Những ngày ở thảo nguyên du lịch Mông Cổ là những ngày đặc biệt và lạ lùng, nhưng cũng đầy ắp trong tôi bao cảm xúc đời thường dịu nhẹ.
Chuẩn bị cho hành trình dọc miền Trung lên phía Bắc du lịch Mông Cổ, đoàn chúng tôi cẩn thận mang theo hơn 35kg thực phẩm. Tuy đã lường trước những thiếu thốn nơi thảo nguyên kỹ càng đến thế, nhưng khi đặt chân đến nơi đây, chúng tôi lại tự nguyện giao phó bản thân cho đất trời.
Tối, cả đoàn cuộn tròn trong túi ngủ. Sáng, cả bọn vục vào bờ suối rửa mặt. Chập choạng, đoàn lại dừng chân bên ánh lửa trại bập bùng.
Du lịch Mông Cổ: Hòa vào thảo nguyên
Từng đi Bhutan cùng nhau nhưng tôi và hội bạn vẫn bồn chồn. Chúng tôi mất cả nửa năm trời chuẩn bị cho hành trình du lịch Mông Cổ. Tìm hiểu kỹ càng, cả bọn không ngại vác theo rau, củ, quả trên đường “bôn tẩu”.
Nhưng du lịch Mông Cổ lại là một câu chuyện khác, rất khác với Bhutan. Dân số Mông Cổ chưa tới một nửa dân số Hà Nội, nhưng diện tích lại rộng gấp năm lần Việt Nam. Nơi đây, mật độ sống của người dân thưa nhất thế giới.
Ngày đầu tiên, mười người chúng tôi lên đường trong cảm giác hồi hộp khó tả. Thủ đô Ulaanbaatar chào đón tôi với ba “chiến mã” địa hình: hai xe Land Cruiser và một xe Lexus để nhóm tự lái. Đoàn tôi có đến 5 người phục vụ gồm cả hướng dẫn viên, lái xe, đầu bếp…
Dĩ nhiên, các chiến mã thực sự – ngựa thảo nguyên cũng đã sẵn sàng dọc hành trình xuyên 8 trong tổng số 21 tỉnh, thành của Mông Cổ lần này.
Trong hành trình, tôi cảm tưởng mình đã dùng hết mọi phương tiện bản thân có thể sử dụng trong một đời. Chúng tôi hết leo lên máy bay; lái xe lội nước rồi lại phi ngựa; cưỡi lạc đà và… đi bộ. Mỗi ngày, chúng tôi chọn một thử thách mới với những phương tiện di chuyển kể trên.
Nhẩm sơ, hàng ngày. đoàn chúng tôi dịch chuyển khoảng 300–500 cây số. Trong suốt chuyến đi, tôi vượt 2.500 cây số từ miền Trung lên phía Bắc. Cứ thế, mười ngày quăng mình vào thảo nguyên săn mây săn nắng; cảm xúc len đầy lồng ngực như thể tôi phải sống mười năm đời thường mới gom được như vậy.
Bí quyết rất đơn giản: chúng tôi đã trải nghiệm du lịch Mông Cổ theo cốt cách truyền đời của người du mục: để ngẫu hứng dẫn dắt. Có lúc, tôi thấy mình như một chiến binh với đôi cánh chim đại bàng dang rộng giữa cố đô Khakhorin. Có lúc, tâm hồn tôi bay bổng như thi sĩ khi đi qua cả bốn mùa, nghênh diện nắng vàng và gió rét.
Mới hôm nào còn trong thành phố, nhưng một sát na sau, trước mặt tôi đã là thảo nguyên mênh mông, với tiếng gió sa mạc dạo đàn trên cát.
Này cô gái
Có cần chọn một nơi
Đẹp đến nhường này
Để buộc lại dây giầy không nhỉ?
Hồng Quyên, cô bạn thân và người bạn đường của tôi thốt lên những lời thơ như vậy trong đêm trăng sáng bên hồ Khuvsgul, ở phía Tây Bắc Mông Cổ, giáp biên giới Nga. Người ta còn gọi Khuvsgul là Hồ Xanh; với khối nước ngọt dự trữ đứng thứ nhì châu Á. Bể nước ngọt này đã và đang nuôi sống bộ lạc Tsaatan Dukha cuối cùng – bộ lạc có cuộc sống gắn liền với tuần lộc hàng nghìn năm nay.
