Tại Bản Phùng, nằm ở huyện vùng cao Hoàng Su Phì, địa điểm nổi tiếng khi du lịch Hà Giang; tôi có “những bình minh không còn tiếng chuông báo thức”. Chỉ còn lại đây tiếng gió lùa qua khe cửa; tiếng những cô sơn nữ cười nói lưng chừng đồi.
Mùa hạnh phúc tôi mơ
Tôi đã chờ tháng Mười từ rất lâu, chờ cái ngày tôi được ngồi trên chiếc Honda Win; bon bon chạy qua những cung đường Tây Bắc với một bên là vực thẳm cheo leo; một bên là núi cao sừng sững. Phơi mình dưới nắng đại ngàn, lướt qua những làn sương mờ; để rồi vỡ òa trước vẻ đẹp của những ruộng lúa chín vàng trải ra trước mắt.
Rồi điều gì đến cũng đến, khi những ngày dài chờ đợi sắp hết; cũng là lúc giấc mơ kia bằt đầu thành sự thật. Cầm trên tay tấm vé máy bay Sài Gòn – Hà Nội; tôi bắt đầu hành trình về với mùa lúa chín vàng ở Bản Phùng, du lịch Hà Giang, nơi mà trong tâm trí mình, tôi vẫn gọi là mùa hạnh phúc.
Tips du lịch Hà Giang – Hành trang cần mang
Áo khoác giữ ấm: Mùa này ở các tỉnh Tây Bắc mát mẻ ban ngày nhưng lại khá lạnh vào ban đêm.
Áo mưa dã chiến: Phòng hờ trước những cơn mưa hoặc mây mù bất chợt trên đường di chuyển.
Thuốc men dự phòng: Ngoài thuốc sơ cứu, sát trùng, cảm sốt, tiêu hóa… bạn cần chuẩn bị thêm gel, kem, chai xịt hoặc tinh dầu chống muỗi.
Ngày đầu tiên
Sau khi đáp chuyến bay sớm xuống sân bay Nội Bài; chúng tôi tiếp tục đón xe đi du lịch Hà Giang; sau đó đi tiếp một chặng xe buýt nữa đến Hoàng Su Phì, rồi thuê xe máy chạy lên Bản Phùng.
Từ sân Bay Nội Bài ra đến Ngã tư cao tốc, bạn có thể di chuyển bằng xe buýt số 7 với giá vé 8.000 đồng/người/lượt hoặc xe taxi (giá tính theo công-tơ mét). Đây cũng là điểm tập trung đón khách của các xe khách tuyến Hà Nội – Hà Giang với mật độ 10–15 phút/xe. Giá vé xe giường nằm dao động trung bình khoảng 200.000–220.000 đồng/người/lượt, di chuyển 5–7 tiếng.
Tips du lịch Hà Giang – Đón xe từ Hà Nội đi Hà Giang
Các điểm đón trả khách này thường có quán chè để khách ngồi nghỉ chân chờ xe. Trong lúc chờ đợi, bạn có thể thử qua những thức quà vặt đặc trưng vùng miền do các cô hàng nước bày bán.
Để chủ động trong hành trình, bạn nên đặt vé trước qua điện thoại và hẹn thời gian hẹn ở Ngã tư cao tốc. Trước khi đến, nhà xe sẽ gọi để bạn tranh thủ chuẩn bị.
Theo kế hoạch ban đầu, cả nhóm chúng tôi sẽ nghỉ đêm ở du lịch Hà Giang rồi sáng hôm sau bắt chuyến xe buýt sớm nhất đi Hoàng Su Phì. Nhưng theo lời hướng dẫn của một anh tài xế có kinh nghiệm; chúng tôi xuống xe ở Ngã tư Tân Quang rồi từ đó bắt xe buýt đi Hoàng Su Phì. Lộ trình này kéo dài chỉ 2 tiếng, mà lại giúp chúng tôi tiết kiệm đến 60km đường từ Hà Giang quay lại đây vào sáng hôm sau.
Tips du lịch Hà Giang – Đón xe đi Hoàng Su Phì
Xe từ Ngã tư Tân Quang – Hoàng Su Phì: hoạt động từ 6h sáng đến 2h chiều, di chuyển khoảng 2 tiếng.
Đứng ở ngã tư hoặc bất kỳ quán nước nào khu vực này đều có thể bắt được xe.
Một số nhà xe: Ngọc Cường: 093 678 8279, Thắng Linh: 096 621 2213. Dịch vụ của các nhà xe đều tương tự nhau. Thời gian đi có thể lâu hơn một chút vì xe đón khách dọc đường. Giá vé trung bình khoảng 50.000 đồng/người.
Người tính không bằng trời tính
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Khi đến nơi, xe đi Hoàng Su Phì đã hết. Thế là, chúng tôi quyết định ở lại một đêm; và bắt chuyến buýt sớm nhất lúc 6h sáng hôm sau để đi tiếp. Sau khi tìm được một nhà nghỉ ưng ý, chúng tôi bắt đầu khám phá thị trấn nhỏ nằm giữa núi rừng này.
Trong ráng chiều, tiếng chuông nhà thờ cùng những lời kinh cầu ngân lên từng nhịp. Quanh đó là từng nhóm các cô bác láng giềng đang ngồi tán gẫu với nhau. Người bưng cốc chè, kẻ cầm ống điếu; ai cũng bàn về chuyện ông này bà kia, chuyện làng chuyện xã, rôm rả và thân tình. Không khí mát mẻ, trong lành khiến nhịp sống nơi đây cũng nhẹ nhàng và thanh yên đến lạ. Điểm dừng bất đắc dĩ trong hành trình dần xa rời khi mặt trời lặng lẽ xuống núi. Tiếng thú rừng xa xa, tiếng lá xào xạt. Tôi khẽ nhắm mắt ngủ say theo nhịp gõ của thời gian.
Tips du lịch Hà Giang – Lưu trú ở Ngã tư Tân Quang
Ở đây không có ngân hàng hoặc ATM nên bạn phải luôn có sẵn tiền mặt trong người.
Nhà nghỉ ở đây không nhiều, đa số đều nằm ở khu vực gần ngã tư. Bạn có thể xem trước phòng, nếu ưng ý mới quyết định ở. Giá phòng cơ bản trung bình 200.000 đồng/phòng/đêm.
Ăn uống khá rẻ, một phần cơm giá khoảng 30.000–40.000 đồng. Các loại trái cây địa phương được bày bán nhiều, bạn có thể trả giá xuống 10–20% tùy loại.
Nhớ dặn nhà nghỉ đặt xe giúp bạn. Sáng hôm sau, sẽ có xe đến tận nơi ở đón bạn.
Ngày thứ hai
Ở những cây số đầu tiên, chúng tôi dừng lại bên những con dốc; để ngắm phố núi ẩn mình trong làn mây lững lờ đẹp như thơ. Khi trở lại cung đường uốn lượn quanh co, chúng tôi đi ngang qua những “lớp học i tờ” với cột cờ và phần mái lô nhô trên đỉnh núi; những em bé chăn trâu nụ cười còn lem bùn đất; những thiếu nữ hai má ửng hồng đùa giỡn ven đường và cả những ngôi làng người H’Mông, Dao đỏ với sắc phục sặc sỡ, bắt mắt.
Dọc đường, chúng tôi còn bắt gặp hàng loạt thác nước lớn nhỏ đẹp như cảnh tiên. Dù lòng dâng lên khát khao được dừng xe, gác chống và đắm mình vào làn nước trong veo mát lành ấy; nhưng thời gian lại ngăn cản chúng tôi khi điểm đến cuối cùng vẫn còn hẵng xa xôi.
Cũng trên cung đường ấy, chúng tôi có dịp đi ngang qua thượng nguồn của sông Chảy. Thì ra, đằng sau con sông Chảy rộng lớn; kỳ vĩ mùa nước lớn và hiền hòa, êm ả mùa nước cạn; đó chỉ là một ngọn suối nhỏ chảy ra từ eo núi. Theo thời gian, cùng những biến đổi của thiên nhiên tạo hóa, dòng suối ấy lớn dần và rộng ra, tạo thành con sông Chảy nổi tiếng.
Đường còn dài, còn dài
Từ thượng nguồn sông Chảy, chúng tôi chạy tiếp khoảng 20km là đến cầu Suối Đỏ; rồi rẽ phải chạy thêm 21km nữa là đến Bản Phùng. Độ khó của đường đi càng lúc càng tăng với những khúc ngoặt ngoằn ngoèo; bên vực sâu bên vách núi, dốc đổ thẳng đứng rồi bọc qua eo núi. Con xe Win dù vẫn đang di chuyển, nhưng tôi thì cứng đờ tứ chi vì phải giữ thật chặt tay ga, chân thắng và đảo số liên tục.
Đúng 12 giờ trưa, chúng tôi chính thức “check-in” Bản Phùng; với tô phở ngan thơm lừng và ngon miễn chê ở một quán nhỏ phố núi.
Tiết trời man mát, tiếng trẻ con nô đùa văng vẳng xung quanh nghe sao mà yên bình, thân thương. Thi thoảng, tất cả lại chìm trong mịt mù sương khói; bởi cuộc đổ bộ bất chợt của “gã” mây trắng nào đó.
