Khi vừa đặt chân xuống thành phố cảng Çanakkale của Thổ Nhĩ Kỳ vào một chiều thu đầu tháng 10 se lạnh, tôi nhìn thấy một con ngựa gỗ khổng lồ nằm trên bến cảng. Không ngờ đó chính là con ngựa thành Troy đã cùng với tài tử Brad Pitt tham gia bộ phim Cuộc chiến thành Troy (2004).
Nguyên do của cuộc chiến thành Troy
Sử thi Iliad của Homer có kể câu chuyện hoàng tử Paris của thành Troy đã quyến rũ nàng Helen xinh đẹp vợ vua Hy Lạp Menelaus đến vùng đất của mình. Vì thế, vua Hy Lạp đã tiến hành cuộc chiến 10 năm với sự trợ giúp của Achilles và nhờ mưu mẹo bằng chú ngựa gỗ mà người Hy Lạp đã chiến thắng quân thành Troy.
Song khi đứng trên đỉnh đồi của thành Troy nhìn bao quát thung lũng và eo biển Dardanelles, tôi lại nghi ngờ giả thiết thứ hai mà các nhà sử học quan tâm. Nguyên nhân chính của cuộc chiến thành Troy đích thực là do quân Hy Lạp muốn giành vị trí kiểm soát hàng hải quan trọng trên eo biển Dardanelles, nối liền từ biển Aegea thông với biển Marmara.
Kho báu thành Troy
Từ những năm 1871–1873 và 1878–1879, doanh nhân đồng thời là nhà khảo cổ học Heinrich Scheliemann đã khai quật ngọn đồi Hissarlik của đế quốc Ottoman, khám phá một loạt tàn tích có từ thời kỳ đồ đồng cho tới tận La Mã. Scheliemann đọc sử thi Iliad của Homes nên tin rằng thành Troy nằm ở phía Nam eo biển Dardanelles và quyết định tìm kiếm. Sau những nỗ lực của ông, thành Troy cùng với những báu vật đã được phát hiện.
Những dấu vết lịch sử thành Troy
Khoảng 1300–1190 trước Công nguyên được xem như là bối cảnh trong câu chuyện của Homer. Khu vực Troy bị phá hủy bởi chiến tranh, có thể chính là nguồn gốc của cuộc chiến thành Troy, gồm cả dấu vết của một trận hỏa hoạn. Người ta còn tìm thấy bộ xương người với phần não và xương quai hàm bị chấn thương. Các cuộc khai quật chỉ tìm được một phần nhỏ dấu vết nên các nhà khảo cổ vẫn chưa nghiêng về giả thiết nào hơn – chiến tranh hay hỏa hoạn. Song, mãi cho tới năm 1988, người ta mới phát hiện ra khu vực này là pháo đài trên một đỉnh đồi, chứ không phải là thành phố với kích thước như Homer mô tả.
Từ thành phố cảng Çanakkale đến di tích cổ thành Troy chỉ 30km. Khi bước chân xuống Troy, đập vào mắt tôi là một con ngựa gỗ khổng lồ nằm trên sân và nhiều người thích thú trèo vào bụng nó để chụp ảnh. Nhiều du khách còn mặc đồ chiến binh Hy Lạp cổ đại chụp ảnh lưu niệm. Giờ đây, dạo quanh thành Troy, tôi chỉ còn thấy những di tích đá đổ nát, những bức tượng gợi lên một thời kỳ lịch sử mang nét Hy Lạp và La Mã.Thành Troy huy hoàng chỉ còn trong sử thi mà thôi.
Dạo quanh thành Troy, mắt tôi không thôi nhìn về khu vực nhà hát cổ mà có lẽ ngày xưa nơi đây là điểm thu hút giải trí hấp dẫn nhất của thành phố. Những cây ô-liu vẫn xanh mướt trong một mùa thu Thổ Nhĩ Kỳ yên ả. Tôi lưu luyến chia tay thành Troy của Homer mà không biết khi nào mới có dịp trở lại.
Thông tin thêm
– Bạn có thể mua vé từ TP. HCM đi Thổ Nhĩ Kỳ của các hãng hàng không Aeroflot, Qatar Airways, Turkish Airlines. Giá vé từ khoảng 500 đô-la Mỹ (khoảng 11 triệu đồng). Từ Istanbul, bạn có thể đi xe bus hoặc máy bay hãng Turkish Airlines về thành phố Çanakkale.
– Çanakkale là thành phố với khá nhiều dịch vụ nhà hàng, khách sạn đặc biệt tập trung ngay trước khu vực bến cảng.
– Bạn đón xe bus từ Çanakkale về Troy ở ngay trong thành phố chứ không phải trạm tập trung xe bus ở ngoại ô.
BÀI: KIM NGÂN
Tiếp Thị Gia Đình