Cân nhắc 5 ưu và nhược điểm này trước khi quyết định lắp đặt điện năng lượng mặt trời

Tiếp tục bài viết Điện năng lượng mặt trời và những thông tin cơ bản bạn cần biết, TTGĐ giới thiệu 5 ưu và nhược điểm của hệ thống năng lượng này

Ảnh: Shutterstock

Tiếp tục bài viết Điện năng lượng mặt trời và những thông tin cơ bản bạn cần biết, TTGĐ giới thiệu 5 ưu và nhược điểm của hệ thống năng lượng này.

5 ưu điểm của điện năng lượng mặt trời

Nguồn năng lượng tái tạo

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, có thể khai thác nó ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh này và hoàn toàn miễn phí. Chúng ta cũng không lo cạn kiệt nguồn năng lượng ấy vì ngày mai trời lại sáng. Theo ước tính của các nhà khoa học, ánh sáng mặt trời sẽ luôn sẵn sàng cho chúng ta ít nhất là… 5 tỷ năm nữa. Sau đó, mặt trời sẽ tắt.

Ứng dụng đa dạng

Năng lượng mặt trời có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Bạn có thể tạo ra điện (quang điện) hoặc nhiệt (nhiệt mặt trời). Ngày nay, năng lượng mặt trời cũng có thể được tích hợp vào các vật liệu sử dụng cho công trình nhà ở. Đơn cử là cửa kính. Trong tương lai không xa, toàn bộ cửa sổ nhà ở, cao ốc văn phòng sẽ trở thành phương tiện thu năng lượng mặt trời hiệu quả. Nó có thể cạnh tranh với những tấm pin được lắp đặt trên mái nhà.

Bảo trì khá đơn giản

Các hệ thống năng lượng mặt trời nói chung không đòi hỏi nhiều việc bảo trì. Bạn chỉ cần giữ chúng tương đối sạch sẽ bằng cách lau dọn bề mặt vài lần mỗi năm. Nếu không an tâm, bạn có thể liên hệ các công ty vệ sinh chuyên dụng.

Hầu hết các nhà sản xuất trang thiết bị năng lượng mặt trời uy tín đều cung cấp bảo hành trên 10 năm. Thậm chí với tấm pin công nghệ mới, hiệu suất bảo hành đến 25 năm. Ngoài ra, vì không có bộ phận chuyển động nên các thiết bị không có hao mòn ma sát vật lý. Biến tần thường là bộ phận duy nhất cần thay đổi sau 5–10 năm. Vì nó liên tục hoạt động để chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện và nhiệt.

Ngoài biến tần, các dây cáp cũng cần bảo trì để đảm bảo hệ thống năng lượng hoạt động với hiệu suất tối ưu. Do đó, sau khi đầu tư chi phí ban đầu, bạn sẽ ít tốn chi phí phát sinh cho bảo trì và sửa chữa.

Công nghệ phát triển

Công nghệ trong ngành năng lượng mặt trời không ngừng phát triển. Chúng ta đều thấy rõ các cải tiến qua từng năm. Những đổi mới trong vật lý lượng tử và công nghệ nano có khả năng làm tăng gấp đôi hiệu quả của các tấm pin mặt trời. Thậm chí là gấp ba.

Giảm hóa đơn tiền điện

Điện từ mặt trời sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình bạn. Do đó, bạn sẽ không sử dụng điện của nhà nước. Điều này đồng nghĩa bạn sẽ giảm được khá nhiều chi phí hóa đơn điện mỗi tháng. Chưa kể, với lượng điện dư thừa và có hòa chung với lưới điện; bạn được mua lại theo giá quy định hiện hành.

điện năng lượng mặt trời

Ảnh: Shutterstock

5 nhược điểm của điện năng lượng mặt trời

Chi phí lắp đặt ban đầu cao

Chi phí ban đầu cho một hệ thống năng lượng mặt trời là khá cao. Trong đó bao gồm các tấm pin mặt trời, biến tần, pin, hệ thống dây điện và dàn khung lắp đặt. Nếu hệ thống hòa lưới công suất 3kWp, chi phí sẽ khoảng 80 triệu đồng. Công suất 5kWp sẽ khoảng là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, các công nghệ năng lượng mặt trời không ngừng phát triển; cùng với sự canh tranh của nhiều nhà cung cấp, giá sẽ giảm trong tương lai.

Phụ thuộc thời tiết

Mặc dù năng lượng mặt trời vẫn có thể khai thác trong những ngày nhiều mây và mưa; nhưng hiệu quả giảm rõ rệt. Các tấm pin mặt trời sẽ hoạt động tốt nhất trong những ngày nắng. Một bất lợi lớn khác là hệ thống sẽ ngừng hoạt động khi hoàng hôn buông xuống.

Lưu trữ năng lượng rất tốn kém

Trong trường hợp sử dụng hệ thống độc lập, bạn sẽ tốn rất nhiều chi phí cho việc lưu trữ năng lượng. Những bình ắc quy trữ điện có thể sạc đầy vào ban ngày và sử dụng vào ban đêm. Tuy nhiên, bạn phải tính toán đầu tư “kho trữ điện” phù hợp với công suất và nhu cầu sử dụng thực tế. Chi phí đầu tư bình trữ điện là hơi cao và cần thay mới sau vài năm sử dụng.

Sử dụng nhiều không gian

Bạn muốn sản xuất càng nhiều điện, bạn càng cần nhiều tấm pin mặt trời. Các tấm pin mặt trời đòi hỏi không gian trống. Mái nhà 30m² chỉ đáp ứng hệ thống công suất 5kWp.

Liên quan đến ô nhiễm môi trường

Mặc dù ô nhiễm liên quan đến hệ thống điện năng lượng mặt trời ít hơn nhiều so với khai thác các nguồn năng lượng khác; nhưng ô nhiễm vẫn hiện diện. Cụ thể, việc vận chuyển và lắp đặt hệ thống này có liên quan đến sự phát thải khí nhà kính.

Một số vật liệu độc hại được sử dụng để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cũng gián tiếp gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, sau khi hết hạn sử dụng, chúng sẽ được xử lý như thế nào? Nên biết, tấm pin năng lượng mặt trời chứa chì, cadmium và một số chất độc hại khác có thể gây ung thư.

Công ty tư vấn và lắp đặt điện năng lượng mặt trời

Công ty Điện Mặt Trời SolarV. Website: www.solarv.vn. Hotline: 1900 2078

Công ty GivaSolar. Website: www.givasolar.com. Hotline: 1900 2680

Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt. Website: www.datsolar.com. Điện thoại: 0283 715 7567

Công ty Điện Mặt Trời Võ Gia Solar. Website: www.vogiasolar.com. Điện thoại: 0906 393 386

Công ty Điện Mặt Trời Bách Khoa. Website: www.solarbk.vn. Hotline: 1900 636 759

Bài: EI VEE
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua