“Sự tích” tên gọi các địa danh Sài Gòn

Bạn đã từng nghe qua các địa danh Sài Gòn như Hồ Con Rùa, Ngã tư Bảy Hiền, Hầm Thủ Thiêm,.. Có bao giờ bạn thắc mắc rằng vì sao người ta lại gọi tên như vậy?

Sài Gòn nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời, với hàng quán tấp nập, với phố xá đông nghẹt người và với những địa danh có thể chưa hề đi qua nhưng hầu như ai cũng biết đến. Nếu ai đã từng đặt chân lên đất Sài Gòn, chắc hẳn cũng đã nghe qua Hồ Con Rùa, Ngã 4 Bảy Hiền, Thủ Thiêm… Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết rõ nguồn gốc tên gọi của các địa danh Sài Gòn trên.

Bài viết sau đây sẽ cho bạn biết thêm nhiều điều thú vị xung quanh những tên gọi địa danh Sài Gòn đã có từ xa xưa.

Lý giải tên gọi các địa danh Sài Gòn

Thủ Thiêm

Thủ Thiêm là khu vực ngoại ô, nằm ở Q. 2, TP. HCM. Từ xa xưa, Thủ Thiêm được coi là có vị thế trọng yếu vì đây là đoạn tiếp giáp với cửa sông Sài Gòn, thuận lợi giao thương phát triển.

Chính vì vậy, vào thời giao tranh giữ Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn, nơi đây được lập các đồn trấn giữ để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn. Người xưa gọi những đồn đó là “Thủ”, còn Thiêm được đặt theo tên của quan chức đến cai quản thủ này. Vì thế người ta gọi là Thủ Thiêm. Đây cũng là cách đặt tên cho những địa danh khác như Thủ Đức, Thủ Thừa (Long An), Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Hồ Con Rùa

Nằm ngay trung tâm thành phố ở Q. 3, có tên gọi chính thức là Công trường Dân chủ, tuy nhiên người ta vẫn quen gọi với cái tên Hồ Con Rùa. Nhưng điều thắc mắc ở đây là ngoài đài phun nước, chẳng có bất kỳ con rùa nào cả.

Theo tài liệu ghi chép lại, Hồ Con Rùa thật ra là một tháp nước được thực dân Pháp xây dựng để cung cấp nước cho cư dân trong vùng. Sau nhiều lần trùng tu, dưới chế độ Cộng Hòa, chính quyền đã đặt nơi đây một bức tượng con rùa bằng hợp kim, có đỡ trên lưng bia đá với các dòng chữ ghi công những người đã hy sinh cho chế độ.

Tuy nhiên, vào đầu năm 1976, tấm bia và con rùa đã bị phá hủy trong một vụ nổ lớn. Nhưng sau này người dân vẫn quen gọi đó là Hồ Con Rùa.

dia danh Sai Gon hinh anh 1

Ngã 4 Bảy Hiền

Ngã 4 Bảy Hiền là giao lộ gắn với các trục đường chính, bao gồm: Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Hoàng Văn Thụ – Lý Thường Kiệt (Phường 3, Q. Tân Bình).

Ngã 4 Bảy Hiền thật ra được đặt theo tên của ông Trần Văn Hiền. Lúc trước, ông là điền chủ giàu có bậc nhất ở vùng đó. Tuy vậy, nhưng ông rất thương người. Vào ngày rằm hàng tháng, ông đều thí bạc giúp đỡ người nghèo. Khi ông chết, mọi người ai cũng tiếc thương, nên lấy tên ông đặt cho khu vực này. Ông sinh thứ bảy, tên Hiền, nên mọi người gọi luôn là Bảy Hiền.

Cầu Chà Và

Cầu Chà và là cây cầu bắc nối liền thông thương giữa khu vực Q. 8 và chợ Lớn (Q. 5). Chà Và là cách nói chạy chữ của người Việt khi phát âm chữ Java.

Ngày trước, khu vực này là nơi chuyên buôn bán vải của người Ấn Độ. Tuy nhiên người Việt lại nhầm lẫn là họ đến từ đảo quốc Java của Indonesia. Về sau, Chà Và là tên gọi chỉ chung những người có nước da ngăm đến từ Ấn Độ, Philippines, Indonesia,…

Ngã 5 Chuồng Chó

Ngã 5 Chuồng Chó hay còn gọi là Ngã sáu Gò Vấp. Từ thời Pháp thuộc, nơi đây còn có tên gọi là Ngã năm Hàng Điệp vì trồng rất nhiều điệp ven đường.

Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng trung tâm huấn luyện cảnh khuyển tại đây. Từ đó, người dân quen gọi giao lộ này là Ngã năm Chuồng Chó.

Trên đây là nguồn gốc một vài địa danh Sài Gòn phổ biến được nhiều người nhắc tới. Nếu có thời gian, bạn hãy tìm hiểu thêm vì Sài Gòn còn rất nhiều điều thật thú vị.

Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua