Chỉ một vài ngày sau khi mở cửa miễn phí đón khách tham quan, anh Lê Tiến Thành, chủ vườn hoa oải hương ở Đà Lạt đã phải xót xa thông báo về việc tạm đóng cửa.
Nguyên nhân được anh chia sẻ trên trang cá nhân là do quá nhiều khách tham quan không có ý thức nên bước ngang qua luống, ngồi lên hoa làm dập gãy cành… Khi có khách đến thăm, anh và bố luôn phải mất công đi canh chừng, nhắc nhở liên tục để đảm bảo cho vườn hoa không bị phá hỏng.
Tuy nhiên, dù anh Thành đã nỗ lực nhắc nhở trực tiếp, kêu gọi trên facebook cá nhân, nhưng chuyện vẫn đâu vào đấy. Vườn hoa oải hương của anh mỗi ngày một xơ xác. Vì thế, không còn cách nào khách, anh buộc phải đăng thông tin tạm không tiếp khách trên trang cá nhân và treo biển từ chối khách tham quan ngay trước lối vào.
Nằm trong làng hoa Vạn Thành, vườn hoa oải hương của anh Thành không chỉ là điểm hẹn của các du khách yêu hoa, mà còn là nơi chàng trai quê ở Bắc Ninh này dành biết bao tâm huyết. Từ năm 2008, chàng sinh viên khoa công nghệ sinh học đã chuyên tâm nghiên cứu, thử nghiệm cách trồng hoa oải hương. Mãi đến năm 2011, anh mới bắt đầu nhìn thấy thành quả của mình và lần đầu tiên có hoa oải hương cung cấp ra thị trường. Hiện tại, diện tích vườn hoa của anh đã lên đến 1.000m². Sau giờ làm việc, anh lại tranh thủ về vườn mở cửa cho khách tham quan, hướng dẫn cách trồng và bán các sản phẩm tại vườn.
Về lần đóng cửa lần này, anh Thành chia sẻ rằng sẽ cố gắng khắc phục và phục hồi vườn để có thể nhanh chóng đón khách trong thời gian tới.
Đọc đến đây, bạn sẽ thấy câu chuyện vườn hoa oải hương của anh Thành không phải xảy ra lần đầu tiên. Cuối năm 2014, cộng đồng mạng từng dậy sóng khi một cô gái “khoe khoang” thành tích phá ruộng hoa cải ở Mộc Châu, Sơn La, vì trót tốn 10.000 đồng vào cửa. Một câu chuyện đau lòng tương tự cũng xảy ra với đồng hoa hướng dương ở Đà Lạt vào cuối năm 2015.
Nếu những cách hành xử thiếu ý thức như thế này cứ tiếp diễn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có cơ hội chiêm ngưỡng những cánh hoa đẹp hay đồng hoa ngút ngàn nữa.
Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình