Cuộc phục hưng kỳ lạ của Bolero

Bolero đang có cuộc phục hưng mạnh mẽ, khắp nơi người dân nghe Bolero như một món ăn tinh thần hàng ngày

Cách đây vài tháng, tôi có dịp ra Hà Nội. Ngồi trên taxi chạy từ sân bay về khu bờ hồ Hoàn Kiếm, cậu tài xế chắc nhỏ hơn tôi cả chục tuổi đang mở một album Bolero tuyển chọn của ca sĩ Tuấn Vũ. Tôi hỏi cậu: “Em còn trẻ mà sao lại nghe nhạc vàng, không có khí thế gì cả?”. Cậu ta cười: “Ôi dào, giờ ở đâu cũng nghe Bolero anh ạ. Ông anh ở Sài Gòn hả? Mấy năm nay, anh có vào vũ trường ở ngoài này thì nghe nhạc sàn remix Bolero nhé. Thực ra, tại bố mẹ nghe cái này suốt, riết rồi em cũng ghiền theo. Với lại, những lúc chỉ có một mình nghe sướng lắm, chưa kể khách cũng toàn đòi nghe Bolero nên tụi tài xế bọn em chuẩn bị sẵn cả chục đĩa luôn”.

Những ông hoàng không ngai

Đó là một câu chuyện nhẹ nhàng ở Hà Nội, có thể coi là một nơi không phải thánh địa của Bolero. Tuy nhiên, Hà Nội nhiều năm qua rất chuộng nhạc xưa (gồm các tác giả Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…) với sự thể hiện của những danh ca như Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc… Nhạc xưa cuối cùng cũng là nhạc vàng, thế nên khi cơn sóng Bolero phục hưng trở lại ở Sài Gòn thì Hà Nội còn nghe khí thế hơn. Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, khi danh ca Chế Linh tổ chức đêm nhạc, vé đã “cháy” trong chớp nhoáng. Chẳng có ai chống cự lại được Bolero hay chính xác hơn là nhạc xưa. Và ở Hà Nội, khắp nơi là bầu không khí Bolero và nhạc xưa. Chỉ còn chút không gian cho những dòng nhạc khác.

Bolero-001

Sau nhiều năm dung túng cho thứ nhạc trẻ dễ dãi và nhạc Hoa lời Việt tràn lan, nền ca nhạc đương đại (nhạc nhẹ) đã phải trả giá bằng việc mất toàn bộ thị phần cho nhạc xưa. Cuộc tháo chạy của nhiều ca sĩ dòng nhạc trẻ, nhạc đỏ, chuyển hẳn sang Bolero đã khiến cho lãnh địa này càng ngày càng đông đúc, nhộn nhịp. Gần 30 năm trước, danh ca Ngọc Sơn được coi như một siêu sao âm nhạc khi là ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam đi Limousine và dàn vệ sĩ hộ tống, lúc đó anh thống trị bằng nhạc sến. Giờ Ngọc Sơn về Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh hát, dân chơi vẫn xếp hàng vào sàn nhảy nghe anh ca… nhạc sến. Họ vẫn gọi anh là Giáo hoàng nhạc sến. Họ yêu Ngọc Sơn, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên nhiệt tình đến độ những nghệ sĩ này có lẽ cũng tưởng mình là ông hoàng, bà chúa thiệt.

Bolero là dòng nhạc thịnh hành nhất hiện nay, nó chiếm khoảng 80% thị phần âm nhạc giải trí. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định: “Bolero là vé vào cửa, là giấy thông hành vào Sài Gòn”. Những cuộc Nam tiến của giới ca sĩ ngoài Bắc vào Sài Gòn bây giờ phải hiểu là vào Sài Gòn hát nhạc vàng, hát nhạc Bolero. Nếu theo dõi lịch diễn của những phòng trà “máu mặt” nhất Sài Gòn như Đồng Dao, Không Tên hay WE, gần như không có một lỗ hổng nào cho dòng nhạc khác. Chỉ có nhạc Bolero nói riêng và nhạc xưa nói chung. Còn các phòng trà như Tiếng Xưa thì khỏi bàn, nghe tên đã biết chỉ có nhạc xưa. Nếu về các tỉnh miền Tây, xem sô diễn hội chợ, nhiều ca sĩ nhạc trẻ vang danh một thời cách đây 5–10 năm đang kiếm sống nhiệt tình bằng Bolero. Khán giả đài miền Tây mở ti-vi nghe chương trình ca nhạc mà không thấy nhạc Bolero hay nhạc sến (âm hưởng quê hương) là chuyển kênh. Nhạc xưa đẹp, lãng mạn, dễ gần, dễ cảm và cũng chất chứa tinh hoa học thuật, đánh bại nhạc xưa là việc quá khó khăn.

Mạch nguồn bình dị

Nếu bạn dành vài ngày đi chơi khuya ở Sài Gòn, ngồi những quán nhậu, cà-phê vỉa hè từ trung tâm đến ngoại ô, sẽ thường gặp những người hát rong ôm theo cây đàn guitar hoặc loa kẹo kéo và hát những bản nhạc vàng. Giữa thế kỷ XXI xô bồ mà cứ nhạc Bolero cất lên là tựa như hiện tại chợt biến mất, cả người lẫn phố cứ rũ rượi, hồn phách trôi về góc sâu nào đó của Sài Gòn hoa–lệ. Tại sao tôi gạch nối chữ hoa–lệ vì đó là bản chất của Sài Gòn. Phồn hoa, đô hội, những đêm dài không ngủ rực rỡ đèn màu nhưng cũng nơi đó là tận cùng của những ưu tư, sầu lệ, bi tráng tha phương. Nơi có cả hoa và lệ như Sài Gòn tất nhiên là thánh địa của nhạc vàng.

Bolero-003

Lề đường, vỉa hè, hẻm nhỏ như một bảo tàng sống bảo tồn dòng nhạc này. Khi dòng nhạc cực thịnh trở lại, nó rền rĩ từ YouTube, nhaccuatui, đài truyền hình Vĩnh Long… đến những thanh âm phủ màu thời gian từ băng Akai cổ của giới sưu tầm, hoặc những quán nhạc xưa… Tất cả dường như vẫn vậy, vẫn là lời thì thầm bi lệ, phiêu phiêu trong thứ nhịp điệu lóc cóc leng keng vừa thê thiết u uẩn vừa rộn ràng chuyện cơm áo, đao binh, yêu đương rất mực đời thường.

Dù là tiếng ca của các diva trước 1975 hay của một ông thương binh hát rong sống nốt quãng cuối của cuộc đời sau binh nghiệp, tất cả tựa như một thứ men say làm tê liệt thần kinh về ý thức hiện tại. Ở đây, nó ru người ta về một giấc mộng đời thường, quên đi những khó nhọc cơm áo ngày càng khốc liệt.

Vậy đó, dẫu ở nhà hát lớn, lề đường, trong nhà hay phòng trà, con dân nhạc vàng/Bolero luôn có những cuộc phiêu lưu trên chuyến tàu thời gian bằng âm thanh, uống hồn phách những cuộc tình, mất mát, chia ly, giống như vị đắng cà-phê, vị nồng của men rượu chát khiến người ta ngầy ngật trong cơn say. Họ là người bình dân, trí thức, khoa học gia… ở nhiều độ tuổi.

Đó là lý do tôi tin rằng, trên đỉnh cao của sự phục hưng dòng nhạc này sẽ xuất hiện một cột mốc mới. Đó là những thử thách mới của giá trị giải trí, để có thể đứng vững được không chỉ trong kho tàng âm nhạc văn hóa bản địa, mà còn phải đứng vững trên sân khấu giải trí đương thời. Nơi đó, dòng nhạc trữ tình/Bolero phục vụ được cả những thế hệ khán thính giả trẻ, thậm chí người nước ngoài và không gì khác hơn đó chính là cuộc cách mạng đưa thể loại Bolero vào những vở nhạc kịch musical với những kịch bản hấp dẫn, lãng mạn.

Trước đó vở musical đầu tiên thuần Việt mang tên Chuyện tình nàng Giáng Hương đã tiên phong đưa thể loại nhạc tiền chiến trữ tình vào nhạc kịch quốc tế. Còn Bolero, chúng ta cùng chờ dự án còn trong màn bí mật của nhà sản xuất Chuyện tình nàng Giáng Hương bạo tay nhưng rất có tâm này.

Bài: Nguyễn Hậu
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua