Vịnh Rapid gây ấn tượng cho du khách với những rặng núi đá cao vút như mọc dựng đứng từ trên biển xanh thẳm. Dọc vách đá có vô số những hang động và chiếc thuyền kayak vừa vặn chở hai người dạo quanh thật thơ mộng. Sóng vỗ bập bồng. Mây lượn lờ trôi trên bầu trời. Tiếng chim hải âu chiu chíu nhộn nhịp. Những hình ảnh đó khiến vịnh Rapid thêm sống động.
Thỉnh thoảng, chúng tôi còn gặp cả bầy hải cẩu dạn dĩ bơi bì bạch, giương cặp mắt tròn xoe ngó thiên hạ. Đi một vòng quanh vịnh, thuyền chúng tôi chui vào một hang đá thiên nhiên có cát trắng, hoa cỏ um tùm bám trên những vũng nước trong và êm đềm, trên đầu là lũ két chao lượn, om sòm cả một vùng trời. Qua một chiếc hang khác, hẹp, cao và sâu hun hút, chúng tôi ngước mắt nhìn lên, thạch nhủ treo lóng lánh trên đầu.
Rong chơi quên tháng ngày
Sau khi dạo hang động, thuyền chúng tôi tấp lên một bãi cát mịn. Mọi người cùng quây quần nướng vài con cá bơn béo núc ních, mỡ chảy ròng ròng, mùi thơm bát ngát lót dạ. Chấm mù tạc, ăn miếng cá nào là bạn sẽ thấy ngọt lịm người miếng nấy.
Tối đến, cả đoàn cắm trại ở khu lều cho thuê dựng giữa đồi cây mát mẻ, đủ tiện nghi, có nhà tắm nước nóng lạnh, lò nướng tốn khoảng 6 đô-la Úc (100.000 đồng tiền Việt) cho người lớn, 3 đô-la cho trẻ con (khoảng 70.000 đồng tiền Việt) khi thuê. Tôi cảm thấy rất thú vị khi đắm mình giữa gió biển lồng lộng, ngắm sao chi chít trên trời cao và ngửi mùi sò nướng, tôm nướng bay ngào ngạt. Sau khi chén thỏa thích các món hải sản, tôi ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau, cả đoàn cùng thức dậy sớm để ngắm bình minh nhuộm hồng một vùng trời.
Biển đẹp, sóng êm thuận lợi cho cuộc viễn du tìm đàn hải mã. Vịnh Rapid có cầu tàu nổi danh dài nhất thế giới. Cầu tàu đầu tiên bằng gỗ xây vào năm 1940, dài 490m, với đoạn ở cuối cầu nở ra đoạn chữ T dài 200m. Đến năm 2004, bão đã làm hư cầu tàu này nên chính phủ đã xây rào chắn không cho ai ra phía ngoài. Chiếc cầu tàu mới ngắn hơn, chỉ dài 240 mét, được xây lại năm 2009, hướng ra biển như một bán đảo nhỏ. Đây là nơi lý tưởng cho du khách câu cá, bơi lặn, ngắm cảnh. Chúng tôi cũng khởi hành từ đây.
Ra đến bãi lặn, chúng tôi nhảy ùm xuống nước. Lặn chưa đầy ít phút, tôi vui mừng khi thấy nhiều loại cá bơi giữa làn nước trong veo. Rừng san hô rậm rạp cũng hiện ra. Dăm chú sao biển chấm tím, chấm nâu bò chậm chạp cùng tụi tôm hùm thập thò quanh các hốc đá. Tôi sững người trước cặp hải mã uốn lượn đẹp huyền ảo, trông chúng tựa như đôi rồng vàng trong truyền thuyết với vây kỳ dũng mãnh tương phản cùng thân hình uốn khúc dịu dàng, đầu mũi dài ngoằn, nhọn hoắc. Người dân bản địa thường gọi loài này là hải mã rồng biển lá (leafy seadragon) vì thân chúng trông tựa lá rong biển, lại còn giống rồng.
Hải mã (cá ngựa) nhiều nhất thế giới
Chỉ một giờ lặn ở vịnh Rapid, tôi đã nhìn thấy hơn trăm con hải mã; có hải mã trắng bạch, uyển chuyển như dải lụa; có hải mã toàn thân rực rỡ như dát vàng; có con màu xanh tím, vây màu huyết dụ… Ngắm bầy hải mã thoắt ẩn thoắt hiện như múa khúc nghê thường chập chờn diễm lệ, tôi như lạc vào tiên cảnh. Hải mã vốn đã quý, nổi tiếng làm thuốc nhưng hải mã rồng biển lá càng được mến mộ gấp ngàn lần vì bộ cánh quý phái, lộng lẫy của chúng.
Hải mã đặc biệt ở chỗ vây kỳ luôn tung bay, không thể nào xếp lại được như cá. Con trống giữ nhiệm vụ canh giữ trứng và nuôi con cho tới khi chúng trưởng thành. Hải mã rồng biển lá chỉ có ở các biển Nam và Tây Úc. Trước đây, tôi đã từng thấy chúng ở các thủy cung ở Mỹ, nhưng được chiêm ngưỡng hải mã rồng biển lá ngay dưới lòng đại dương này, tôi mới thấy hết mọi nét huyền ảo của chúng với vây kỳ tung tăng, phơi bày bao vẻ tuyệt sắc.
Người dân Úc tôn sùng hải mã rồng biển lá tới mức cứ hai năm một lần, họ lại tổ chức lễ hội Leafy Sea Dragon Festival rầm rộ tại Yankalilla. Ngày hội ngập tràn cờ xí, hình nộm và bong bóng hải mã rồng biển lá ngoại cỡ. Các cuộc thi vẽ, hòa tấu nhạc, thơ ca về hải mã cũng diễn ra, cuốn hút đông đảo du khách tham gia. Rượu, nước nho, đồ ăn bánh kẹo được bày bán khắp các đường phố.
Tuy có tên nghe đầy oai vệ nhưng hải mã rồng biển lá lại khá yếu ớt. Chúng không thể tự bảo vệ mình. Mỗi mùa bão biển đến, người ta thấy xác giống loài này tấp vô bờ vịnh Rapid rất nhiều.
Là thứ thuốc quý hiếm nên hải mã rồng biển lá từng bị người dân triệt để đánh bắt. Trước nguy cơ diệt chủng của loài hải mã xinh đẹp này, từ năm 1987, ở Nam Úc đã có lệnh bảo tồn, cấm bất kỳ ngư dân nào đánh bắt chúng.
Suốt ba ngày liền lặn ngụp dưới lòng biển, hết chụp hình, quay phim, chiêm ngưỡng bầy hải mã biến hóa thiên hình vạn trạng, tôi vẫn chưa thỏa thích vì chúng quá đẹp, đẹp lung linh huyển hoặc như một huyền thoại. Khi từ giã vịnh Rapid tâm tư tôi lưu luyến mãi đàn hải mã, cứ mong ngày nào đó sẽ có dịp tái ngộ.
♠ Từ TP. Hồ Chí Minh đến Adelaide, Úc, mất khoảng 6,5–12 giờ bay.
♠ Giá vé máy bay từ 950–250 đô-la Mỹ tùy theo hãng máy bay và số lần quá cảnh sân bay.
♠ Từ Adelide, bạn sẽ mất hơn 1 giờ 30 phút đi xe để tới vịnh Rapid.
♠ Mùa đẹp nhất để đi Rapid là tháng 3–6, nắng ấm, biển trong và có nhiều hải mã.
♠ Hải sản ở vịnh Rapid rất rẻ, tuy nhiên nhiều nơi ở khu vực này có điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ví dụ như nước ngọt khan hiếm, bờ biển rất nhiều đá nhọn. Bạn chỉ nên tới các nơi đã nổi tiếng có nhiều khách du lịch, hạn chế ghé các nơi hoang vu.
BÀI: DƯƠNG VĂN MINH LỘC
Tiếp Thị Gia Đình