới thời trang và các nhà thiết kế. Năm 2017, Waltz được gọi là “Gucci Place”, ngụ ý cửa hàng này là một trong những nơi đã truyền cảm hứng cho thương hiệu thời trang cao cấp.
“Băng cassette có sự hấp dẫn kì lạ. Với sự bùng nổ của công nghệ số hoá và trực tuyến, âm nhạc đang dần đi vào ‘hư không’. Nhưng tôi tin rằng âm nhạc nên là một thứ hữu hình. Một thứ gì đó mà bạn có thể chạm vào, nhìn thấy và cảm nhận sự rung cảm mà nó mang lại. Bạn không thể nào trải nghiệm được điều đó nếu thiếu đi băng cassette.”
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: BBC