Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch: Tôi chọn sự gai góc

Nguyễn Ngọc Thạch là một trong số những cây bút trẻ thành công có sách bán chạy nhất hiện nay. Anh cũng là một KOL có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội

Nhìn vào tốc độ viết và tốc độ tiêu thụ sách của Nguyễn Ngọc Thạch thì bất cứ nhà văn trẻ nào cũng mơ ước. Để đi đến thành công của ngày hôm nay, anh đã có những niềm tin và lựa chọn không hề dễ dãi. TTGĐ đã có buổi phỏng vấn vị giám khảo nam duy nhất của cuộc thi Truyện ngắn hay trên TTGĐ 2018.


Quan trọng nhất là dám viết

Điều gì thôi thúc anh cầm bút và trở thành nhà văn?
Hành trình để trở thành người viết của tôi bắt đầu bằng việc… rất rảnh nên có thời gian để quan sát xã hội và tự suy diễn ra những câu chuyện đằng sau những gì mình thấy. Ví dụ đơn giản nhất là nếu có một trái táo trên cây; Newton sẽ tìm ra luật vạn vật hấp dẫn, Steve Jobs nghĩ đến Apple; thì một người viết sẽ thấy con sâu bên trong trái táo, rồi tưởng tượng ra đời sống của con sâu đó khi thành bướm và cất cánh tung bay như thế nào… Cái thôi thúc để được kể câu chuyện đó lại là động lực khiến mình thành một người viết.

Bản tính của anh rất mạnh và thẳng thừng, chủ động và luôn nói thẳng vào vấn đề dù nó nhạy cảm đến đâu. Điều đó có mang lại rắc rối cho anh?
Nó mang đến rắc rối chứ nhưng quan trọng là cách mình nhìn nhận vấn đề đó thế nào. Nếu không có cá tính mạnh; không dám đối diện với những mảng tối của xã hội thì tôi đã không chọn những đề tài gai góc như đồng tính, mại dâm; hay những góc khuất của con người trong xã hội hiện đại. Nếu không chọn những đề tài đó; tôi đã không tạo ra được dấu ấn trong văn đàn để khi người ta nhớ về Nguyễn Ngọc Thạch; họ nhớ là tác giả của những chủ đề gai góc và lối kể chuyện mộc mạc nhưng dữ dội.

Khi đã nổi tiếng, việc viết lách là động lực hay áp lực? Phần thưởng lớn nhất của người viết văn là gì?
Chúng ta phải định nghĩa thế nào là nổi tiếng cho một người viết nhỉ? Phải đạt giải thưởng ở cuộc thi nào đó? Sách bán được 10 ngàn bản là nổi tiếng? Status có 2000 likes là nổi tiếng? Bạn định nghĩa nổi tiếng bằng cách nào; thì đó sẽ là áp lực cho bạn.

Đã in 5.000 bản sách thì cuốn sau sẽ muốn in được 6.000. Còn nếu cho rằng viết chỉ đơn thuần là để trút nỗi lòng ra thì nó nhẹ nhàng và đơn giản hơn nhiều.

Với tôi, phần thưởng lớn nhất của người viết văn là cảm giác sung sướng; hạnh phúc khi được tự tay tạo ra một thế giới mà trong đó; con người sống cùng nhau, đau khổ cùng nhau; hạnh phúc cùng nhau và bạn là người điều khiển vận mệnh của nhân vật. Bạn là Chúa Trời trong thế giới đó… Đó thật sự là một cảm giác không biết phải diễn tả thế nào cho dễ hiểu.

Anh có hạnh phúc hơn khi thành công trên văn đàn?
Dĩ nhiên tôi hạnh phúc hơn; nhất là khi chứng kiến những gì mình viết giúp cho những bạn trẻ đang bế tắc tìm được một con đường đi; giúp những kẻ cô đơn vẫn tìm thấy niềm vui nơi khác, giúp những kẻ thất tình đứng dậy mạnh mẽ hơn, giúp người đang vui phải nếm trải chút cô đơn và đắng cay…

Nhà văn luôn có những nỗi ám ảnh và những khoảng trống tự thân, điều đó là một khoái cảm?
Với mình, những nỗi ám ảnh và những khoảng trống tự thân đó chính là hạnh phúc của một người chọn nghiệp viết lách là con đường để chinh phục. Hãy nhìn lại những đại thi hào tự cổ chí kim; các tác phẩm của họ đều đến từ giai đoạn cuộc đời họ rơi vào đáy vực của nghèo túng; cô đơn và bế tắc. Vì vậy, những người cầm bút mưu sinh; nên tận hưởng nỗi cô đơn và thống khổ đi.

Có sức ảnh hưởng đến giới trẻ, anh có suy nghĩ về trách nhiệm của mình khi viết không – hay anh vẫn chiều theo cái tôi của mình nhất?
Chiều chuộng độc giả không phải con đường tôi chọn; nhưng vẫn có lúc phải làm theo. Có những cuốn viết theo xu thế thị trường; viết rất nhanh, bán rất tốt, nhưng tôi lại thấy chưa đã. Có những tác phẩm lại mất hai ba năm để hoàn thành; in số lượng ít, nhưng buổi giao lưu lại có người đứng dậy; bật khóc hỏi “vì sao anh để nhân vật chết như vậy”; đó là lúc cái tôi của mình được thăng hoa. Tôi vẫn cố cân bằng giữa cả hai.

Cuộc thi truyện ngắn Tiếp Thị Gia Đình 2018

Anh nghĩ điều cần có nhất của một nhà văn là gì?
Tôi nghĩ quan trọng nhất với một nhà văn, chính là dám viết. Để trở thành một nhà văn; bạn phải dám viết và bày tỏ cảm xúc, quan điểm, câu chuyện đã… rồi hẵng tính tới những thứ khác. Khi đưa tác phẩm của mình ra cho người khác đọc; là lúc bạn bắt đầu hiểu được bản thân mình thiếu gì và bắt đầu bù khuyết. Nếu chưa công bố tác phẩm với công chúng; bạn chưa phải nhà văn.

Xã hội đang xảy ra những đổ gãy ở giá trị tinh thần và văn hóa, người ta dễ ác và hung hăng với nhau hơn… Anh chọn tâm thế sống và viết lúc này ra sao?
Mỗi sáng thức dậy, điều khiến mình vui nhất chính là thấy bản thân còn thật ngu dại trước cuộc đời và sẽ còn học được rất nhiều thứ. Nếu như người ta dễ ác với nhau; mình sẽ hỏi tại sao họ lại có thể như vậy? Quan sát để tìm hiểu về con người; về những phần sâu nhất trong bản ngã của họ là cách mình chọn để sống và viết lúc này.

Anh dành tình yêu rất lớn cho Sài Gòn, vì sao vậy?
Vì mình sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, gia đình mình ở đây; mối tình đầu ở đây, người yêu mình ở đây; tất tần tật buồn vui của mình đều gắn với nơi này; thử hỏi không yêu nó thì phải làm thế nào?

Vì sao anh nhận lời làm giám khảo cuộc thi truyện ngắn hay 2018 trên tạp chí TTGĐ?
Vì tôi được… mời! Ban đầu còn ngần ngại, nhưng mình tin rằng đây là cơ hội để cho các bạn trẻ được viết và thông qua câu chuyện đó để thể hiện cảm xúc, quan điểm và một phần cuộc đời họ. Và việc nhìn ngắm những tác phẩm mang dấu chỉ cá nhân đó, cho mình niềm phấn khích rất kỳ lạ.

Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ mới bước vào văn chương nói chung và cuộc thi này nói riêng?
Viết đi, đừng sợ!

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua