Hình thức đóng trọn gói học phí trước 3 tháng, 6 tháng hay cả năm học không còn xa lạ với các phụ huynh. Đặc biệt là những người có con theo học ở các trường quốc tế tại Hà Nội, TP. HCM và một số thành phố lớn. Thời gan gần đây, nhiều hình thức hỗ trợ tài chính đã được một số trường đưa ra. Các gói đầu tư tài chính có số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Kèm theo là những lời cam kết chỉ nghe thôi cũng đủ làm nhiều bậc cha mẹ xiêu lòng.
Cụ thể như gói tài chính đặc biệt đang được một hệ thống trường quốc tế tại TP. HCM áp dụng. Lời giới thiệu giúp phụ huynh tiết kiệm lên đến 40% so với học phí niêm yết. Nếu đóng trước các gói chương trình 5, 9 hoặc 12 năm tùy vào độ tuổi nhập học của học sinh. Bên cạnh đó, phí thường niên sẽ không thay đổi trong suốt thời gian các bé tham gia chương trình.
Đóng trọn gói học phí, học sinh không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào
Trong suốt thời gian tham gia hợp đồng, học sinh sẽ không phải thanh toán học phí; và cũng không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của việc thay đổi học phí do nhà trường điều chỉnh. Kể cả các khoản thanh toán như tiền ăn, dịch vụ xe đưa rước và các khoản chi phí khác ngoài học phí: sách, đồng phục, nội trú, hoạt động ngoại khóa…
Tại một trường tiểu học và trung học quốc tế khác còn đưa ra gói tài chính giáo dục hấp dẫn hơn mang tên “Vững bước thành tài”. Trường sẽ hoàn trả 120% số tiền mà phụ huynh đầu tư ban đầu; sau khi học sinh hoàn thành 12 năm học tại trường. Trong quá trình học, học sinh không phải đóng bất kỳ khoản học phí nào.
Phụ huynh có thể lựa chọn gói đầu tư dành cho chương trình song ngữ (1 tỷ đồng) hoặc quốc tế (1,75 tỷ đồng). Theo nhân viên tư vấn của trường, nếu 1 tỷ đồng gửi ngân hàng, 12 năm sau ước tính tổng số tiền phụ huynh được khoảng 2 tỷ đồng. Tổng học phí 12 năm học khoảng 2,7 tỷ đồng, nên phụ huynh phải đóng thêm 700 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, sau 12 năm, phụ huynh được trường hoàn trả 1,2 tỷ đồng; không phải đóng 2,7 tỷ đồng học phí. Tổng tiền này khoảng 3,9 tỷ đồng. Mức chênh lệch phụ huynh “lời” lên đến 1,9 tỷ đồng.
Ai được lợi khi đóng trọn gói học phí 12 năm học? Phụ huynh hay nhà trường?
Chuyên gia tài chính Đỗ Thị Hướng Dương (nhà sáng lập và chủ tịch của DDP Group) nói: “Tôi không đồng tình ngay từ khi nghe câu hỏi.” Chị cũng đưa ra 3 quan điểm sẽ giúp các phụ huynh tìm ra câu trả lời của riêng mình.
Thứ nhất: Giáo dục là một ngành đặc biệt.
Kinh doanh trong ngành này cần xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh của mình rõ ràng và phải luôn bám sát chữ “Tâm” trong giá trị cốt lõi của bất kỳ sản phẩm giáo dục nào. Cả phụ huynh và nhà trường đều phải lấy “chất lượng giáo dục” làm trọng tâm. Cả hai phải hướng lợi ích về phía học sinh chứ không phải đưa ra bài toán cân bằng lợi ích giữa phụ huynh và nhà trường.
Thứ hai: Trường học trong vai nhà đầu tư giáo dục cũng không nên đưa gói giải pháp tài chính.
Nếu vì thiếu vốn thì không nên kêu gọi đầu tư ban đầu từ phụ huynh. Bởi giáo dục là một ngành cần đầu tư bài bản và đường dài. Bản thân ngành này cũng được rất nhiều ưu đãi như thuế, vốn vay, cấp đất…
Nhà đầu tư nên có giải pháp tài chính cho dự án của mình một cách chắc chắn ngay từ đầu thay vì trông chờ vào nguồn vốn huy động phụ thuộc vào khách hàng, cụ thể là phụ huynh. Đây là một phương án rủi ro quá lớn cho khách hàng.
Nếu với mục đích marketing thì cũng không nên bởi thông tin này sẽ làm phân tán đi các thông tin khác về chất lượng giáo dục khi khách hàng (phụ huynh) lựa chọn trường cho con.
Nếu vì mục đích hỗ trợ tài chính cho khách hàng thì lại không hiệu quả. Bởi đây là khoản trả trước chứ không phải trả góp. Người ta chỉ hỗ trợ tài chính khi khách hàng không có đủ tiền đóng học một lần hoặc không có tiền ngay tại thời điểm cần đóng phí.
Nếu để thu hút đầu tư nghĩa là thu hút tiền nhàn rỗi của phụ huynh và mang đi tái đầu tư thì lại phản tác dụng. Phụ huynh sẽ rất trăn trở việc nhà trường đầu tư trái ngành mà thua lỗ thì con mình sẽ “thất học” lúc nào không biết. Còn nếu nhà trường chỉ đơn giản đi gửi ngân hàng thì phụ huynh sẽ thích sổ tiết kiệm mang tên mình tại ngân hàng hơn là một hợp đồng học phí khó chuyển nhượng và khó rút tiền khi cần.
Nếu nhà trường coi việc đóng tiền trọn gói như một giải pháp bảo hiểm cho mức học phí tăng theo năm thì lại phản tác dụng. Các phụ huynh còn lại sẽ rất lo sợ khi cho con nhập học. Tâm lý phụ huynh là nghĩ đến sự ổn định cho con theo học tại trường hơn là việc chọn một trường tốt nhất thị trường. Họ lo sợ sự bấp bênh tài chính khiến con phải chuyển đổi môi trường học. Rất có thể họ sẽ chọn một ngôi trường công hoặc trường khác không có thay đổi lớn về học phí đến mức cần bảo hiểm.
Thứ ba: Phụ huynh đã kiếm được và tích lũy tiền tỷ khi con đang học cấp 1 thì họ cũng không phải là người có thu nhập thấp.
Thường thì họ là người biết kiếm tiền và có tri thức cao trong xã hội. Họ sẽ cảm thấy nghi ngờ chất lượng giáo dục, chất lượng quản trị của những người đưa ra một chiến lược tài chính không khả thi như vậy.
Vậy nên hay không nên đóng trọn gói học phí cả 12 năm học?
Sự an toàn, ổn định của con là điều quan trọng nhất. Trong quản lý cá nhân, góc nào thuộc về sức khỏe và con cái sẽ phải là góc không phụ thuộc vào bên thứ 3. Nếu bạn giao sự an toàn của con cho một đơn vị khác thì họ phải là người/đơn vị như thế nào?
Thêm vào đó, nhà trường là một pháp nhân, hoạt động trong ngành giáo dục và theo luật doanh nghiệp. Hợp đồng đóng phí là hợp đồng giữa nhà trường và phụ huynh và nó được chi phối bởi Luật dân sự. Nếu nhà trường quản trị kém và làm ăn thua lỗ, con bạn có chờ bạn thắng kiện, thu được tiền rồi mới đi học tiếp?
Nếu ý định thu lời từ khoản học phí này, bạn nên cân nhắc lại. Ngân hàng là tổ chức tài chính phải đóng bảo hiểm tiền gửi bắt buộc để bảo vệ người gửi tiền. Còn nhà trường thì không. Vậy nếu có tiền nhàn rỗi, thì bạn gửi ngân hàng hay gửi nhà trường?
Những rủi ro phụ huynh và học sinh có thể gặp phải khi đóng trọn gói học phí
Rủi ro lớn nhất là con bạn có thể được gửi gắm tại một đơn vị chưa điều hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Bởi nếu tốt, họ sẽ PR về chất lượng nhiều hơn là các giải pháp xung quanh.
Kế đến là con bạn có thể bị ảnh hưởng đến mức phải đổi môi trường học nếu nhà trường là đơn vị đầu tư kém chuyên nghiệp. Giả sử họ dùng tiền của bạn đi kinh doanh chỗ khác mà thất bại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chính của họ là đào tạo.
Rủi ro cuối cùng là có thể mất tiền vì nhiều lý do bên trên. Quyết định cuối cùng vẫn là ở bạn. Hãy nhớ, việc cần làm là đem lại cho con những gì tốt nhất để phát triển nên người!
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình