Nghệ thuật cáo bận

Nhà văn Henry David Thoreau từng nói: “Bận rộn không là không đủ. Kiến cũng bận rộn. Câu hỏi là: Chúng ta bận rộn vì cái gì?”. Đừng để sự mơ hồ làm lời cáo bận của bạn trở nên vô nghĩa

Trên thực tế, bận rộn không có gì là sai trái nhưng trong nhiều trường hợp, các mối quan hệ có thể trở nên xa cách, thậm chí rạn nứt hoặc tan vỡ cũng chỉ vì chữ “bận” này. Vậy làm cách nào để nói: “Tôi rất bận” nhưng vẫn duy trì được tình cảm tốt đẹp với đối phương? Đó là cả một nghệ thuật!

Vì sao không nên lạm dụng từ “bận”?

Vì ai cũng bận

Ngày trước, bận thường mang nghĩa đen của chính nó khi người ta ưu tiên một công việc nào đó hơn những việc khác để từ chối chúng. Ngày nay, bận đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người, nó không còn mang hàm nghĩa đặc thù nào cho sự bận rộn thuần túy nữa. Cũng như “đi công chuyện” và “việc cá nhân”, từ “bận” trở thành cái cớ vô thưởng vô phạt, thật giả bất phân. Ai cũng có thể bận, lúc nào cũng có thể bận, sáng sớm bận, nửa đêm bận, làm việc cũng bận mà ở không… cũng bận!

Vì dễ nảy sinh hiểu lầm

Vài lần đầu, bạn nói: “Tôi bận” để từ chối yêu cầu hoặc lời mời sẽ dễ được đối phương chấp nhận. Nhưng nếu cứ lặp lại lý do đó, họ sẽ xem đó là ẩn ý bạn không thích hoặc thậm chí là xem thường họ.

Dù đúng hay sai, người ta vẫn thường căn cứ vào cớ bận để suy đoán ý đồ thực sự của bạn. Kết quả của suy đoán ấy đa phần lại là những suy nghĩ tiêu cực. Người khác không thể hiểu được rốt cục bạn đang trải qua những gì và thật sự đang bận việc gì. Dần dần mối quan hệ trở nên xa cách, đôi bên không thể giao lưu và thấu hiểu, thậm chí nảy sinh hiểu lầm không đáng có. Vì vậy, cáo bận liên tục sẽ là cách hiệu quả “giúp” bạn bài xích những mối quan hệ xung quanh.

nghe-thuat-cao-ban-001

Vì đó là sát thủ trong giao tiếp

Bận thường được hiểu là “bây giờ không được”, tức là bạn không hề nghĩ đến cảm nhận của người khác. Tình cảm đôi bên từ đó cũng xa cách và dễ bị rạn nứt hơn.

Bận không có gì sai, nhưng nó cần được lý giải để không trở thành một cái cớ mơ hồ. Giữ nhà, đón con, đưa bố đi khám, đưa mẹ về quê… những lý do chính đáng này cần được nói ra để đối phương hiểu tại sao bạn từ chối họ. Sự thông cảm không hề xa xỉ, chỉ là bạn có biết cách truyền đạt tâm ý của mình chân thành hay chưa.

Nghệ thuật cáo bận

Thật lòng cho đỡ mất công

Hãy cho đối phương biết rõ bạn bận cái gì. Tất nhiên việc này sẽ đòi hỏi ở bạn một chút thời giờ và sự khéo léo. Nhưng có vẫn hơn không, hãy giải thích thật nhanh gọn.

Ví dụ: Bạn được mời tham dự sinh nhật một người bạn, nhưng bạn không thể đến. Có hai cách cáo bận mà bạn có thể tham khảo:

Cách 1: “Mình thật sự muốn đi nhưng lại không có thời gian trong ngày hôm đó, bạn thông cảm nha!”.

Cách 2: “Mình thật sự rất muốn đi nhưng tối nay mình phải đưa bé nhà mình đi thi hát. Mình sẽ “tạ lỗi” với bạn sau. Đừng giận nhé!”.

Mỗi cách cáo bận sẽ đem lại những hiệu quả khác nhau. Có thể thấy, cách 2 sẽ giúp đối phương hiểu rõ lý do bạn không đến tham dự được và dễ thông cảm cho bạn.

Cho đối phương biết kỳ hạn cụ thể

Nếu đang thật sự rất bận, hãy nói rõ cho đối phương biết kỳ hạn cụ thể, chẳng hạn như bạn sẽ bận làm việc đó trong bao lâu.

Ví dụ một người bạn hẹn bạn đi cà-phê vào tối thứ 7 nhưng bạn bận dạy con làm bài tập, lúc này có thể nói: “Tối hôm đó mình bận tiếp khách phụ ông xã, sáng Chủ nhật còn phải đi thăm ông bà đến chiều mới về. Nếu được thì hẹn bạn tối Chủ nhật nhé!”. Sự thành khẩn luôn hữu hiệu để đối phương vui vẻ cảm thông cho bạn hơn.

nghe-thuat-cao-ban-002

Hãy suy nghĩ kỹ về hậu quả

Ngày nay, từ “bận” bị lạm dụng quá mức nên thường gây ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, trong vài trường hợp nhất định, bận có thể dùng để khước từ hoặc chấm dứt một mối quan hệ không mong muốn. Chữ “bận” thường được đem ra để kéo giãn khoảng cách, khiến đối phương chán nản và tình cảm phai nhạt.

Nhưng nhìn chung, hầu như mối quan hệ nào cũng đều đáng trân trọng. Vì vậy, trước khi cáo bận để chối từ, bạn hãy thận trọng suy xét về cảm nhận của cả hai.

Bài: Lê Phương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua