Nói đến nhạc kịch, phải nhắc đến Disney. Phải chăng Disney tài tình trong việc xây dựng những kịch bản mới lạ, hấp dẫn với người yêu thích nhạc kịch? Không bạn ạ. Hầu hết tất cả các vở nhạc kịch đình đám của Disney như Beauty and the Beast (công diễn năm 1994) hay The Lion King (công diễn năm 1997) đều lấy cốt truyện từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc.
Tại sao bạn thích trốn vào thế giới cổ tích?
Trong lần đầu tiên Disney công diễn vở nhạc kịch Cô bé Lọ Lem Cinderella do Julie Andrews thủ vai chính, ngay lập tức đã thu hút hơn 100 triệu người xem.
Càng về sau, khi hệ thống âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng kỹ thuật phát triển mạnh, những vở nhạc kịch nhận được sự đón nhận nhiều hơn thế nữa. Vở The Lion King trở thành vở biểu diễn kéo dài thứ ba trên sân khấu Broadway và đem lại doanh thu cao nhất trong lịch sử. Beauty and the Beast càng không kém cạnh. Từ năm 1994 đến 2007, vở nhạc kịch này đã công diễn 5.461 suất, thu về hơn 1,4 tỷ đô-la, công diễn tại 13 quốc gia trên thế giới. Phải chăng, nhạc kịch lấy cốt truyện từ cổ tích đã trở thành xu hướng? Tại sao con người hiện đại lại yêu thích nó?
Lý giải điều này, chị Trần Nguyễn Thiên Hương, tác giả kịch bản của vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ công diễn vào tháng 10–2016, cho biết: “Trong cuộc sống rất mệt mỏi hiện nay, mỗi người đều có một vấn đề và người ta có xu hướng tìm trốn vào thế giới tưởng tượng. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng lớn trên toàn thế giới. Đó là lý do bạn thấy rất nhiều phim khoa học viễn tưởng, phim cổ tích ra đời trong giai đoạn hiện nay. Nhạc kịch cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Bản chất của chuyện cổ tích thường ca ngợi cái đẹp, thể hiện một triết lý sống gần gũi, khát khao hướng đến những kết thúc có hậu. Đó cũng là ước mơ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người nên dễ đón nhận được sự yêu thích, đồng cảm của nhiều người”.
Hơn nữa, truyện cổ tích có thể gần gũi, dễ đồng cảm với mọi đối tượng, từ trẻ đến già, từ nữ tới nam, từ người có tầm thưởng thức đến những người vừa chạm ngõ nghệ thuật…Nghe những câu chuyện đó, tất cả mọi người đều cảm thấy được an ủi, được yêu thương và có quyền hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, khác với khán giả thời trước, dù đều muốn thoát khỏi thế giới thực, tìm đến cuộc sống trong mơ nhưng khán giả thời nay đòi hỏi nhiều hơn. Bởi thế, người viết nhạc kịch cần phải thể hiện cái cũ đó theo một hình thức nghệ thuật mới sao cho thật sống động, vui vẻ, bất ngờ và giải quyết được vấn đề theo cách nghĩ của người hiện đại. Đó là lý do những phiên bản vở nhạc kịch của Disney luôn có sự đổi mới. Mỗi nhà sản xuất sẵn sàng thay cả ê-kíp diễn viên, đổi mới kịch bản để người yêu nhạc kịch luôn cảm thấy mình được ăn món ăn mới, có thể xem đi xem lại nhiều lần mà không ngán, không chán.
Người Việt trốn vào cổ tích Việt
Trong khi nhạc kịch lấy từ cốt truyện cổ tích phát triển mạnh mẽ khắp thế giới, đem tới cho khán giả những giờ phút thư giãn, thú vị thì người Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ hội thưởng thức. Chẳng phải không có vở nhạc kịch nào “du lịch” vào Việt Nam, vấn đề nằm ở rào cản ngôn ngữ. Làm sao tất cả mọi người có thể hiểu hết câu chuyện, bật cười trước những câu bông đùa khi nghệ sĩ thể hiện bằng tiếng Anh, bằng những văn hóa, hình ảnh, biểu tượng nước ngoài xa lạ? Còn dịch sang tiếng Việt ư? Cũng có một số tác phẩm đấy nhưng chẳng hiểu sao, theo ca sĩ Hoàng Kim – người từng hát nhạc kịch, khi chuyển sang lời Việt cứ “trớt quớt làm sao ấy”.
Hồi Tết 2016, lần đầu tiên, Tấm Cám – câu chuyện cổ tích kinh điển của văn học dân gian Việt Nam được kể lại bằng phong cách nhạc kịch broadway dưới tên gọi Tấm Cám The Musical. Một khán giả Việt sau khi xem vở nhạc kịch này đánh giá: “Tấm Cám The Musical là một kịch bản hay, mang đậm tính nhân văn, dù vẫn còn nhiều “sạn”, nhưng chắc chắn kịch bản này sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ còn điều chỉnh cho vở kịch ngày một hoàn hảo hơn… Tôi thích vở kịch này và nếu có bất kỳ cơ hội nào để xem lại, tôi sẽ đi ngay”.
Điều đó cho thấy, người Việt mình cần những “món ăn” cao cấp nhưng lại thiếu “nhà hàng” cung cấp các “món ăn” đó. Đừng bắt người Việt trốn vào cổ tích nước ngoài. Hãy cho người Việt được trốn vào trong cổ tích Việt, được nghe lời ca, đoạn thoại, xem những điệu múa thuần văn hóa Việt. Để có thêm “món ăn tinh thần” cao cấp, đáp ứng được tiêu chí đó, ê-kíp sản xuất vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương đang tích cực tập luyện. Theo bật mí của nhà biên kịch Thiên Hương: “Vở không phải theo phong cách broadway mà đi theo phong cách truyền thống của âm nhạc Việt Nam. Tất cả các bài hát kinh điển của Việt Nam và một số bài nhạc sáng tác mới của đạo diễn âm nhạc Nguyễn Công Phương Nam sẽ được phối trộn khéo léo để kể lại câu chuyện cổ Từ Thức Gặp Tiên. Những bài hát, hình ảnh quê hương, điệu múa, cốt truyện đó sẽ giúp khán giả cảm thấy đây là Việt Nam, là vở nhạc kịch dành cho người Việt”.
Bài: Thiên Minh
Tiếp Thị Gia Đình