Khi đặt chân đến cao nguyên đá Đồng Văn, giữa bạt ngàn những núi đá tai mèo xám ngoét, chỉ thấy lưa thưa một vài vệt xanh của những khóm ngô khẳng khiu cùng rau màu chen lấn với đá để mọc lên… tôi thực sự hiểu cuộc sống nơi đây khó khăn đến nhường nào.
Dù vậy, trên mảnh đất cao nguyên đầy khắc nghiệt này, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, con người hồn hậu, sống chan hoà giữa tự nhiên qua bao đời và ở đây cũng có những giá trị văn hóa thật đẹp, những câu chuyện thú vị mà ai đã đến du lịch Hà Giang một lần cũng sẽ đem lòng yêu mến.
Văn hoá Tà Lèo
Dọc đường lên cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ khá bất ngờ khi thấy những chiếc xe máy còn mới để nghênh ngang ngoài đường và còn cắm sẵn chìa khoá, nhưng chủ nhân thì tuyệt nhiên không thấy đâu. Có thể họ đang mải mê trên nương rẫy, hoặc đã đi vào các bản… uống rượu. Điều đặc biệt là chiếc xe máy có để từ ngày này qua ngày khác thì cũng không ai lấy cả.
Có được điều này, không phải do an ninh ở đây chặt chẽ mà là nhờ nét văn hoá có tên gọi “Tà lèo” của đồng bào thiểu số nơi đây. Tà lèo là một vật dụng có hình tròn, dẹt, được đan bằng tre, nứa. Khi lên rẫy làm việc, họ sẽ mang theo bên mình những chiếc Tà lèo và nếu tìm được những thứ có giá trị như tổ ong mật hay bẫy được muông thú… mà chưa thể mang về nhà, thì họ sẽ treo 1 cái Tà lèo bên cạnh để đánh dấu chủ quyền. Và những người đến sau, khi thấy Tà lèo họ biết rằng vật này đã có chủ và không được động đến nữa.
Văn hoá này đã tồn tại trong nhiều dân tộc bản địa hàng trăm năm qua và cũng nhờ vậy mà chuyện trộm cắp trong các bản làng vùng cao nguyên đá hầu như hiếm khi xảy ra.
Số lẻ là số may mắn
Khác với dân tộc Kinh, luôn xem số lẻ là số không may mắn thì người H’Mông ở Hà Giang lại ngược lại, số lẻ chính là số may mắn của họ. Chính vì vậy mà nhà của người H’Mông thường được xây thành 3 gian và có 1 cột chính rất quan trọng. Trong nhà người H’Mông các vật dụng như chén, bát, ly, bàn, ghế… đều là số lẻ. Và khi lên rẫy, để may mắn đến với họ thì họ mang theo bên mình những số lẻ chiếc Tà lèo. Có thể là 3, 5, 7, 9… hoặc nhiều hơn tuỳ vào mục đích của họ.
Hàng rào đá thể hiện sự chu đáo của người đàn ông với gia đình
Trên con đường đèo Hạnh Phúc đoạn từ cột cờ Lũng Cú hướng lên đỉnh Mã Pì Lèng, nếu để ý kỹ phía bên tay trái, bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà của người H’Mông dựng cheo leo trên vách núi. Điều đặc biệt là từ trên đèo nhìn xuống, hàng rào đá của một vài ngôi nhà được xếp rất cẩn thận theo hình trái tim.
Lúc anh hướng dẫn viên vừa chỉ cho tôi thấy vừa nói “chủ của ngôi nhà này, chắc chắn là một người đàn ông giỏi và rất yêu vợ”, tôi đã nghi hoặc hỏi “làm sao có thể khẳng định là chắc chắn yêu vợ?”, anh hướng dẫn viên cho tôi biết rằng hàng rào đá nhà người H’Mông chính là nét đặc trưng để nhận biết sự chăm chút của người đàn ông đối với gia đình. Hàng rào đá càng cao, càng đẹp thì càng chứng minh được ngôi nhà ấy có một người đàn ông trụ cột tuyệt vời.
Tại sao lại đem hàng rào đá ra làm chuẩn mực để so sánh với phẩm chất của người đàn ông? Bởi vì để làm được một hàng rào đá, người đàn ông H’Mông phải lên núi chọn những viên đá có góc cạnh rồi gùi về nhà. Sau đó họ sẽ sắp những viên đá sao cho chúng tự bám vào nhau một cách chắc chắn, vững chãi mà không cần tới xi măng, cát. Để có được một hàng rào đá chắc chắn, họ phải mất cả dăm ba tháng đến vài năm để hoàn thành. Và chỉ có những người đàn ông thực sự yêu gia đình mới đủ kiên nhẫn để làm chúng mà thôi.
Chợ Phiên độc đáo trên cao nguyên đá
Nếu nghỉ đêm ở Đồng Văn vào đúng hôm thứ 7, bạn nhớ dậy thật sớm để đi chợ Phiên Đồng Văn. Phiên chợ này chỉ được mở vào sáng Chủ nhật hàng tuần và là phiên chợ hội tụ sắc màu văn hoá của nhiều dân tộc như H’Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Pu Péo…
Từ khắp các vùng rừng núi, họ đi bộ từ tờ mờ sáng vượt qua hàng chục km đường rừng để gùi theo những sản vật họ làm được ra chợ bán. Ngoài việc mua bán trao đổi hàng hoá, phiên chợ cũng là nơi để họ giao lưu, gặp gỡ, cùng nhau ngồi bên nồi thắng cố, uống rượu, trò chuyện làm quen với nhau.
Ở đây, bạn có thể mua được vài ký nếp nương loại đặc biệt thơm ngon với giá 30 đến 40 nghìn đồng/kg, hạt óc chó béo ngậy, giá 80 đến 100 nghìn đồng/kg loại chưa tách hạt, rượu ngô thơm phức mới nấu 40-50 nghìn đồng/lít. Nếu không biết giao tiếp bằng tiếng đồng bào thiểu số, bạn có thể ra dấu hoặc giao tiếp bằng cử chỉ để mua hàng.
Phiên chợ đặc biệt này cũng không thiếu những món ăn đặc sản của vùng rừng núi phía Bắc như: Thắng cố, thắng dền, cháo ấu tẩu, bánh tam giác mạch, thịt trâu gác bếp…
Cung đường nguy hiểm bậc nhất lại không có gương cầu lồi
Cung đường trên cao nguyên đá Đồng Văn được đánh giá là cung đường nguy hiểm bậc nhất ở Việt Nam. Nhưng một điều kỳ lạ là ở đây tôi không hề thấy chiếc gương cầu lồi nào được đặt để hỗ trợ lái xe.
Những người tài xế cho biết, người dân bản địa nơi đây thờ các vị thần linh và họ tin rằng những chiếc gương cầu lồi chiếu vào núi đá sẽ làm Thần núi nổi giận và trừng phạt con người. Vì vậy bao nhiêu gương cầu lồi được lắp cũng đều bị người dân phá hỏng.
Chàng trai không bao giờ mặc quần
Ở vùng đất Hà Giang có chàng trai tên Triệu Lao Lớ khá nổi tiếng vì sở thích không giống ai. Triệu Lao Lớ hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường, làm nghề xe ôm và là trụ cột chính của một gia đình 5 người. Tuy nhiên lúc 3 tuổi, trong một lần mặc quần, Lớ bị sâu róm bám ở quần tấn công khiến lâm bệnh nặng. Từ đó về sau cậu bị ám ảnh với việc mặc quần. Cho đến khi trưởng thành, Lớ vẫn không chịu mặc quần dù bị nhiều người chê cười.
Cha của Lớ cho hay, một lần Lớ ngủ say, cả nhà lấy quần mặc vào cho Lớ thì Lớ lập tức tỉnh dậy quát tháo ầm ĩ. Hôm sau Lớ ốm rất nặng, thừa sống thiếu chết, phải chạy chữa mãi mới khỏi. Từ đó mọi người trong nhà không ai dám bắt ép Lớ mặc quần nữa.
Ngoài sở thích kỳ lạ này ra thì Lớ là chàng trai rất chăm chỉ, lại hiền lành, tốt bụng và biết chăm lo cho cha mẹ. Lớ cũng có thích một vài cô gái nhưng ngay lần gặp mặt đầu tiên thì các cô gái đều sợ hãi từ chối tình cảm của Lớ. Hiện tại Lớ đã 23 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình.
Bài: Duyên Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình