Tôi nhảy lên một chiếc taxi để ra phi trường. Khi xe đang đi đúng làn đường thì ở phía trước, một chiếc xe màu đen bất ngờ phóng ra từ bãi đậu xe, choáng ngay trước mặt chiếc taxi của tôi. Có vẻ tài xế của tôi là một người tử tế và có tay lái dày dặn kinh nghiệm. Anh nhanh chóng đạp thắng, chiếc xe kêu lên một tiếng “két” thật lớn rồi dừng lại ở khoảng cách chưa tới một gang tay với chiếc xe kia. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, anh đã giúp cả hai chúng tôi tránh khỏi một vụ va chạm khủng khiếp.
Quy luật xe chở rác và câu chuyện về dũng cảm và tử tế
Khi còn chưa hết hoảng hốt vì cú thắng gấp vừa rồi, tôi lại càng ngơ ngác hơn khi thấy người lái chiếc xe kia mở cửa bước ra, tiến về phía chiếc xe tôi đang ngồi và quát mắng không ngớt bằng những lời chửi rủa nặng nề và thậm tệ nhất. Thế nhưng, đó không phải là điều duy nhất làm tôi khó hiểu. Điều ngạc nhiên ở đây là, thay vì bước ra và có một cuộc nói chuyện “cho ra trò” với người lái xe thô lỗ, ngang bướng và cộc cằn kia, anh tài xế của tôi chỉ nhẹ nhàng mỉm cười, gật đầu tạ lỗi trước sự cố không phải do anh gây ra. Thậm chí, anh còn vẫy tay chào hỏi và mong đối phương nguôi giận. Tôi không nghĩ trên đời này lại có người tử tế đến như thế. Trong niềm băn khoăn, tôi hỏi: “Sao anh lại nhượng bộ như thế? Gã ấy đã suýt giết cả hai chúng ta đấy!”. Và đó là lúc anh chia sẻ với tôi một bài học ý nghĩa mà tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ. Nhẹ nhàng và từ tốn, anh nói:
“Anh có biết về quy luật xe chở rác không? Nhiều người giống như một chiếc xe rác vậy. Họ cứ giữ hết đống rác rưởi giận hờn, bực tức, căm phẫn, thất vọng vào người. Khi rác đã đầy xe, họ sẽ tìm một chỗ để đổ, đôi khi vì vô tình mà chỗ đấy lại là chỗ mà anh đang đứng. Hãy cứ nép sang một bên, mỉm cười, vẫy chào, chúc phúc và đi tiếp. Đừng mang những thứ rác đó vào mình. Nếu không, anh sẽ lại đem chúng đi đổ cho những người khác mà anh gặp ở công sở, dọc đường hay ngay cả ở nhà mình. Không ai đáng bị xe rác làm hỏng một ngày của mình cả!”
Roy Baumeister – một nhà nghiên cứu tâm lý ở Đại học Florida, đã rút ra từ nghiên cứu của mình rằng người ta thường nhớ những điều xấu xa, tiêu cực hơn là những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi lưu giữ những ký ức xấu càng dễ dàng, người ta lại càng nhớ đến chúng nhiều hơn. Như vậy, chỉ khi biết cách lái chiếc xe rác của bản thân đi đúng đường và đỗ đúng bãi, người ta mới có thể chủ động kiểm soát cuộc sống của mình. Những việc tốt sẽ luôn lấp đầy chỗ trống khi cái xấu đã bị buông bỏ.
Các nhà lãnh đạo tài ba nhất biết rằng họ luôn phải sẵn sàng cho cuộc họp tiếp theo. Người bán hàng giỏi nhất biết rằng họ luôn phải sẵn sàng phục vụ khách hàng kế tiếp. Những bậc cha mẹ tốt nhất biết rằng họ luôn phải sẵn sàng đưa đón con mình bằng những cái ôm và nụ hôn thắm thiết, dù biết bao nhiêu chiếc xe chở rác đang chờ họ chạm trán ngoài kia.
Người thành công không bao giờ cho phép xe chở rác lấn sang làn đường của mình. Đó là một việc làm cần lắm sự mạnh mẽ và dũng khí. Trong bộ phim Cinderella (Lọ Lem), có một câu nói mà nhân vật chính lặp lại xuyên suốt cả bộ phim, đó là: “Have courage and be kind” (dũng cảm và tử tế). Tại sao phải “have courage” (có dũng khí) trước? Vì đôi khi một chuyện tưởng chừng vô cùng dễ dàng như “be kind” (tử tế) lại đòi hỏi những trái tim kiên cường nhất trên đời.
Bạn thì sao? Hôm nay ra đường, bạn sẽ để xe rác vượt qua mặt mình chứ?
Tiếp Thị Gia Đình