Hạnh phúc là điều mà ai cũng phấn đấu để đạt được. Nhưng hầu hết chúng ta lại tìm kiếm hạnh phúc qua những người xung quanh, qua của cải, công việc… Ta cứ mải tìm kiếm bên ngoài, nhưng hạnh phúc phải được tìm thấy từ bên trong chúng ta.
1. Mối quan hệ “vô bổ”
Bạn bè của chúng ta đôi khi sẽ sắm vai nạn nhân của những tình huống và luôn đổ lỗi, than vãn, phàn nàn về mọi thứ. Ở bên những người như vậy rất nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn là týp người dễ bị “lây lan” cảm xúc. Họ sẽ triệt tiêu năng lượng và những rung động tốt đẹp của bạn. Lâu dần, bạn sẽ nhận ra mình cũng chấp nhận những thói quen ấy.
2. Thói ca thán
“Tôi chả có gì để so sánh với họ! Tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó! Tôi là một kẻ thất bại! Tôi chẳng là gì cả!”. Bạn có thấy quen không? Khi bạn nghĩ mình không làm được, bạn sẽ không bao giờ làm được. Tư tưởng này triệt tiêu động lực, ngáng đường và ngăn bạn đối diện với cuộc sống, bởi những suy nghĩ tiêu cực đã kiểm soát bạn. Từ suy nghĩ sẽ biến thành hiện thực.
3. Những kỳ vọng không thực tế
Trước tiên, chúng ta thường đặt những kỳ vọng không thực tế cho mình. Chúng ta cần phân biệt giữa mơ tưởng và kiến thức để đưa ra những kỳ vọng thực tế. Chúng ta có thể hy vọng những điều tốt đẹp nhất, nhưng cũng cần phải có kế hoạch A, B hay thậm chí là kế hoạch C để thay thế khi cần thiết. Chúng ta cần phải dự đoán kết quả và chuẩn bị tinh thần cho những gì có thể xảy ra.
4. Ngừng so sánh
Hầu hết chúng ta đều mắc lỗi này. Chúng ta so sánh mình với bạn bè, hàng xóm, người nổi tiếng và cả những người ta không quen biết. Khi xem tivi, đọc tạp chí hoặc lên mạng, chúng ta thường bị tấn công bởi những hình ảnh đẹp đẽ, vốn là sản phẩm của công nghệ truyền thông và nhận thấy mình thấp kém. Trong tương lai, nếu có so sánh, hãy chỉ so sánh với duy nhất một người: chính bạn. Khoảnh khắc bạn chuyển sự so sánh vào mình và thừa nhận sự cải thiện của chính mình thì cũng là lúc bạn trở nên tốt hơn.
5. Lo lắng
Hầu hết những điều lo lắng đều nằm ngoài tầm kiểm soát, vậy mà chúng ta vẫn cứ lo lắng. Chúng ta băn khoăn và khổ sở vì chuyện tương lai, mình sẽ trông như thế nào, sẽ nấu gì cho bữa tối, công việc, gia đình sẽ ra sao… Một danh sách dài bất tận những lo lắng. Không ngừng lo lắng còn là nguyên nhân khiến chúng ta mất ngủ và căng thẳng, đẩy nhanh quá trình lão hóa và bạn thật sự không muốn những điều đó xảy ra.
6. Sợ thay đổi
Chúng ta nhìn nhận sự thay đổi ở nhiều góc độ. Với một số người, đó có thể là điều tốt. Nhưng với hầu hết, nó là dấu hiệu của sự không chắc chắn và đó có thể là một điều không tốt. Con người chúng ta muốn dự đoán và chắc chắn. Khi có một sự thay đổi chực chờ xảy đến, chúng ta cảm thấy lo sợ. Đó là lý do khiến chúng ta cứ gắn bó với những công việc chán ngắt và những mối quan hệ chẳng ra gì.
Nếu bạn vẫn còn đang đấu tranh với nỗi sợ thay đổi của mình, hãy nhớ rằng người mạnh nhất và thông minh nhất không phải lúc nào cũng sống sót và chiến thắng, mà đó phải là người thích nghi với sự thay đổi tốt nhất. Những người hạnh phúc nhất và cả những người thành công nhất đều là những người luôn chào đón sự thay đổi và đối mặt với nó.
7. Chần chừ
Hãy lập một danh sách những việc cần làm và đưa ra kỳ hạn. Chia nhỏ nhiệm vụ ra vì sẽ có lợi hơn nếu ta hoàn thành chúng từng chút một. Tận hưởng việc thực hiện từng nhiệm vụ nhỏ và tự thưởng cho mình nếu hoàn thành xong một việc. Cần nhớ là hãy bỏ qua và đừng tự tạo áp lực cho mình nếu chưa đạt được mục tiêu đề ra. Điều đó quan trọng hơn việc bạn việc bắt đầu một nhiệm vụ trước khi nghĩ đến kết quả.
Bước nhỏ này sẽ giúp hoàn tất quá trình và sự hài lòng cùng niềm hạnh phúc sẽ theo về cùng nhau.
Bạn còn chần chừ gì nữa? Hạnh phúc ở trong tầm tay chúng ta, chỉ cần 7 bước mà thôi.
Tiếp Thị Gia Đình