ClearSpace-1 là máy dọn rác vũ trụ khổng lồ đầu tiên trong lịch sử. Chiếc máy này sẽ sử dụng hệ thống Pac-Man để thu giữ và dọn dẹp rác trong không gian.
Hợp đồng hàng trăm triệu euro
Sau một quá trình đấu thầu đầy cạnh tranh, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đã kí được hợp đồng với một liên doanh thương mại, mà đứng sau đó là công ty startup ClearSpace của Thuỵ Sĩ. Đội ngũ của ClearSpace là những chuyên gia nghiên cứu về rác thải trong không gian, đến từ Viện Công Nghệ tại Lausanne (EPFL).
Hợp đồng với ClearSpace “ngốn” của ESA khoảng 100 triệu euro (84.3 triệu bảng Anh). Tuy nhiên, ESA chỉ trả tiền để ClearSpace thực hiện nhiệm vụ. Còn cách thức như thế nào thì ESA không can thiệp. Bằng cách này, ESA hy vọng có thể tạo ra một thị trường thương mại dành cho những nhiệm vụ dọn rác vũ trụ với chi phí tương đối thấp.
Sứ mệnh đầu tiên trong việc dọn rác vũ trụ
Nghiên cứu về rác vũ trụ bắt đầu vào cuối những năm 1970. Khi đó, nhà khoa học Donald Kessler của NASA cảnh báo sẽ có ngày rác vũ trụ nhiều đến nỗi cứ phóng vệ tinh vào không gian thì sẽ va chạm vào vật thể khác.
ClearSpace-1 được lên kế hoạch sẽ được đưa ra ngoài vũ trụ vào năm 2025. Hiện tại, ESA đang trong giai đoạn nước rút hoàn chỉnh máy dọn rác tự động với thiết kế 4 tay cực lớn.
Đây sẽ là sứ mệnh đầu tiên trong việc dọn rác vũ trụ. Nhiệm vụ trước tiên của ClearSpace là dọn mẩu rác có tên Vespa, được để lại sau một sứ mệnh của ESA vào năm 2013.
Vespa nặng khoảng 100kg, nằm ở độ cao 800km. Vespa có kích thước tương đối nhỏ và cấu tạo đơn giản. Vì thế nó phù hợp để làm mục tiêu đầu tiên trong sứ mệnh dọn rác vũ trụ. Theo kế hoạch, Vespa sẽ được đưa về Trái Đất và cho bốc cháy hoàn toàn trong khí quyển.
ESA cũng hy vọng ClearSpace sẽ mở đường cho nhiều chiến dịch dọn rác vũ trụ khác trong tương lai. Với những vật thể có kích thước lớn và cấu tạo phức tạp hơn.
Kêu gọi các quốc gia dọn rác vũ trụ
Theo Văn phòng Rác thải Không gian, trong hơn 60 năm qua, hơn 8,400 tấn rác thải vũ trụ đã được tích tụ xung quanh Trái Đất. Bao gồm những mảnh vỡ tên lửa, 3,500 vệ tinh chết. Ngoài ra còn có khoảng 750,000 mảnh rác nhỏ được tạo ra khi các vật thể va vào nhau.
Mới đây, ông Jan Worner – giám đốc điều hành ESA, đã kêu gọi các quốc gia cùng nhau thiết lập quy chuẩn mới khi phóng vật thể vào vũ trụ. Đồng thời yêu cầu trách nhiệm của những quốc gia này với việc dọn rác vũ trụ.
Năm 2016, các chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) cho rằng nếu việc dọn rác vũ trụ không được giải quyết, thì việc khám phá trong không gian có thể sẽ dừng lại hoàn toàn. Bởi các vật thể trong quỹ đạo gần Trái Đất sẽ bị mắc kẹt bởi thiết bị phế thải.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là “nạn nhân” thường xuyên của các mảnh vỡ kích thước nhỏ này. Trên quỹ đạo khoảng 330km, ISS nằm ngay độ cao có rất nhiều mảnh rác vũ trụ. Ngoài ra, kích thước lớn của ISS cũng khiến xác suất bị các mảnh rác va phải rất cao.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: The Guardian