Người Tsaatan, chọn lối sống du mục cư trú. Họ không rời đến nơi ấm hơn mà chọn ở lại rừng Taiga lạnh giá – môi trường sống thích hợp nhất cho loài tuần lộc.
Chính tôi đã soi mình xuống biết bao hồ xanh ở Cửu Trại Câu, Nội Mông, Tây Tạng… nhưng khi ngồi trên cano dạo Hồ Xanh; tôi vẫn sững sờ trước viên ngọc bích diễm lệ treo trên độ cao 1.645m so với mặt nước biển này. Một người trong đoàn giơ máy ảnh lên, thầm thì: “Đẹp hơn cả cổ tích”.
Du lịch Mông Cổ: Nhập lều
Tôi đã nhìn thấy nhiều kiểu trại của người du mục. Tôi từng ngủ lều trong khu tự trị của người Mông Cổ; nằm ở phía Bắc Trung Quốc. Nhưng đó là thứ lều cao cấp; sắp xếp có chủ đích phục vụ tour du lịch; nên tiện nghi hiện đại. Còn ở đây, giữa lòng Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn kiêu hùng một thuở, chúng tôi ngủ lều Ger của người du mục. Cảm giác khác hẳn!
Nơi này không có bóng dáng của đời sống hiện đại như điện thoại, tivi, tủ lạnh. Bên trong lều chỉ có giường ngủ và góc sưởi củi. Người dân dặn chúng tôi không được đóng cửa Ger. Vì đến nửa đêm; khi chúng tôi đang say giấc, sẽ có người âm thầm vào trong lều để thêm củi, giữ lửa ấm cả đêm.
Ngoài Ger trắng, chúng tôi còn thích thú ngắm những ngôi nhà gỗ mái ngói sơn sặc sỡ theo màu quốc kì Mông Cổ. Nhiều người phàn nàn” rằng Ulaanbaatar mang tiếng là thủ đô mà kiến trúc chẳng có gì để ngắm. Nhà cửa không có phong cách riêng; cả thành phố chỉ mọc lên một khách sạn 5 sao. Ấy thế nhưng, nhìn những chiếc lều Ger như nấm mọc lên trên đồng cỏ hài hòa đến vậy, thì tôi nghĩ ai mà thèm thứ kiến trúc nhân tạo nặng nề khác xen vào?
Có lúc đang đi, chúng tôi nổi hứng xin vào thăm lều trại của người dân sống bên đường. Nghe tiếng xe chạy vào, lũ chó đánh hơi sủa inh ỏi. Chủ nhà, cũng là chủ đàn gia súc lớn xuất hiện. Người dân ở đây đặc biệt hiếu khách; họ mời ngay chúng tôi vào lều. Thay vì pha trà, họ mang sữa dê hoặc sữa ngựa và pho mát ra đãi khách. Mười ngày ở thảo nguyên, thực đơn của chúng tôi có khi còn nhiều rau củ quả hơn số lượng thực vật một gia đình Mông Cổ tiêu thụ cả năm.
Thời tiết khắc nghiệt, người Mông Cổ sở hữu đất rộng nhưng hầu như không làm vườn, ít trồng cây ăn quả. Vậy mà họ vẫn mạnh khỏe, cường tráng và sống phóng khoáng vui vẻ đến nhường này.
Tôi thắc mắc, sao họ không phải vật vã cân bằng bữa ăn đủ dinh dưỡng hay lo detox, lowcarb như chúng ta? Và còn nữa, điều gì khiến những đứa trẻ trên thảo nguyên; này đều trong trẻo, tràn đầy sức sống? Còn quá ít tuổi nhưng chúng có thể làm được quá nhiều việc; cưỡi ngựa, chăn dê, lùa cừu, lấy nước, học đánh vật…
Sáng sáng bọn trẻ thức dậy lùa dê và cừu ra đồng cỏ, tối đến thổi lửa và cất tiếng hát cao như ngọn gió, trong như nước suối. Những thước phim đối lập, nhưng rất cân bằng. Cái mới không làm mất đi cái cũ. Và thuận theo thiên nhiên; chính là nguồn thực dưỡng thuần khiết, an lành mà người du lịch Mông Cổ có được.
Du lịch Mông Cổ: Bữa tiệc dê nướng đá
Chúng tôi gọi vui đây là tiệc BBQ kiểu du lịch Mông Cổ. Nghe rất dễ hình dung; nhưng chứng kiến cách người Mông Cổ nướng thịt, tôi cam đoan ai cũng phải há hốc mồm ngỡ ngàng. Quả thực, người Mông Cổ làm món dê nướng đá cũng nhanh gọn và khoa học như cách họ dựng lều.
Dê mổ moi từ mông, rút toàn bộ nội tạng; xương thịt để riêng ướp với muối, hành tây và tỏi. Người ta nhặt những viên đá to bằng nắm tay lấy ngay bên suối; đem nướng sẵn trên bếp củi. Khi đá đủ độ nóng, thịt đủ ngấm; họ đem nhồi lại vào bộ da dê, xen kẽ một lớp thịt là một lớp đá nóng. Đá nóng làm thịt cháy xèo xèo, tỏa mùi thơm phức ngay từ lúc nhồi dê. Da dê được khâu lại sau khi nhồi, dùng khò tiếp tục nướng. Thịt xương cứ thế âm ỉ chín từ trong ra và từ ngoài vào trong.
Bao năm nay, tôi quen hiểu câu nói “nồi da nấu thịt” theo nghĩa tiêu cực, để rồi khi đến đây, tôi mới hiểu đôi khi đó chỉ là một phương thức nấu nướng nguyên thủy, nghe quá quen tai nhưng lại hiếm khi thấy.
Chỉ gần một tiếng sau, tiệc thịt dê nướng đá đã thịnh soạn bày trước mặt khách. Lúc gắp đá trong bụng dê ra; người địa phương đưa cho chúng tôi mỗi người một viên nóng hổi. Chúng tôi cứ thế lăn đi lăn lại trong lòng bàn tay; với ý nghĩa có thêm sức khỏe từ hơi nóng của đá. Đó là một nghi lễ thú vị trước khi nhập tiệc mà tôi “học lỏm” được từ người địa phương.
Bữa tiệc thịt nướng ấy im lặng đến ngỡ ngàng; bởi ai cũng bận… ăn, không còn thời gian để nói. Hương vị bữa ăn ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một, và đó là một bữa ăn ngon đến độ tôi “cạn lời”, không thể diễn tả hoàn toàn cảm xúc.
Du lịch Mông Cổ: Vòng tay mẹ thảo nguyên
Dọc đường, chúng tôi gặp không ít trục trặc: đang phóng trên đường đất thảo nguyên thì xe chết máy; cưỡi ngựa thì lỏng yên, té xuống đất; ngựa đang chạy lên núi thì giật mình, hất văng người cưỡi… Ngựa thảo nguyên du lịch Mông Cổ không được thuần dưỡng theo lối chiều chuộng du khách nên tính khí hoang đàn, hễ giật mình là chuyển sang phi nước kiệu.
Ngồi trên lưng ngựa, lắm lúc tôi không nghĩ được gì khác ngoài việc thôi đành phó mặc đời mình cho chúng. Hai từ “phó mặc” đeo bám suy nghĩ của tôi khá lâu, cả khi đã rời du lịch Mông Cổ hàng tháng trời. Càng bất an, con người ta càng không dám buông tay. Càng giữ chặt đôi khi lại càng dễ mất. Thế thì tại sao giữa chốn không thấy đường chân trời này, tôi lại dễ dàng liều mình đến thế?
Và rồi, tôi chợt hiểu ra quy luật muôn đời: Đừng đem sự bất an truyền sang kẻ khác hòng giữ cho lòng mình bình an. Hãy học cách “phó mặc”, tĩnh tâm.
Lũ trẻ Mông Cổ học cưỡi ngựa từ thuở lên ba. Lúc ấy, chúng còn chưa biết nhiều đến nỗi sợ và hiểm nguy. Lúc ấy, nếu có ngã, cũng là cú ngã nhẹ nhàng vì quá ít nỗi sợ đeo nặng trên người.
Đứa trẻ nào tập đi mà không ngã. Đoàn chúng tôi cũng ngã ngựa nhiều lần, nhưng vẫn gọi đó là tai nạn nhỏ, vì tôi tin rằng, mẹ thảo nguyên đã “đỡ” cho những đứa con của mình.
Những ngày ở thảo nguyên du lịch Mông Cổ là những ngày đặc biệt và lạ lùng. Ở đó, tôi có những trải nghiệm “1 lần cho 1 đời”, nhưng cũng ắp đầy cảm xúc đời thường dịu nhẹ. Mẹ thảo nguyên cất tiếng hát đưa nôi, để ở nơi không thấy chân trời ấy, trong lòng chúng tôi đã có chân trời.
Bài: Thanh Trà
Tiếp Thị Gia Đình