Trong ký ức của rất nhiều người thế hệ trước 8x, Tết Trung Thu là một điều gì đó thật đẹp. Thời của bố mẹ ông bà chúng ta; người ta gọi hai tuần đầu tháng 8 âm lịch là Tết Trông Trăng. Thời đó, tuy xã hội nghèo và bất ổn bởi nhiều biến động thời cuộc, nhưng người dân rất xem trọng văn hóa truyền thống. Trung Thu là dịp gia đình đoàn viên; tiết trời mát mẻ, người dân tạ ơn trời đất sau vụ mùa bội thu. Trung Thu có “lễ và hội” nên mới có đủ “ăn và chơi”.
Trung Thu trong hoài niệm
Và do trước đó không có lễ hội nào dành cho trẻ con nên ông bà ta coi dịp này là tết dành riêng cho con nít. Có lẽ đó chính là lý do chúng ta mãi không quên thời Trung Thu ấu thơ, nhớ cảm giác nôn nao chờ trăng lên cao thì mới được phá cỗ.
Người ta có thể thắp sáng bằng đèn điện, đèn dầu; nhưng khi tự tay vót tre làm lồng đèn và treo trong nhà; trước sân dịp Trung Thu thì ánh sáng đó thiêng liêng lắm. Vì tre đó là ba vót, con háo hức ngồi bên đợi ba uốn thành ngôi sao, lồng đèn kéo quân. Mẹ tủm tỉm chỉ con xâu chuỗi bưởi, làm bù nhìn bằng hoa trái. Khi có đèn lồng, bọn con nít trong xóm sẽ đợi trời tối để chơi rước đèn trước rằm cả tuần.
Tối nào, bọn trẻ cũng nhìn lên trời để xem trăng hôm nay đã tròn hơn chưa, rồi hẹn bọn bạn trong xóm cùng bày cỗ chung. Đó là chưa nói đến những đoàn lân sư rồng thỉnh thoảng diễn ngoài phố, trống hội đùng đùng vui đến khó tả.
Ngày xưa, tụi trẻ con có thể rưng rưng cảm động khi nắm tay nhau hát bài đồng dao này dưới trăng: “Gió không có nhà; Gió bay muôn phương; Biền biệt chẳng ngừng; Trên trời nước ta… Đền công cho dế nỉ non; Trời cho sao chiếu ngàn muôn/ Các con dế mèn/Suốt trong đêm khuya/Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…”. Người lớn thuở đó vẫn thường nghe bài Thằng Cuội của nhạc sỹ Lê Thương lại ngậm ngùi nhớ quê. Nếu bạn từng may mắn trải qua điều đẹp đẽ đó, bạn thật may mắn.
Trung Thu dần mất đi ý nghĩa
Khoảng gần 20 năm trở lại đây; mỗi dịp Trung Thu về; chỉ có người lớn và các công ty sản xuất bánh trà và tổ chức sự kiện là nôn nao hơn cả. Đô thị hóa và bùng nổ dân số; đã lấy đi mất của con trẻ những không gian lễ hội Trung Thu. Người lớn sẽ mua bánh để tặng cho đối tác rất sớm và mua bánh cho gia đình mình sau cùng. Bánh tặng đối tác thì phải lựa cho đẹp; cho xịn còn mua về nhà thì thế nào cũng xong.
Trường lớp hay thuê công ty tổ chức sự kiện (phụ huynh đóng tiền) làm hết từ A-Z; các cháu bé chỉ đến xem chương trình. Nếu cảm khái, chúng ta sẽ thấy trẻ con không còn là chủ nhân của bữa tiệc; chúng không được tự làm; tự tổ chức và góp phần gầy dựng. Bữa tiệc có thể hoành tráng hơn nhưng nó chẳng để lại gì nhiều trong ký ức ấu thơ của con trẻ. Và ý nghĩa của Trung Thu cứ mất dần đi. Trăng vẫn vậy, chỉ có người đổi thay.
Trung thu thời hiện đại
Dạo quanh phố, thấy những món đồ nhựa rực rỡ, màu mè (được cảnh báo là độc hại); có xuất xứ Trung Quốc như đèn lồng chạy pin, vũ khí gươm; chùy chiếm hơn 90% số lượng hàng dành bán cho trẻ con. Những món đồ giản dị từ làng nghề truyền thống đã bị giết không thương tiếc. Lòng tham của người lớn khiến họ không nghĩ đến việc đồ chơi sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý/sức khỏe của trẻ nít.
Còn bao nhiêu gia đình quây quần bên nhau cùng ngắm trăng, uống trà, ăn bánh? Tại sao mùa Tết Trông Trăng này; bạn không cùng gia đình bạn bè tổ chức cho các con một ngày tết thực sự? Cho các con cùng chuẩn bị; kể chúng nghe về nguồn gốc Trung Thu; chỉ cho các con cách làm vài món đồ chơi mùa trăng đơn giản.
Sẽ rất tuyệt vời!
Bài: NGUYỄN HẬU
Tiếp Thị Gia Đình