Phố núi nho nhỏ, lòng người to to
Sau khi nhận phòng và gột rửa hết bụi đường; chúng tôi bắt đầu tha thẩn trên những bờ ruộng bậc thang, leo lên lưng chừng những ngọn đồi; nhìn xuống ngôi làng La Chí nhỏ bé. Bản Phùng ẩn hiện trong mây với muôn vàn màu sắc; mê hoặc lòng người bằng vẻ đẹp bình dị và nên thơ. Thật mà cứ như là mơ, mơ mà cứ ngỡ là thật.
Đêm về, cả nhóm chúng tôi quây quần bên mâm cơm gia đình nhà anh La Chí Phong, một người dân địa phương mà chúng tôi có dịp làm quen. Bữa cơm đơn sơ, giản dị nhưng lại ấm lòng lữ khách phương xa với các món ăn “của nhà trồng được”. Giữa cái lạnh của đêm bản làng, người ta sưởi ấm nhau bằng cái tình, ẩn hiện qua
vầng má đỏ ửng sau mỗi nhấp rượu ngô.
Ngày thứ ba
Sáng hôm đó, tôi thức dậy ở một nơi xa, rất xa, xa khỏi chiếc giường tôi vẫn thức dậy mỗi sớm, xa khỏi chiếc bàn mà tôi vẫn miệt mài chạy deadline mỗi chiều, xa cả thành thị với bao hào nhoáng, xô bồ. Đứng ở lưng chừng núi, tôi cảm nhận những tia nắng sớm mai đang đá nhẹ lên gò má âm ấm, từng hạt sương sớm còn long lanh trên lá lúa, những đứa trẻ nô đùa giữa những ruộng lúa, xa xa là tiếng cuốc, tiếng gặt của những người dân đi làm nương sớm.
Phía trung tâm ủy ban xã bỗng nhộn nhịp lạ thường. Hỏi ra mới biết, hôm ấy là ngày diễn ra chợ phiên. Bản Phùng có hai phiên chợ diễn ra đều đặn vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần. Nhưng khi tôi đứng giữa những mây giăng và nắng ấm ấy, hôm ấy có là thứ mấy cũng chẳng quan trọng nữa rồi.
Phiên chợ hạnh phúc
Ở chợ phiên, tiếng người trao đổi các loại nhu yếu phẩm hòa lẫn tiếng trâu dê đổi chủ tạo nên không gian náo nhiệt đến vang trời. Biết bao nhiêu thức quà vùng cao lẫn các món ăn vặt lạ mắt, lạ vị lần lượt hiện ra, các cô gái trẻ mặc đồ truyền thống bỗng mím môi chúm chím khi gặp khách lạ. Cả một trời nhộn nhịp, dập dìu mà lại rất duyên dáng, gần gũi.
Chợ phiên cứ thế diễn ra nhộn nhịp đến tầm trưa. Những gì còn lại sau đó là chuyện trâu bò dê ruộng, chuyện làng chuyện nước, chén chú chén anh ngà ngà men ngô.
Cứ thế, tôi thơ thẩn đi loanh quanh, hít thật sâu, bước thật chậm và nở nụ cười mãn nguyện ở cái nơi mà tôi luôn thấy trong những giấc mơ phủ đầy sương khói, nơi dẫu nằm ở lưng chừng núi đồi, vẫn cao vời bao niềm hạnh phúc giản dị.
Tips du lịch Hà Giang – Đi xe máy từ Hoàng Su Phì đến Bản Phùng
Đường đi: Dốc đứng và khá ngoằn ngoèo, kèm sương mù và mưa bất chợt nên nếu tự đi bằng xe máy, bạn phải cực kỳ chú ý đến tay côn và thắng.
Xe buýt từ Hoàng Su Phì đi Bản Phùng: Từ bến xe ngay trung tâm Hoàng Su Phì, bạn bắt xe đi hướng Xín Mần, xuống ở cầu Suối Đỏ và gọi xe ôm từ bản ra đón, giá khoảng 200.000 đồng/lượt/người. Bạn cũng có thể thuê xe máy từ Hoàng Su Phì với giá khoảng 180.000 đồng/chiếc/ngày. Nếu xe hỏng sẽ có thợ lên tận nơi để sửa chữa. Bạn có thể liên hệ anh Hòa Minh (cổng đồn công an Hoàng Su Phì),
điện thoại 097 221 4556 để thuê xe máy.
Ăn ở: Bản Phùng có homestay dành cho khách du lịch lưu trú và sinh hoạt cùng người dân địa phương. Bạn có thể liên hệ anh La Chí Phong, điện thoại 098 344 4295 để đặt chỗ ở.
Bài & Ảnh: Thiết Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình