Đối với con trẻ, người cha, người mẹ tuyệt vời rất đơn giản. Chúng ta hãy cùng làm theo 24 cách làm cha mẹ tốt dưới đây nhé:
Đặt ra giới hạn thông minh
1. Trẻ em cần có giới hạn
Giới hạn giúp trẻ hiểu, khám phá thế giới với bao điều lạ lẫm và cả những nguy hiểm. Thể hiện tình yêu của bạn bằng cách đặt ranh giới trong mọi việc để con có thể khám phá thế giới một cách an toàn.
2. Dạy con tự lập
Nhiệm vụ của một đứa trẻ là học tính độc lập. Vì vậy, khi trẻ có khả năng nhặt đồ chơi, hãy để con tự nhặt. Khi trẻ có thể thay áo quần, hãy để con tự làm. Giao trách nhiệm cho trẻ là cách củng cố lòng tự trọng của trẻ và cho bạn thảnh thơi hơn.
3. Đừng cố sửa mọi thứ trẻ làm sai
Hãy chỉ hướng dẫn trẻ cách làm cho đúng, bởi đó là khi bạn trao cho con cơ hội để tìm giải pháp của mình.
4. Hãy nhớ rằng kỷ luật không phải là hình phạt
Kỷ luật không là đòn roi, là những lời mắng mỏ nặng nề. Kỷ luật là giới hạn. Đặt giới hạn thực sự là dạy trẻ cách cư xử đúng đắn và giúp con trở nên độc lập. Khi đó, trẻ sẽ có năng lực và biết tự điều chỉnh, kiểm soát cuộc đời của chính mình.
thời gian chất lượng
5. Thời gian chất lượng là thời gian bạn dành tuyệt đối cho con
Đó là khoảng thời gian không ti-vi, điện thoại, không có công việc hay người khác. Trong thời gian này, bạn chơi với con như những người bạn cùng tuổi. Hãy để con chọn hoạt động, cách chơi và bạn chỉ việc chơi cùng con.
6. Giữ thời gian đặc biệt này diễn ra đều đặn hàng ngày như một thói quen
Đây là cách tạo ra những kỷ niệm ấm áp. Con bạn không nhớ bất cứ điều gì bạn nói nhưng sẽ đem theo cả đời những khoảnh khắc cả nhà cùng chơi trên giường, cùng đọc sách hay đùa vui 10–15 phút mỗi tối.
7. Khai phá thời gian của cha
Đây là tài nguyên có sẵn mà chưa được khai thác, để cải thiện cuộc sống của con cái chúng ta. Trẻ em được chơi với cha học tốt hơn trong trường học, giải quyết vấn đề thành công hơn và đối phó tốt hơn với khó khăn.
Trở thành một hình mẫu tốt
8. Nếu bạn muốn con trở thành người như thế nào trong tương lai, bạn hãy trở thành người như thế ngay từ bây giờ. Trẻ học ngấm ngầm bằng cách bắt chước, noi gương chính “thần tượng” là cha mẹ mình. Đây là một trong những cách làm cha mẹ tốt.
9. Xin lỗi con nếu bạn chưa đúng
Đó là cách bạn giúp con biết vì sao phải xin lỗi, khi nào nên xin lỗi và xin lỗi như thế nào.
10. Sống xanh hơn
Bạn cho trẻ thấy việc chăm sóc, bảo vệ môi trường dễ dàng như thế nào. Đơn giản là bỏ rác đúng nơi quy định; không lãng phí thực phẩm, nước, điện, hạn chế bao ni-lông, tái sử dụng đồ cũ; tưới nước, trồng thêm cây xanh, ăn sạch, ở sạch. Thú vị và thực tế hơn là cả nhà hãy dành một buổi chiều trong tuần để nhặt rác quanh khu phố.
11. Luôn luôn nói sự thật
Thành thật là tính cách bậc phụ huynh nào cũng muốn trao cho con khi vào đời.
12. Hôn và ôm bạn đời của bạn trước mặt con
Cuộc hôn nhân của bạn là ví dụ để con hình dung về một mối quan hệ thân mật, biết cách yêu và thể hiện tình yêu.
13. Tôn trọng sự khác biệt về nuôi dạy con cái của bạn đời, trừ khi đó là cách không phù hợp. Việc phê phán nhau không chỉ gây hại cho hôn nhân mà còn tạo ra cảm giác bất an nơi con bạn.
Cách làm cha mẹ tốt: Hãy là chính mình
14. Nghỉ ngơi bạn nhé!
Mệt mỏi quá, bạn có quyền đi ăn nhà hàng. Bạn không trở thành cha mẹ xấu chỉ vì không nấu ăn cho con. Nếu bạn cố, sự mệt mỏi sẽ biến bạn thành “cha mẹ xấu”.
15. Tin tưởng bản năng của bạn
Không ai hiểu con bạn tốt hơn bạn. Nếu bạn cảm thấy sức khỏe và tâm lý con có vấn đề, có thể bạn đúng.
16. Nói không với việc nhận thêm việc về nhà hay trở thành nữ hoàng tình nguyện ở trường học của con. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã dành nhiều thời gian với con.
17. Tuyệt đối không chấp nhận sự thiếu tôn trọng từ con bạn. Không bao giờ cho phép con thô lỗ hoặc nói những điều gây tổn thương bạn hoặc người khác.
18. Huy động mọi thành viên trong gia đình hoặc người giữ trẻ vào việc chăm sóc con. Bạn sẽ có thêm thời gian cho mình. Người biết chăm sóc bản thân mình thường biết cách chăm sóc tốt cho những người khác.
Quên gì thì quên, chớ quên dạy kỹ năng
19. Hãy hỏi con bạn ít nhất ba câu hỏi mỗi ngày
Ví dụ: “Hôm nay ở trường có vui không con?”, “Con có chuyện gì muốn kể với mẹ không? Hoặc “Con muốn đi đâu vào chiều mai?”. Đấy là bạn đang dạy con kỹ năng chia sẻ và giao tiếp.
20. Bạn nhắc con rằng, luôn nhìn vào mắt của một người khi nói chuyện. Giao tiếp bằng mắt sẽ giúp một đứa trẻ nhút nhát trở nên tự tin và giao tiếp thành công.
21. Thừa nhận cảm xúc của con bạn
Khi con đang giận dữ, hãy chờ cơn giận nguôi xuống và hỏi con: “Cảm giác đó thế nào?” và “Con nghĩ điều gì sẽ làm con thấy tốt hơn?”. Để con nói ra cơn giận sẽ giúp con vượt qua điều này dễ dàng hơn.
22. Nói “Mẹ/Cha yêu con”
Không có giới hạn số lần bạn nói. Bạn cứ nói, nói thật nhiều nếu bạn cảm thấy cần nói. Nó giúp con bạn thấy hạnh phúc và an toàn.
23. Trẻ không mãi mãi là của bạn
Rồi con sẽ lớn và xa rời vòng tay cha mẹ. Nước mắt chảy xuôi. Vì thế hãy nói yêu thương bất cứ khi nào có thể.
24. Tận hưởng những khoảnh khắc vui cười bên con
Đấy là lúc bạn quên hết mệt mỏi, chỉ muốn ôm con vào lòng và trao đi thật nhiều yêu thương.
Bài: THỊNH PHÚ
Tiếp Thị Gia Đình