Người phương Tây thường hay tắm ngày trong khi người dân châu Á lại kết thúc một ngày bằng việc đi tắm buổi tối. Vậy đâu mới là thời điểm tắm tốt nhất? Tắm rửa là hoạt động vệ sinh cần thiết hàng ngày của mỗi người, tuỳ vào thói quen và sở thích mà thời điểm tắm của mỗi người cũng khác nhau. Song, không đơn giản chỉ là làm sạch, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tắm ngày hay tắm đêm còn có những ảnh hưởng rất khác nhau đến cơ thể chúng ta.
Tắm ngày hay tắm đêm?
#TeamTắmNgày
Tỉnh táo: Nếu bạn thường thức dậy trong tình trạng uể oải và gật gà, đi tắm sẽ giúp bạn tỉnh táo ngay tức khắc. Tắm vào buổi sáng báo động để cơ thể thoát khỏi trạng thái ngủ, kích hoạt các cơ quan sẵn sàng hoạt động cho một ngày mới.
Sạch sẽ, thơm tho: Với những ai gặp phải tình trạng da dầu hoặc hay đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, tắm sáng là cách nhanh chóng loại bỏ các bã nhờn và mùi hôi khó chịu trên da và tóc. Ngoài ra, việc tắm gội buổi sáng còn giúp lỗ chân lông giãn nở, các sợi lông mềm hơn để bạn dễ dàng cạo râu hoặc tỉa tót lại những vùng “cây cối” trên cơ thể mình. Nếu có thói quen tập thể dục vào sáng sớm, thì sau khi nghỉ ngơi và lau sạch mồ hôi, vài phút tắm dưới vòi sen sẽ giúp bạn thư giãn và sảng khoái hơn trước khi đến sở làm.
Sáng tạo: Bạn còn nhớ câu chuyện về nhà khoa học Archimede nhảy ra khỏi bể tắm, trần như nhộng và hét lên: “Eureka” sau khi tìm ra định luật mang tên ông chứ? Tắm vào buổi sáng chính là thời gian tốt nhất để những ý tưởng sáng tạo chảy tràn trong suy nghĩ của bạn. Shelly Carson, giảng viên tâm lý trường Đại học Harvard cho biết các nhà tâm lý học gọi đó là “thời kỳ ấp trứng” – khi những dữ kiện được não tổng hợp lại để cho ra đời một ý tưởng mới.
Thiền định: Nghe có hơi lạ lùng, nhưng thời gian yên tĩnh vào buổi sáng vói dòng nước mát lạnh chảy khắp cơ thể chính là điều kiện tốt nhất để bạn tĩnh tâm cho việc thiền định hoặc cầu nguyện. Thậm chí, người ta còn lập ra hẳn một cộng đồng những người cùng có sở thích thiền dưới vòi sen vào buổi sáng để khuyến khích hoạt động này.
#TeamTắmĐêm
Ngủ ngon: Các chuyên gia về giấc ngủ thường khuyên người bị mắc chứng khó ngủ nên tắm nước ấm trước khi ngủ. Vì sau khi rời khỏi phòng tắm, nhiệt độ cơ thể sẽ bị giảm xuống nhanh, làm đầu óc trở về trạng thái tĩnh lặng, đồng thời cảm giác lạnh khiến bạn muốn nhanh chóng vùi mình vào trong chăn nệm, từ đó mau đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
Gột rửa bụi trần: Có những đặc tính công việc khiến bạn phải di chuyển nhiều ngoài đường, tiếp xúc với nắng nóng, bụi bẩn, chất độc và đổ mồ hôi liên tục. Khi đó, tắm rửa sạch sẽ trước khi lên giường là điều cần thiết phải làm để giữ vệ sinh cho cơ thể và phòng tránh bệnh ngoài da.
Tổng tẩy trang: Son, phấn, kem dưỡng, mascara, chì… Hết thảy những thứ đó đã ở trên mặt bạn cả ngày, hãy dành ban đêm cho làn da được hít thở. Áp lực của nước vòi sen sẽ là trợ thủ đắc lực để bạn loại bỏ những hạt phấn nhỏ mà nước tẩy trang đã chưa kịp dọn sạch. Nước ấm còn giúp lỗ chân lông giãn nở để da hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất từ mỹ phẩm ban đêm.
Dẹp tan giặc mụn: Nếu da bạn thuộc loại da nhạy cảm, thường bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa, rát, nổi mụn… thì giữ cho da sạch tuyệt đối là điều tối quan trọng. Nếu bạn lười vệ sinh thân thể vào cuối ngày, thì số bụi bẩn vừa thu nạp sau một ngày dài kèm với những hạt bụi có sẵn trong chăn, drap, mền, gối, không khí… chẳng những không giúp bạn mau khỏi mà còn làm các triệu chứng này trầm trọng hơn.
Như vậy, không có câu trả lời nào thực sự chính xác cho câu hỏi tắm ngày hay tắm đêm thì tốt hơn. Thời điểm tắm trong ngày phụ thuộc vào sở thích, thói quen, điều kiện làm việc, môi trường sống và tình trạng sức khoẻ của từng người. Thế giới có hai loại người, dù tắm ngày hay tắm đêm thì loại nào cũng cần phải tắm. Tắm ngày hay tắm đêm không quan trọng, quan trọng là, bạn có tắm hay không?
Bài: Hữu Lộc
Tiếp Thị Gia Đình