Tháng Ba, đến Đắk Lắk hòa vào Lễ hội Cà-phê ở Buôn Ma Thuột

Bạn hãy lên đường đến Buôn Ma Thuột dự Lễ hội Cà phê và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Nơi hoa cà-phê, tiếng chiêng cồng đang tưng bừng vẫy gọi

Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột/Em cao nguyên huyền thoại…

Bạn đã đến Buôn Ma Thuột chưa? TP. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên hùng vỹ. Tháng Ba, Buôn Ma Thuột lại tưng bừng với Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên để du khách tìm hiểu văn hóa, kinh tế và còn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Le hoi Ca phe hinh anh 2

Lễ hội Cà-phê với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”

Lễ hội Cà-phê sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 13–3–2017 và có nhiều chương trình như: Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà-phê; Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017; Lễ hội Đường phố; Hội thi Nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Thưởng thức cà-phê miễn phí. Song song với Lễ hội Cà-phê, nơi đây còn diễn ra Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 có chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập” với các nội dung chính: Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên; Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; Hội thi Tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà-phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Dự kiến, lễ hội sẽ thu hút 20.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa.

Le hoi Ca phe hinh anh 3

Khám phá Đắk Lắk

Ngoài những chương trình lễ hội mà Tiếp Thị Gia Đình giới thiệu thông tin chi tiết cuối bài, khi đến với Buôn Ma Thuột, bạn chắc chắn phải dừng chân ở buôn Ako Dhong (Cô Thôn) nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột. Ở đây, bạn có thể ngắm nhìn, tìm hiểu văn hóa, nếp sống của đồng bào dân tộc và mặc sức chụp ảnh, ghi lại những mái nhà dài, những chiếc cầu thang có đỉnh giống như mũi tàu của đồng bào Ê-Đê. Đặc biệt lúc này, buôn đang vào độ đẹp nhất trong năm. Cả vùng đất Ako Dhong trong trẻo và tràn đầy sức sống với sắc trắng của hoa cà-phê nở rợp trời.

Bạn đã từng nghe tiếng chiêng tiếng cồng nơi núi rừng cao nguyên chưa? Ơi Buôn Ma Thuột, ơi Tây Nguyên, nơi có những con người và cảnh vật oai hùng với bản trường ca Đam San bất diệt, nơi mà khi tiếng chiêng, tiếng cồng dẫu đánh nhè nhẹ cũng vang vọng khắp núi non, rung lên cây lá. Trải qua một tối ở Ako Dhong, sải bước dưới đêm trăng ngàn hay ngồi bên ngọn lửa bập bùng, bạn sẽ có dịp lắng nghe tiếng cồng chiêng rộn ràng đầy huyền hoặc đó. Không những thế, phút giây ấm áp, đượm men say bên ché rượu cần, nghe kể sử thi của đồng bào dân tộc cũng sẽ để lại trong lòng bạn những khoảnh khắc ấn tượng khó quên suốt hành trình đến với vùng đất này. Đặc biệt, trước khi rời Ako Dhong, bạn nhớ tham quan khu dệt thủ công để mua những chiếc khăn hoặc các mặt hàng thổ cẩm khác do người làng dệt tay làm quà lưu niệm.

Ngoài buôn Ako Dhong, từ trung tâm Buôn Ma Thuột, theo phố Phan Bội Châu, bạn có thể đến Trung tâm du lịch Buôn Đôn, quê hương của voi rừng Việt Nam. Bạn sẽ có những giây phút đi cầu treo qua dòng sông Serepok, một dòng sông chảy ngược hoặc cưỡi voi, thăm nhà sàn cổ hơn một thế kỷ.

Le hoi Ca phe hinh anh 4

Trong hành trình đến với vùng đất đỏ bazan và những cụm rừng xanh thắm này, bạn cũng chớ bỏ qua cụm thác Dray Nur và Dray Sap nhé! Trong tiếng ầm ào thác đổ và hơi sương, hơi nước mờ ảo, đứng ở đây, bạn còn ngửi được cả mùi hoa dại phảng phất rất dễ chịu. Bên cạnh đó, làng Jun và hồ Lak còn có cảnh trời nước mênh mông và mây trắng bao quanh đỉnh của dãy núi Chư Yang Sin đẹp đến nức lòng.

Nếu chưa một lần đến Buôn Ma Thuột, tháng Ba này chính là cơ hội để bạn trải nghiệm vùng đất huyền hoặc này. Ngoài những địa điểm hấp dẫn trên, bạn nhớ lưu lại lịch trình lễ hội sau đây để không bỏ lỡ những giờ phút tuyệt vời cho chuyến đi của mình nhé! n

Lễ hội Cà- Phê Buôn Ma Thuột

Từ ngày 8 đến 13–3: Chương trình thưởng thức cà-phê miễn phí diễn ra trên các tuyến phố của Buôn Ma Thuột.

Lúc 20 giờ, ngày 10–3–2017: Lễ khai mạc có chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”.

Lễ hội đường phố khai mạc lúc 15 giờ ngày 10–3 tại các tuyến phố trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Lúc 9 giờ ngày 12–3: Khai mạc Lễ hội đua Voi và thuyền độc mộc tại Hồ Lắk, huyện Lắk.

Lúc 20 giờ ngày 12–3: “Đêm hội vào mùa” tổ chức tại Quảng trường 10–3, thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày 8 đến 13–3: Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà-phê diễn ra với chủ đề: “Cà-phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” tại Khu bảo tàng, Biệt Điện tỉnh, số 2 Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột.

Lúc 9 giờ ngày 11–3 tại Hội trường UBND tỉnh: Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017.

Lúc 8 giờ, ngày 12–3 tại Hội trường UBND tỉnh: Hội thảo về cà-phê.

Lúc 14 giờ ngày 12–3: Chung kết hội thi “Nhà nông đua tài” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Lúc 20 giờ ngày 13–3: Lễ bế mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Hẹn ngày gặp lại”.

Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Lúc 20 giờ ngày 11–3–2017: Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên tại Sân khấu Quảng trường 10–3.

Từ ngày 11 đến 12–3–2017: Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng tại khu Du lịch Sinh thái cộng đồng Kô Tam và một số địa điểm khác trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Từ ngày 10 đến ngày 13–3–2017: Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên, tại khu Du lịch Sinh thái Cộng đồng Kô Tam.

Hành Trình đến Buôn Ma Thuột

√ Từ thành phố Hà Nội hoặcTP. HCM, bạn có thể đến Buôn Ma Thuột bằng đường hàng không. Từ Buôn Ma Thuột, bạn thuê ta-xi hoặc đi xe buýt để tới buôn Ako Dhong và các điểm đến khác ở Buôn Ma Thuột. Nếu muốn thoải mái hơn, bạn chọn một khách sạn ở trung tâm thành phố để nghỉ ngơi rồi thuê một chiếc xe máy để chủ động trong việc tham quan các điểm đến và rong ruổi tận hưởng khung cảnh tươi đẹp cũng như không khí trong lành của thủ phủ cà-phê.

BÀI: AN AN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua