Jo In Sung
Những ngày qua, các “mọt” phim online dường như chưa tỉnh cơn mơ sau khi bộ phim Vẫn cứ thích em kết thúc. Không mơ sao được khi phim quy tụ lực lượng mỹ nam hùng hậu của Hoa ngữ, làm trò “cute” (dễ thương) từ tập này qua tập khác. Có thể nói, dàn diễn viên nam đẹp, nói rộng ra là trai đẹp ngày càng phát huy lợi thế trong lĩnh vực điện ảnh, ca nhạc, thời trang. Đất nước khởi đầu cho trào lưu chuộng trai đẹp này là Hàn Quốc.
NHẬN DIỆN “KKONMINAM”
Ở Hàn Quốc, một bộ phận trai đẹp như vậy được gọi là flower boy hay kkonminam, theo tiếng Hàn, có nghĩa là chàng trai đẹp như hoa. Họ có khuôn mặt thanh tú, da trắng mịn, dáng cao, ăn mặc sành điệu và nhất là cử chỉ dịu dàng, đôi khi nữ tính.
Trong địa hạt phim ảnh, các kkonminam ngày càng xuất hiện nhiều. Từ Lee Jun Ki thanh tú đến Kim Soo Hyun đẹp “rụng rời”, từ Kang Ha Neul cười như tỏa nắng đến Jo In Sung điềm đạm nho nhã, tất cả đều là bảo chứng cho sự thành công của những dự án phim truyền hình.
Tại Việt Nam, một trong những nơi làn sóng Hallyu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, nhiều nam nghệ sỹ cũng theo đuổi hình tượng flower boy. Các mỹ nam như Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Isaac (365)… đang là tên tuổi “hot” hơn bao giờ hết trong làng nhạc Việt.
BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?
Một trong những hình tượng flower boy đầu tiên của làng giải trí Hàn Quốc là tài tử Bae Yong Joon, trong phim Bản tình ca mùa đông năm 2002. Khi bộ phim công chiếu rộng khắp châu Á, phụ nữ đã củng cố lại quan niệm về mẫu người yêu lý tưởng: đẹp trai, nho nhã, dịu dàng. Gọi là củng cố vì mầm mống cho sự thay đổi quan niệm đã hình thành từ trước đó, với xúc tác chính là khủng hoảng tài chính 1997, sự du nhập của manga từ năm 1998 và World Cup 2002.
Sống trong xã hội còn nặng tư tưởng trọng nam kinh nữ, họ bị mất việc ngay khi kinh tế khó khăn nhưng vẫn phải chăm lo cho gia đình. Họ thấy mình bị bỏ rơi và bắt đầu tìm kiếm hình mẫu nam nhân chu đáo, ân cần.
Suy nghĩ đó được củng cố vào năm 1998, khi Hàn Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ Nhật Bản, kéo theo sự phổ biến của các thể loại manga với nam chính thường là những chàng trai đẹp, ôn nhu và dịu dàng.
Đến năm 2002, khi World Cup diễn ra tại Hàn Quốc, Ahn Jung Hwan – cầu thủ đẹp trai với mái tóc dài lãng tử khiến mọi cô gái phát cuồng xuất hiện nhan nhản trên các quảng cáo mỹ phẩm được xem là hình mẫu chuẩn mực của kkonminam. Đặc biệt, bốn chàng trai trong Boys Over Flowers gây bão một thời gian dài với hình tượng kkonminam và đưa làn sóng này phổ biến hơn ở xứ sở kim chi.
Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết từ thời Shilla (năm 57 trước Công nguyên đến năm 935) ở Triều Tiên, trai đẹp được biết đến với tên gọi “hoa lang” nhờ xuất thân cao quý, được học về văn chương, binh pháp từ nhỏ. Chỉ có điều, họ không làm công việc giải trí mà ra trận để đánh quân xâm lược.
FLOWER BOY VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
♦ 635 triệu đô-la Mỹ là số tiền mà nam giới Hàn Quốc chi cho việc làm đẹp vào năm 2013, chiếm 1/5 tổng giá trị toàn cầu.
♦ Với chỉ 19 triệu nam nhân trên tổng dân số, chi phí làm đẹp tính bình quân đầu người của đàn ông Hàn Quốc đứng hàng đầu thế giới.
♦ Không phải mọi trai đẹp đều là kkonminam. Chẳng hạn So Ji Sub trong Giày thủy tinh hay Song Seung Hun trong Phía Đông vườn địa đàng không được gọi là kkonminam vì quá nam tính.
♦ Chương trình truyền hình Homme chuyên cung cấp mẹo chải chuốt cho nam giới. Trong khi đó, hãng hàng không Korean Air tổ chức lớp học make-up cho tiếp viên nam.
Mục Chuyện tuần này/Tiếp Thị Gia Đình