Với những ai chưa từng đến Havana (tên trong tiếng Tây Ban Nha: La Habana), đây hoặc là vùng đất phủ đầy màu sắc điện ảnh của những năm 70 thế kỷ trước, hoặc là vùng đất nghèo nàn và kém phát triển, khép mình với phần lớn thế giới do hệ quả của cấm vận. Nhưng với tôi, đó là vùng đất của sự nồng nàn và cuồng nhiệt, của khí chất và bản sắc La-tinh đặc trưng vùng Ca-ri-bê.
Ngược thời gian, trở về quá khứ ở Havana
Tấm áo khoác lên Havana là sắc diện tuyệt mỹ của những ký ức xưa cũ. Vẻ đẹp đến từ những hoài niệm không chỉ khiến người ta muốn tận mắt chứng kiến và ngưỡng vọng, mà hơn cả, đó còn là khát khao được nắm lấy và lưu giữ từng khoảnh khắc.
Cầu tàu tấp nập dẫn lối ra khơi, phố biển về đêm xập xình tiếng nhạc, những ngôi nhà sặc sỡ mang hơi thở Tây Ban Nha, khu chợ sạp rộn rã buổi sớm mai, những chiếc Chevy, Lada, Nash Rambler, hay cả Cadillac ’59 cực hiếm… tất cả đều tạo nên hình hài chỉ riêng Havana mới có. Lang thang giữa trái tim của Cuba, tôi ngỡ như mình đang dạo bước giữa những lát cắt của quá khứ. Dẫu mới gặp mà cứ như đã từng qua, dẫu đang ở rất xa mà nghe sao thật gần.
Những năm tháng xưa được tua lại trong phút giây, không gian hoài cổ hiện hữu xung quanh, mang tôi thoát ly khỏi thực tại hiện đại với âm vang hối hả của thế giới kia, ở đâu đó bên bờ đại dương…
Hai thể xác, một tâm hồn
Ở Havana, với chỉ 10 đồng CUC (khoảng 10 đô-la Mỹ), tôi có thể bắt taxi là một cỗ Chevy sành điệu. Ngồi trên ghế da êm, nghe tiếng máy rồ rà, ngửa mặt đón ánh ban mai miền nhiệt đới, dạo khắp thủ đô trong niềm hân hoan phơi phới.
Ở đây, dù là một quốc gia, nhưng bạn có thể tiêu đến hai loại tiền: đồng ngoại tệ CUC thường dành cho khách du lịch và đồng nội tệ (CUP)dành cho dân bản địa. Nếu trời sinh cho bạn khả năng nói tiếng Tây Ban Nha tuyệt vời theo khẩu âm châu Mỹ La-tinh, thì thay vì tốn 1 đồng CUC, bạn chỉ phải tốn 1 đồng CUP (rẻ hơn tận… 25 lần!) cho một cuốc xe. Không chỉ di chuyển, đặc ân ấy cũng được áp dụng cho cả ăn uống, lưu trú, dịch vụ…
Đến Havana, ai mà chẳng muốn một lần mặc áo hoa, ngồi bên quầy bar, nghe ghi-ta hòa theo tiếng ca và thưởng thức Piña Colada – thứ cocktail trứ danh đã làm nên tên tuổi cho vùng đất nơi đây. Mùi dứa hây hẩy, vị dừa béo ngậy của ly Piña Colada “chính hãng” cũng nồng hậu và nhiệt tình như con người xứ sở này vậy.
Bên cạnh diện mạo hoài cổ đầy cảm xúc của các khu nhà kiểu Tây Ban Nha, khung cảnh Washington D.C của nước Mỹ xa xôi trong những năm 1920 – 1930 vẫn còn lưu lại đâu đó quanh đây, ngổn ngang trong mớ sắt thép xây dựng. Phải chăng cũng chính vì thế mà nhiều người Mỹ vẫn mong muốn được một lần đến thăm Havana để nhìn xuyên qua El Capitolio, để thấy được một thực thể sống động của Washington D.C những năm đầu xây dựng như thế nào?
Nhìn từ phía khơi xa, Havana được chia thành hai phần tách biệt: một bên sôi động, nồng hậu giữa thời kỳ giao thoa văn hóa và một bên câm lặng, trầm lắng. Sự khép kín ấy hiện lên rõ nhất qua hình ảnh pháo đài Fortaleza de San Carlos de la Cabaña ngày đêm canh giữ cho thành phố. Dẫu vật đổi sao dời, dẫu thịnh thời hay suy thoái, dẫu thế giới ngoài kia chìm trong lầm than hay hoan hỷ, pháo đài ấy vẫn kiên trì gìn giữ cho Cuba một góc bản sắc tĩnh tại và bất biến.
Hội hè miên man
Người dân Havana ai cũng mang trong mình tình yêu mãnh liệt với âm nhạc và nghệ thuật. Cứ tầm 3 – 4 giờ chiều, khi cái nắng trời oi bức cuối cùng cũng chịu buông lơi, trên những con ngõ len giữa các tòa nhà cũ kỹ và điêu tàn, mọi người dân từ già đến trẻ bắt đầu đổ ra đường. Những nhạc công đường phố bắt đầu nổi nhạc lên và như một phản ứng hết sức tự nhiên, ai ai cũng hòa nhịp theo, cùng hát ca và nhảy múa trong sự cuồng nhiệt, vui tươi đến tận đêm khuya.
Nếu lỡ bước lạc vào những “đặc khu” dành cho khách du lịch như Prado hay La Habana Vieja, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng buổi tối nào cũng sẽ là đêm vũ hội. Tiếng nhạc xập xình và sôi động vọng ra từ những hộp đêm, quán bar đủ mọi phong cách, những tiếng hò reo cổ vũ, những bước nhảy mạnh mẽ, điệu nghệ… bầu không khí tĩnh mịch của màn đêm đành sớm rút lui, nhường sân khấu cho những thanh âm sôi động, tràn trề nhựa sống.
Tôi may mắn được đến Havana vào đúng dịp lễ hội âm nhạc Arte en la Rampa. Đến đây, dù bạn là ai, đến từ đâu, nói ngôn ngữ gì không quan trọng, chỉ cần bạn yêu âm nhạc, tình yêu đó sẽ được đón nhận và chia sẻ bởi hàng vạn tâm hồn cũng đang lắc lư theo điệu nhạc xung quanh.
Ngạc nhiên hơn, dù là một đất nước trải qua nhiều năm bị cấm vận, song, những lễ hội âm nhạc kiểu này tại Cuba luôn hội tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới. Họ đến đây để biểu diễn, vui chơi, ca hát, nhưng trên tất cả, họ đến để chứng tỏ rằng: không có một biên giới nào dành cho âm nhạc.
Khi đến Havana, dù đang thực hiện cuộc viễn du trường kỳ hay chỉ là một lữ khách dừng chân ngắn ngày, tôi vẫn thật lòng khuyên bạn hãy một lần hòa nhịp vào những giai điệu đường phố ở Havana. Chỉ khi đó, bạn mới thấy được một Cuba không quá xa như ta tưởng tượng, một Cuba không tầm thường như ta từng nghĩ và một Cuba tinh túy, nguyên vị, kết tinh từ những đam mê.
Bài: Quỳnh
Tiếp Thị Gia Đình