Một khảo sát cho thấy, các cặp vợ chồng trẻ thường hiếm khi thẳng thắn bàn bạc, thảo luận về tài chính. Điển hình như họ thường không thành thật với nhau trong các câu hỏi “Lương của anh (em) bao nhiêu một tháng?”, “Chúng ta đang nợ ngân hàng bao nhiêu?”. Khi được hỏi các câu này, các đôi vợ chồng thường sẽ đưa ra những con số không trùng khớp nhau. Đây là một trong những thói quen tài chính không có lợi cho hôn nhân. Ngoài những yếu tố trên, 5 thói quen tài chính dưới đây cũng là điều các cặp vợ chồng nên tránh, để hạn chế nguy cơ hôn nhân đổ vỡ:
1. Không đề cập đến tiền bạc
Người châu Á, đặc biệt là Việt Nam, vẫn còn tư tưởng “ngại” đề cập đến chuyện tiền bạc, vì cho rằng đó là vấn đề tế nhị. Nhưng đây lại là một trong những sai lầm trong hôn nhân. Cách nhanh nhất để tạo nên những bất hòa tài chính giữa một cặp vợ chồng là không đề cập đến tiền bạc. Nhưng ngay cả khi bạn và chồng không bàn bạc đến, lỗ hổng tài chính vẫn ở đó chứ không biến mất. Các chuyên gia khuyên, hãy tạo thói quen bàn bạc về vấn đề tài chính, chi thu, tiết kiệm trong gia đình mỗi tháng hoặc mỗi tuần. Chồng bạn phải biết rõ ràng tình hình tài chính trong nhà, chứ không thể nào mỗi tháng anh ấy chỉ đều đặn “nộp lương” là hết nghĩa vụ.
2. Không lập kế hoạch tài chính
Hai vợ chồng phải cùng nhau lên các kế hoạch tài chính dài hạn: khi nào nghỉ hưu, mua nhà, phí học hành của con, ma chay hiếu hỉ… Khi đã có được các kế hoạch dài hạn, bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm, kiểm soát và quản lý tài chính của gia đình hơn. Chưa kể những kế hoạch tài chính dài hạn này còn là động lực, để hai vợ chồng cùng nhau cố gắng vì những điều tốt đẹp hơn. Khi không lập kế hoạch tài chính, các đôi vợ chồng thường rất mù mờ về tổng thu nhập của mình, dễ dàng tiêu hoang vào những điều nhỏ nhặt tủn mủn.
3. Nói dối về tiền bạc
Dối trá luôn là một trong những con đường nhanh nhất khiến hôn nhân mất niềm tin, gây nên đổ vỡ. Ở đây, nói dối về tài chính còn là tội “tày đình” hơn. Những khoản chi tiêu nhỏ như mua một chiếc túi, quần áo bạn có thể không cần cho bạn đời mình biết. Nhưng nếu có “quỹ đen” hay lén giấu đối phương cho bạn bè (họ hàng) vay mượn số tiền lớn, khi một nửa của bạn phát hiện ra, gia đình sẽ dễ rơi vào cảnh “lục đục”. Hãy minh bạch, hỏi ý kiến đối phương khi có việc liên quan đến số tiền lớn bởi của chồng công vợ, cả hai đều có trách nhiệm với tài sản chung.
4. Không cùng quan điểm chi tiêu
Hôn nhân là nghệ thuật biến “tôi” thành “chúng ta”, cách quản lý, chi tiêu tài chính vì thế cũng ảnh hưởng theo. Bạn không thể như thời son rỗi thích mua gì thì mua nữa. Khi đã lập gia đình, để minh bạch về tài chính, cả hai nên bàn bạc, thống nhất quan điểm chi tiêu. Hãy cố gắng thỏa hiệp để cả hai vợ chồng đều có chung quan điểm chi tiêu.
5. Mối quan hệ tài chính lệ thuộc
Thông thường, với các cặp đôi hôn nhân đổ vỡ, một trong những nguyên nhân chính là: một người làm, một người tiêu; càng làm càng tiêu. Dần dà, mọi chuyện sẽ ngày càng trở nên nặng nề, làm nên một lỗ hổng lớn trong hôn nhân. Để hạn chế thói quen tài chính không tốt này, hai vợ chồng cần ngồi lại, thống nhất với nhau về mọi khoản chi thu, để cả hai đạt đến một ngưỡng, cùng cảm thấy hài lòng về tài chính trong gia đình.
Bài: TRÌNH ĐẮC DI
Theo GirlFinance
Tiếp Thị Gia Đình